Nguyễn Quán Nho: Vinh quy bái tổ vẫn vớt bèo cùng mẹ

Trạng Cháy Nguyễn Quán Nho sống vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17, ở làng Vạn Hà, huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hoa (nay là huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Cha ông mất sớm, mẹ ông vất vả nuôi con từ nhỏ, nhà thường không đủ ăn.

Vinh quy bái tổ vẫn vớt bèo cùng mẹ

Theo sách “Kẻ chăn trâu kỳ dị”, khi Nguyễn Quán Nho được 5, 6 tuổi đã phải lo đỡ đần mẹ. Nhiều lần vào mùa đông lạnh giá, hai mẹ con đói meo nhà không còn hạt gạo nào. Nguyễn Quán Nho đành muối mặt sang hàng xóm nói mượn nồi về nấu cơm. Về đến nhà, hai mẹ con ông vét hạt cơm chét còn lại dưới đáy nồi để ăn cầm cự.

Dần dần hàng xóm hiểu chuyện, nên mỗi khi cho mượn nồi thì để ý dành lại nhiều phần cơm cháy hơn một chút. Sau dân trong vùng thường gọi Nguyễn Quán Nho là “chàng Cháy”.

Dù đến tuổi đi học, Nguyễn Quán Nho vẫn phải theo mẹ đi làm thuê cho nhà chủ. Cậu thường cố lắng nghe lời thầy đồ dạy cho con chủ, rồi lấy que củi vạch lên nền đất mà viết chữ, lấy gai viết lên thân xương rồng, rồi viết lên lá chuối. Thầy đồ trong làng thấy Quán Nho có chí lớn, lại thông minh sáng dạ nên chỉ bảo thêm một chút, lại cho cậu bé thêm giấy bút. Mẹ Quán Nho thấy vậy cũng chú ý dạy con lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, đồng thời khích lệ con học chữ.

Thế rồi Trời không phụ lòng người, kỳ thi Hương năm 1657, Nguyễn Quán Nho 19 tuổi đỗ đầu tức Hương Cống. Vào đến kỳ thi Hội, Quán Nho thi đỗ tam trường và được bổ dụng làm quan.

Đến khoa thi năm 1667 đời vua Lê Huyền Tông, Nguyễn Quán Nho lại đăng ký dự thi và chiếm ngôi nhất bảng tức tiến sĩ (do khoa thi này không lấy Tam khôi).

Đỗ đầu, Nguyễn Quán Nho vinh quy bái tổ về làng. Giai thoại kể rằng trong khi các hương chức cùng dân chúng trong làng tấp nập chào đón ông, thì mẹ ông vẫn bình thản ra ao vớt bèo về nuôi lợn. Lý trưởng làng Vạn Hà đến mời bà dự lễ thì thì bà nói rằng: “Thi đỗ là việc của con tôi, còn tôi còn đang bận vớt bèo!”

Nguyễn Quán Nho không thấy mẹ, nghe kể thì nhanh chóng thay đồ phục rồi chạy ra ao làng vớt bèo cho đầy hai rổ rồi hai mẹ con cùng về dự lễ tiệc cùng dân làng. Từ câu chuyện này mà người dân Thiệu Hóa lưu truyền câu “vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy” hay “ông Nghè vớt bèo”.

Người dân làng Vạn Hà cũng gọi Nguyễn Quán Nho là “Trạng Cháy”.

Nghe lời mẹ dạy làm quan thanh liêm, thăng tới Tể tướng

Nguyễn Quán Nho được bổ nhiệm làm quan ở Ninh Bình, công việc khiến ông không thể trở về thăm mẹ được. Gần đến tết, ông gom tiền lương mua chiếc áo lụa rồi cho người đưa về quê tặng mẹ.

Thấy tấm áo lụa mà cả đời khó nhọc chưa từng được mặc, người mẹ chỉ lo Quán Nho làm quan bất chính, nên không vui nói rằng: “Bổng lộc của quan là máu mỡ của dân hay sao?”. Nói rồi bà đem đốt tấm áo lấy tro tàn đưa cho người lính gửi đến con mình.

Nguyễn Quán Nho nhận được thì hiểu ý mẹ dạy, càng nghiêm khắc với bản thân, làm quan thanh liêm, không đục khoét của dân.

Năm 1672, Nguyễn Quán Nho được bổ nhiệm làm Đô đốc liên tỉnh Hải Dương – Yên Quảng.

Từ năm từ 1674 đến 1681, ông 4 lần tham gia đoàn sứ bộ công cán sang nhà Thanh.

Năm 1684, ông được bổ nhiệm làm Phó đô ngự sử.

Đầu năm 1691, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Lại.

Cuối năm 1692, ông được kiêm thêm chức Đô ngự sử.

Năm 1693, Nguyễn Quán Nho được phong làm Thương thư bộ Binh. Sau đó được cử làm Tham Tụng (tương đương Tể Tướng).

Trạng Cháy Nguyễn Quán Nho – Lương thần đời trị

Dẫu làm quan đầu Triều nhưng Nguyễn Quán Nho sống giản dị thanh liêm, được người dân ca tụng là “Tể tướng Vạn Hà, thiên hạ âu ca” (Vạn Hà là tên làng quê của ông).

Sử gia Phan Huy Chú nhận xét về thời trị vì của vua Lê Hy Tông như sau:

Trong khoảng Vĩnh Trị và Chính Hòa, trên dưới bình yên, trong ngoài vô sự. Người cầm quyền chính đại khái lấy sự ung dung làm đức độ, sự chín chắn làm thể thống, như các ông: Nguyễn Mậu Tài ở Kim Sơn, Nguyễn Quán Nho ở Vạn Hà và Nguyễn Quý Đức ở Thiên Mỗ đều có lòng khoan hậu, được xứng chức; thực là đáng lương thần đời trị.

Có lần về thăm quê, Nguyễn Quán Nho thấy người dân vất vả làm đường đắp đê sông Chu, ông liền sai lính mang voi ra cùng giúp dân, từ đó người dân Vạn Hà có câu:

Ai về làng Vạn mà coi,

Coi ông quan Thượng cho voi làm đường.

Năm 1707, Nguyễn Quán Nho về hưu khi đã 70 tuổi, sang năm 1708 thì ông mất.

“Đại Nam quốc sử diễn ca” ghi nhận về ông như sau:

Bởi ai thiên hạ âu ca,

Chẳng quan Tham tụng Vạn Hà là chi.

Còn dân gian nói về ông như sau:

Mậu Dần quý mệnh,

Định vị cao khoa.

Khoan hậu thành sác,

Cương chính ôn hòa.

Trung quân ái quốc,

Bỉnh đạo tặc tà.

Yểu nhân chân tượng,

Lương đống hoàng gia.

Nghĩa là:

Sinh năm Mậu Dần,

Đỗ năm Đinh Mùi.

Luôn sống hiền hòa,

Thẳng thắn, mềm mỏng.

Trung vua yêu nước,

Ghét bọn gian tà.

Rõ ràng hình ảnh,

Trụ cột hoàng gia.

Theo Tri Thức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nguyen-quan-nho-vinh-quy-bai-to-van-vot-beo-cung-me-1513753.html