Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm 'rất rộng'

Khẳng định việc xác định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án giao thông để thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết, song ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, cho rằng quy định trong dự thảo là 'rất rộng'.

Băn khoăn nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm

Thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ chiều 27.10 (gọi tắt là Nghị quyết), ĐBQH Đỗ Đức Hiển cho rằng, ông cơ bản nhất trí với việc ban hành Nghị quyết này, song cần làm rõ một số nội dung.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển phát biểu.

Cụ thể, về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm (Điều 3), Chính phủ đề xuất nguyên tắc, tiêu chí thứ nhất là “có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, quy định như vậy là chưa rõ. Điều này có thể hiểu là áp dụng theo hai trường hợp: Một là, theo đề xuất bằng văn bản của riêng Bộ Giao thông vận tải, hoặc của UBND cấp tỉnh; hai là, cần cả hai đề xuất của cả cấp bộ và cấp tỉnh. Vì thế, dự thảo Nghị quyết cần làm rõ trong trường hợp nào thì chỉ cần đề xuất của riêng một cấp, và trường hợp nào thì cần cả hai cấp.

Cũng theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, việc quy định “các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này” (nguyên tắc, tiêu chí thứ 4) không phù hợp và cần xem xét lại.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu.

Chia sẻ với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cho rằng, nguyên tắc, tiêu chí thứ nhất và thứ 4 là chưa phù hợp, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại. Mặt khác, đại biểu lưu ý, theo khoản 3 Điều 9 của dự thảo, “Nghị quyết chỉ quy định về các cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án theo danh mục thí điểm kèm theo Nghị quyết”. Tuy nhiên, nguyên tắc, tiêu chí lại có cơ chế mở, như vậy sẽ mâu thuẫn với nhau. Vì thế, cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc vấn đề này.

"Liệu tuyến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có được áp dụng theo Nghị quyết không?", Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết đặt vấn đề.

"Liệu tuyến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có được áp dụng theo Nghị quyết không?", Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết đặt vấn đề.

Khẳng định việc xác định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm là cần thiết, song ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, nêu ý kiến, quy định như trong dự thảo dường như đang “rất rộng”.

Như vậy, “TP. Hồ Chí Minh có thể bổ sung một số công trình cấp bách hiện nay, như đang chuẩn bị cho tuyến đường Vành đai 4 thì có được áp dụng theo Nghị quyết này không?”, đại biểu nêu câu hỏi và cho rằng, quy định như dự thảo Nghị quyết hiện vẫn chưa thật rõ ràng. Liệu có thêm điều kiện gì khác, như dự án phải nằm trong chương trình dự án trọng điểm của địa phương hay của quốc gia?

Cũng theo đại biểu Tuyết, Tờ trình tóm tắt số 611/TTr-CP của Chính phủ nêu 8 phụ lục danh mục kèm theo, áp dụng theo từng chính sách cụ thể. Tuy nhiên, ở danh mục tại Phụ lục số 6 và 7 lại không nêu áp dụng chính sách nào trong Nghị quyết này. “Trong hai danh mục đó có dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài liệu có được xem xét áp dụng Nghị quyết này hay không?”, đại biểu nhấn mạnh, hàm ý cần làm rõ vấn đề này.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh chiều 27.10.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh chiều 27.10.

Thống nhất hiệu lực thi hành với cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản

Tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết quy định về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, cần làm rõ tiêu chí để các cơ quan thống nhất giao cho 1 địa phương làm cơ quan chủ quản. Chẳng hạn, nếu địa phương A hỗ trợ kinh phí cho địa phương B làm một con đường thì có phải địa phương A làm cơ quan chủ quản không?

Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, theo đó, việc khai thác mỏ khoáng sản sẽ được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Tuy nhiên, tại Điều 10 về hiệu lực thi hành, cơ chế đặc thù này sẽ có hiệu lực đến năm 2025.

“Vậy nếu đến năm 2025, dự án đó vẫn chưa hoàn thành thì có tiếp tục được triển khai cơ chế đặc thù trong khi thác mỏ khoáng sản làm vật liệt xây dựng không?”, đại biểu Hiển nêu câu hỏi. Theo đại biểu, Nghị quyết cần thống nhất giữa điều khoản hiệu lực thi hành với quy định về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản, cho phép áp dụng đến khi hoàn thành dự án.

Tin, ảnh: Vũ Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/nguyen-tac-tieu-chi-lua-chon-du-an-thi-diem-rat-rong-i347876/