Nguyễn Thụy Kha: Người đi dọc triền sông thi ca và âm nhạc
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha qua đời sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tại bệnh viện 108 vào hồi 10h 45' ngày 13/3/2025 tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi. Nguyễn Thụy Kha là một nghệ sĩ tài hoa đích thực, ông giao du rộng, nhiều bạn bè là người nổi tiếng trong giới văn chương, âm nhạc và hội họa.
Tuy suốt đời rong chơi, nhưng ông viết nhiều và khỏe, đủ loại từ sáng tác văn thơ đến âm nhạc và viết nhiều về các nhà thơ và nhạc sĩ. Tôi cho rằng ông là một người sáng tác rất mực tài hoa, đã đi dọc triền sông của thi ca và âm nhạc trong nửa thế kỷ qua.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
1. Mấy chục năm qua, tôi có nhiều kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Lần cuối, mấy tháng trước khi ông nằm viện, anh em gặp nhau trong buổi ra mắt sách do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Hôm ấy, bạn bè ngồi lại với Nguyễn Thụy Kha đến chiều. Ông say mềm và ôm đàn hát, giọng hát hào sảng, lúc gào lên, lúc nghe như khóc, riêng đôi mắt cứ mọng đỏ lên vì rượu chứ không phải vì nước mắt. Hôm ấy, có ai đó hỏi ông về chuyện bệnh tật, ông gạt phắt đi, nâng ly bảo mọi người cùng uống rồi hát và bảo mấy đàn em đi mua chai rượu Tây về, nhậu tiếp.
Tôi nhớ, có lần ông gọi điện thoại, bảo tôi đến chơi văn phòng Công ty TNHH Concert (làm các dịch vụ về âm nhạc và nghệ thuật) do ông làm giám đốc, nằm trong ngõ sâu ở phố Tràng Thi. Văn phòng chỉ có mỗi ông và một em thư ký trẻ, đẹp như người mẫu. Nguyễn Thụy Kha rót rượu mời và tặng tôi mấy tập thơ tình vừa in, trong đó có một tập thơ lục bát viết kiểu phá cách.
Ông bảo: “Đây là một kiểu chơi thơ mới, anh viết như lên đồng, chú về đọc sẽ thấy. Anh với chú đều đoạt giải nhì ở 2 cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ trong thập niên 1980-1990, thật trùng hợp 2 bài thơ của anh và chú đều viết về mưa. Sau đó, chú còn đoạt thêm giải nhì, không có giải nhất trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh cho rằng, những người đoạt giải nhì mới là những người thơ hay đích thực, còn mấy giải nhất là trao cho những ai bám sát chủ đề chính trị của cuộc thi. Ví dụ như trong giải thơ Văn nghệ 1981-1982, Hoàng Hữu với anh đều được trao giải nhì. Chủ khảo cuộc thi ấy là nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Đúng ra, bài thơ “Hai nửa vầng trăng” của nhà thơ Hoàng Hữu phải được trao giải nhất cuộc thi này, nhưng vì thơ buồn quá nên đưa xuống giải nhì”. Chú thấy không, thơ giải nhì mới là thứ thơ nghệ thuật nhất và hay nhất, đúng không nào?”.
Tôi cười, nhất trí với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về quan điểm đó. Và, tôi có cảm tưởng, chất nhạc trong thơ ông là một mạch chảy ngầm nhiều hưng phấn nên không ít bài thơ khá giàu âm điệu và vần điệu. Nhưng tôi vẫn thích một Nguyễn Thụy Kha của “Những giọt mưa đồng hành” (bài thơ đoạt giải Nhì thi thơ Báo Văn nghệ 1981-1982) với mạch thơ tự do, phóng túng, khi ông thể hiện một không gian sống động, nơi mưa không chỉ là thiên nhiên mà còn là biểu tượng của sự gắn bó, đồng hành cùng cuộc đời của người lính và những hình ảnh gần gũi trong cuộc đời: “Những giọt mưa ngồ ngộ say mê/ Đám mây nắng vỡ ra giữa gió/ Những đứa con/ Ồn ào không gian/ Cười nói/ Những giọt mưa chẳng hề mệt mỏi/ Reo hót triền miên/ Người lính trú vội mái hiên/ Rồi lại đi mảnh ni lông khoác chéo/ Anh lẫn vào mưa lúc nào chẳng hiểu/ Ngỡ mưa dệt nên anh/ Có một đứa trẻ con từ trong anh chạy nhanh/ Nhập vào đám trẻ con trần truồng/ Đang hò reo giữa phố/ Có một người nông dân từ trong anh hớn hở/Xòe tay đồng hạn đón mưa/ Có một người lính Trường Sơn từ trong anh năm xưa/ Vội vã vắt áo quần ướt mưa hơ lửa/ Có một người... có một người nào nữa/ Người lính bước nhanh/ Anh và mưa cứ như thế đã bao lần/ Người lính đi/ Đi qua thành phố/ Bao chân trời thử thách đợi anh/ Trong cuộc hành trình chưa nghỉ/ Mưa và anh là bạn đồng hành”.
2. Nói về Nguyễn Thụy Kha, phải nhắc tới mấy người bạn thơ khá thân thiết với ông là hai nhà thơ Thanh Thảo và Nguyễn Trọng Tạo. Trong bài viết “Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đồng hành cùng những giọt mưa”, Thanh Thảo cho biết: “Năm 1982, bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha được trao giải nhì Báo Văn nghệ. Sau khi trao giải, nhà thơ Xuân Diệu tới nhà Kha ăn cơm, ông nói: Giải nhì lần này còn ngon hơn giải nhất đấy em ạ. Xuân Diệu đánh giá cao bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” của Nguyễn Thụy Kha. Rồi Văn Cao nghe tiếng Kha có bài thơ hay, tìm đến, anh em gặp nhau uống rượu, Văn Cao ôm Kha mà cười: “Mày là giọt mưa đồng hành của tao!”. Từ đó, Văn Cao coi Nguyễn Thụy Kha như một đứa em thân thiết”.
Còn nhắc về nhà thơ Thanh Thảo và Nguyễn Trọng Tạo, thì Nguyễn Thụy Kha đã ghi nhận sự đổi mới trong thi ca của các ông (qua ghi chép “Đối thoại ngẫu nhiên” của nhà thơ Lê Mỹ Ý) như sau: “Tôi cho là dân tộc Việt Nam khi bắt đầu bước vào làm thơ, đến thời tiền chiến mới có niềm say mê tình yêu, trước đó không có, trước đó chỉ có thơ cộng đồng, thơ định đề. Vì thế ông Xuân Diệu viết “Hãy xích lại gần nhau thêm chút nữa”, nghĩa là họ rất thoải mái. Đến thời chống Pháp, một đất nước một thế kỷ nô lệ nên khi ấy con người chuyển từ thế nô lệ sang hành động. Lúc ấy thơ chống Pháp là thơ ý thức bảo vệ tự do độc lập. Đến thế hệ chống Mỹ, chiếc áo ý thức anh khoác cho tôi đã ngắn, làm lộ cả người tôi, nên nó thành tự ý thức để nhìn ra cái phần hở. Thanh Thảo viết “Chúng tôi đi không tiếc đời mình, nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc” như một câu tuyên ngôn. Ý thức này vẫn kéo dài sau chống Mỹ, khi cầm cự đánh nhau ở biên giới kéo dài đến gần hết thập kỷ 80, cho đến 90 mới bắt đầu xuất hiện lớp làm thơ mới. Sự nhòe mờ ngôn ngữ đến lúc này thực ra không mới nhưng đã bắt đầu có cái tâm linh trong sự mờ theo mỗi người một kiểu. Trong mấy năm cuối thế kỷ XX, các nhà thơ đã cố gắng nhòe mờ. Anh Tạo, tôi hay Thanh Thảo đều là những người cố gắng làm điều này. Thanh Thảo là người đã tiến gần đến thơ ngôn ngữ, thơ của anh đôi khi có người bảo không hiểu gì cả. Thơ của tôi hay anh Tạo trong các tập cũng có phần đó, sự nhòe mờ dưới lớp chữ ngôn ngữ…”.
Với các tập thơ đã in và có tới 128 bài thơ được lưu trên trang mạng Thi viện, Nguyễn Thụy Kha là một nhà thơ đương đại có nhiều độc giả. Tôi giật mình và thấy xa xót khi đọc lại bài thơ “Hư vô” khóc nhà thơ Xuân Diệu viết năm 1985 của Nguyễn Thụy Kha như sau: “Không phải "Hư vô" - bài thơ của anh/ mà là sự thật/ anh nằm im một người dân lành/ sau khi viết "Trong thơ cần uyên bác"/ chiếc com-măng-ca tàng đợi ngoài nhà xác/ Không nỡ để anh gầy. Bạn gái thoa phấn lên mặt anh/ chắc chắn điều này anh không bao giờ thích/như không thích những câu thơ diêm dúa, điểm trang/ anh hồng hào hơn trong lễ tang/ đau đến thế nào trước khi tim ngừng đập/ yêu nghệ thuật anh chết như nghệ thuật/ viên mãn như một giấc ngủ âm thầm/ hoa bao nhiêu chiều Văn Điển rưng rưng/ cả Hà Nội tiễn anh những con đường buốt lạnh/ ai đọc thơ anh lúc lòng cay đắng/ tìm bao nhiêu lời an ủi cho vừa/ chỉ quen nhìn anh đứng đọc thơ/ và chỉ đôi khi ngồi cạn chén/ lần đầu nhìn anh nầm ngủ yên đồng vắng/ lại là khi vĩnh viễn mất anh/ đêm cuối đông hư ảo sương trắng/ những mái phố nhấp nhô thấp thoáng/ ngỡ những câu thơ anh văng vẳng/ nơi đôi lứa nồng nàn giữa những chiếc hôn”.
Qua bài thơ trên, Nguyễn Thụy Kha để lại sự tiếc nuối sâu sắc, một lời tri ân đầy cảm động đối với nhà thơ Xuân Diệu. Qua đó, tác giả đã gửi gắm một thông điệp về sự bất diệt của nghệ thuật và cho thấy sự vĩnh cửu của thi ca sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho con người. Điều tiên cảm từ bài khóc nhà thơ Xuân Diệu đến hôm nay, khi phải rời xa cõi thế này, phải chăng nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng biết đấy là những “câu thơ nằm lòng” thương nhớ gửi lại bạn bè trên thế gian này?
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã in 15 tập thơ, 10 tập bút ký về văn học nghệ thuật về các nhà thơ và các nhạc sĩ, ông còn với viết nhiều bài phê bình âm nhạc, sáng tác ca khúc, tham gia làm phim âm nhạc, văn học.
Nguyễn Thụy Kha được trao Giải thưởng thi thơ Báo Văn Nghệ 1981-1982; Giải thưởng Lê Quý Đôn 1986; Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm 1982; Giải thưởng Hữu nghị Việt- Nhật 1992; Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam liên tục từ 1996-2005; Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2004.