Nguyên tắc 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' góp phần tạo lập môi trường pháp lý công bằng, bền vững

Với 3 phiên thảo luận trong 1 ngày diễn ra Hội thảo quốc tế 'Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp' do Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Pháp luật & Phát triển phối hợp tổ chức, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa nguyên tắc này, góp phần tạo lập môi trường pháp lý công bằng, bền vững.

Quang cảnh một phiên thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: P.Giang)

Quang cảnh một phiên thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: P.Giang)

GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển nhấn mạnh, đầu tư có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nền kinh tế, đầu tư trực tiếp giúp tạo ra năng lực sản xuất, phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, nước, giao thông… Đối với nhà đầu tư, nhà thầu, đầu tư trực tiếp mang lại nhiều lợi thế do lợi nhuận lớn, an toàn trước những biến động của nền kinh tế. Vì vậy, quốc gia nào cũng hết sức chú trọng hoạt động thu hút đầu tư. Điều này đúng với Việt Nam là nước đang phát triển và có khát vọng vươn lên, bứt phá trong bối cảnh hiện tại. Thu hút đầu tư đang là chiến lược phát triển cốt lõi của Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua với những thành tựu đáng mừng.

GS. TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển. (Ảnh: P.Giang)

GS. TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển. (Ảnh: P.Giang)

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, theo GS. TS Lê Hồng Hạnh, Việt Nam cần phải thu hút mạnh hơn nữa FDI cũng như các nguồn vốn trong nước bằng việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn đang cản trở tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Một trong những giải pháp cần được thực hiện ngay và hiệu quả là hoàn thiện thể chế để đảm bảo thực hiện nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Bàn về việc thực hiện nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ trong lĩnh vực đất đai, Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh - Luật sư Điều hành Công ty Luật AN Legal phân tích, nguyên tắc này là một trong những vấn đề nổi bật để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi của người sử dụng đất hiện hữu, nhất là trong lĩnh vực giao đất cho các dự án đầu tư.

Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh. (Ảnh: PV)

Luật sư Ngô Thị Vân Quỳnh. (Ảnh: PV)

Theo bà Quỳnh, Luật Đất đai 2024 đã có nhiều quy định thiết thực, bám sát thực tế nhằm giải quyết những khó khăn trên thị trường những năm gần đây liên quan việc tiếp cận đất của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc thi hành những quy định mới này cần thời gian để phát huy hiệu quả cũng như tìm ra những giải pháp để tháo gỡ nhằm đảm bảo nguyên tắc ‘lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và cả người dân.

Chia sẻ về một số quy định của Luật Đầu tư PPP năm 2020 (sửa đổi năm 2024), Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) Vũ Quỳnh Lê cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng nhằm thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án công. Theo bà Lê, Luật PPP hứa hẹn tạo lập khung pháp lý hoàn thiện hơn, giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Điều này không chỉ góp phần nâng cao sự hấp dẫn của môi trường đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững trong lĩnh vực hạ tầng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Vũ Quỳnh Lê. (Ảnh: P.Giang)

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Vũ Quỳnh Lê. (Ảnh: P.Giang)

Bà Lê nhấn mạnh, trong tương lai, việc tiếp tục nghiên cứu và cải thiện chính sách liên quan đến PPP là rất cần thiết, nhằm đảm bảo rằng các dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ.

Trong hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ThS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty An Sinh Nhân Nghĩa đã giới thiệu sáng kiến kinh tế thu hút đầu tư vào lĩnh vực này trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro và hài hò a lợi ích.

Đó là sáng kiến kinh tế “Khu nông thị Lạc Nghiệp An Cư” nhằm chuyển đổi các dự án sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông trại sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình khu nông thị tạo công ăn việc làm có thu nhập cao, ổn định và khu nhà ở hiện đại có đầy đủ dịch vụ về an sinh xã hội cho người lao động. Đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nan giải hiện nay như tình trạng di dân gây áp lực về hạ tầng, y tế cho các đô thị lớn; khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn, miền núi; giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; làm gì để giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của họ mà không cần phải lâm vào cảnh “tha hương cầu thực”... Khu nông thị được phát triển bền vững vì tuân thủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ Việt Nam; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái...

Ông Cường mong muốn sẽ hợp tác phát triển các khu nông thị tại Việt Nam trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và kỳ vọng đây sẽ là mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đang có sự biến chuyển mạnh mẽ trong quá trình thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực trong kỷ nguyên mà nền kinh tế thế giới bước vào thời đại kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh. (Ảnh: P.Giang)

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh. (Ảnh: P.Giang)

Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink khẳng định, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư mà còn góp phần tạo lập một thị trường bất động sản phát triển bền vững. Để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, theo ông Mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Việc áp dụng các cơ chế linh hoạt, minh bạch và ổn định sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tạo động lực cho đầu tư và góp phần vào tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Từ thực tiễn địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh Nguyễn Việt Hùng quan niệm: “Điểm then chốt khi nhắc đến hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp đó chính là yếu tố môi trường. Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ quyết tâm ‘không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng’, phát triển gắn liền giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh Nguyễn Việt Hùng. (Ảnh: P.Giang)

Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh Nguyễn Việt Hùng. (Ảnh: P.Giang)

‘Chia sẻ rủi ro’ được thể hiện rõ nét qua hình thức ‘đối tác công - tư’ là một ví dụ điển hình cho việc phân bổ rủi ro, tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện dự án. Với phương châm ‘lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư’, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Đầu tư theo hình thức này đã trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, điển hình là các công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... Thời gian tới, ông Hùng cho hay, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình phát triển bền vững trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, với tinh thần “cùng chung tay, cùng thắng, cùng phát triển”…

Kết thúc Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh gửi lời cảm ơn đến các cá nhân, tổ chức có liên quan góp phần vào thành công của Hội thảo. GS Lê Hồng Hạnh nhận định, khối lượng thông tin trong 1 ngày diễn ra Hội thảo là rất lớn, rất trí tuệ, chung tay vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ những thông tin quý giá được cung cấp, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp lại cùng với các giải pháp gửi tới các cơ quan chức năng, truyền thông đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn xã hội.

T.Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguyen-tac-loi-ich-hai-hoa-rui-ro-chia-se-gop-phan-tao-lap-moi-truong-phap-ly-cong-bang-ben-vung-post544574.html