Nguyên tắc công bằng được thể hiện như thế nào trong quan hệ thuận mua vừa bán?

Phát biểu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cáo với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tinh thần tiếp thu nghiêm túc và giải trình rõ, thấu tình, đạt lý.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ băn khoăn, “tổ chức” trong khái niệm người tiêu dùng của dự thảo Luật liệu đã bao gồm hết tất cả các đối tượng được tham gia vào hoạt động mua như gia đình, hộ gia đình hoặc hợp tác xã hay không.

Đại biểu cũng làm rõ, người tiêu dùng có thể được hiểu là người mua và sử dụng nhưng cũng có những trường hợp người mua không đồng thời là người sử dụng. Vậy trường hợp này ai được xác định là người tiêu dùng, người mua hay là người sử dụng và pháp luật sẽ bảo vệ người tiêu dùng sẽ thừa nhận và bảo vệ cho ai? Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đặt vấn đề người tiêu dùng ngoài mục đích tiêu dùng sinh hoạt như trong khái niệm nêu ra thì có còn các nhu cầu khác nữa hay không.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị là Ban soạn thảo quan tâm và thể hiện khái niệm người tiêu dùng một cách minh bạch, rõ ràng hơn để dễ triển khai thực hiện.

Về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải thực hiện chủ động từ sớm thì sẽ được cụ thể hóa, lượng hóa như thế nào trong các điều luật khác. Ngoài ra, đối với nguyên tắc công bằng được thể hiện như thế nào giữa quan hệ người mua, người bán, quan hệ thuận mua vừa bán; hay như quy định giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Mai Phương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nguyen-tac-cong-bang-duoc-the-hien-nhu-the-nao-trong-quan-he-thuan-mua-vua-ban