Nguyễn Thanh Thuận - nhà nghiên cứu rất trẻ ở Đồng Tháp
Nói đến Nguyễn Thanh Thuận, người ta không chỉ nói đến một Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp còn rất trẻ mà còn nhắc đến một nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian (VNDG) mới hơn 30 tuổi, nhưng đã có nhiều công trình sưu khảo, nghiên cứu giá trị, được đánh giá cao.
Nguyễn Thanh Thuận (SN 1989) tại TP Cao Lãnh và trở thành hội viên Hội VNDG Việt Nam khi mới 26 tuổi (năm 2015). Anh vốn tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật thuộc Trường Đại học Đồng Tháp, ra trường về công tác tại Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông Tương Lai (Bệnh viện Thái Hòa), nhưng ít lâu sau thì chuyển về Bảo tàng Đồng Tháp, rồi về Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, vượt qua những khó khăn, trở ngại nhất định của công việc, gia đình..., Nguyễn Thanh Thuận cũng đã hoàn thành khóa học sau đại học để nhận được học vị Thạc sĩ chuyên ngành văn hóa.
Phẩm chất của một nhà nghiên cứu nơi Nguyễn Thanh Thuận, trước hết, có lẽ là từ đam mê sưu tầm, sưu tập đồ cổ, sách cổ của anh. Bạn bè, đồng nghiệp và nhất là các phương tiện thông tin đại chúng đã nhắc đến phẩm chất này của Nguyễn Thanh Thuận khá nhiều. Các trang báo mạng cũng đã tiếp cận và đăng tải thông tin khá nhanh nhạy về “năng khiếu đặc biệt” này của Thuận: “Ông cụ” Nguyễn Thanh Thuận - triệu phú sách cổ tuổi 23” - vanvn.net; “Chàng trai 8X sở hữu hơn 2.000 đầu sách cổ” - dantri.com; “Kho tàng của “mọt sách” Nguyễn Thanh Thuận”- laodong.com... Nguyễn Thanh Thuận đã từng thành lập và làm Chủ nhiệm “Câu lạc bộ sách xưa” tại T.Coffee (tháng 12/2011) cũng như đã mở triển lãm sách tại đây.
Cũng nhờ đam mê sưu tập thư tịch cổ mà Nguyễn Thanh Thuận đã phát hiện và hiến tặng quyển sách và tấm bản đồ cổ do Trung Quốc ấn hành đầu thế kỉ XX (không có Hoàng Sa - Trường Sa trong lãnh thổ Trung Quốc). Năm 2012, anh được tặng giải Khuyến khích “Tủ sách gia đình” toàn quốc do Nhà Xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức lần thứ IV. Tôi muốn nói thêm điều tâm đắc của mình rằng, tuy vợ chồng Nguyễn Thanh Thuận chưa có nhà riêng, hiện đang thuê nhà trọ, nhưng căn phòng không lấy gì làm rộng rãi của anh lại tràn ngập sách, thư tịch cổ, cổ vật... Mới ngoài 30 tuổi mà như thế này, quả thật, Nguyễn Thanh Thuận là một biểu tượng sinh động của văn hóa đọc, của tấm lòng yêu sách và tinh thần trân trọng vốn cổ. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng của người nghiên cứu lịch sử, văn hóa, VNDG.
Thứ hai, Nguyễn Thanh Thuận là “ông cụ non” về Hán học và văn tự Hán cổ. Nếu không quá ngoa ngoắt, tôi cho rằng, ở Đồng Tháp bây giờ, Nguyễn Thanh Thuận chính là một trong rất ít người thông thạo Hán ngữ cổ vào hàng bậc nhất. Với Nguyễn Thanh Thuận, không một thư tịch cổ, bia mộ cổ... nào có thể khiến anh “bó tay”. Có thể coi đây là một phẩm chất đặc biệt của một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, VNDG. Tuy nhiên, với Nguyễn Thanh Thuận, năng khiếu này không tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình cần cù tự học, tự nghiên cứu với một đam mê cháy bỏng, thường trực. Nhờ phẩm chất này mà Nguyễn Thanh Thuận luôn được cử đi trực tiếp khảo sát, dịch thuật các thư tịch, bia... bằng chữ Hán, chữ Nôm do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tổ chức, nhất là các chuyến thâm nhập, khảo sát thực tế các di tích khảo cổ trong và ngoài tỉnh, cũng như làm việc tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 ở Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 ở TP Hồ Chí Minh và nhiều thư viện lớn, nhỏ khác... Chính nhờ những chuyến công tác này, cộng với vốn Hán ngữ cổ thông thạo của mình mà Nguyễn Thanh Thuận đã cùng với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp bổ sung nhiều tư liệu quý về các danh nhân, danh tướng thời trước của Đồng Tháp nói riêng, Nam Bộ nói chung.
Thứ ba, Nguyễn Thanh Thuận là một nhà sưu tập, sưu khảo, nghiên cứu về văn hóa, VNDG một cách bài bản, công phu và tận tụy. Theo cảm nhận của riêng tôi, ngoài Nhà nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu (đã mất), vốn là người có nhiều công trình về văn hóa, VNDG được ghi nhận, tôn vinh trên phạm vi cả nước thì Nhà nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuận chính là một trong ít “truyền nhân” rất đáng nêu tên, ca ngợi. Ngoài cuốn sách đã được xuất bản: “Nhân thần trong tín ngưỡng dân gian Đồng Tháp” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2018), Nguyễn Thanh Thuận còn nhiều công trình dài hơi đáng kể khác như: “Cọp trong giai thoại và tín ngưỡng dân gian vùng Đồng Tháp Mười”; “Thú sưu tầm tư liệu xưa”; “Đình Vĩnh Phước, TP Sa Đéc” (viết chung với Nguyễn Hữu Hiếu); “Tràm Chim hay Chằm Chim”; “Trò chơi kéo co trong lễ hội dân gian ở Đồng Tháp”... chưa kể nhiều tác phẩm in chung và các tác phẩm chưa công bố khác.
Thứ tư, Nguyễn Thanh Thuận là một trong những người tích cực phát hiện, động viên, bồi dưỡng nhiều “cộng tác viên” tham gia hoạt động và trở thành hội viên chuyên ngành VNDG thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp (có người đã trở thành hội viên Hội VNDG Việt Nam) như: Lê Thành Thuận; Huỳnh Thị Huỳnh Giao; Võ Thị Mộng Tuyền; Ngô Quang Phục... Tôi cho rằng, đây cũng chính là một phẩm chất quan trọng của một người làm nghiên cứu, nhất là nghiên cứu văn hóa, VNDG. Cùng với một số hội viên tích cực khác, chính Nguyễn Thanh Thuận đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ (có người ví von là “như Phù Đổng”) của chuyên ngành VNDG ở Đồng Tháp. Từ duy nhất 1 hội viên vào năm 2003, đến năm 2015, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã có 18 hội viên, trở thành một trong những chi hội lớn mạnh hàng đầu của cả nước.
Cùng với phu nhân của mình - Nhà nghiên cứu, Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Ly - Nguyễn Thanh Thuận đã chung tay, chung lòng, chung trí, chung sức... làm nên một “cặp đôi hoàn hảo” không chỉ trong giới sử học và VNDG ở tỉnh Đồng Tháp mà còn ở phạm vi cả nước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận còn rất trẻ và sự cống hiến của anh cho quê hương, đất nước sẽ còn lớn hơn, nhiều hơn trong chặng đường phía trước.