Nguyễn Viết Toại và phong trào Cần Vương
Là một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp trên quê hương Thanh Hóa, Nguyễn Viết Toại được sử sách và hậu thế nhắc nhớ với sự trí dũng và quả cảm.

Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Lãnh binh Nguyễn Viết Toại đã để lại niềm tự hào cho hậu thế.
Trí dũng, võ nghệ cao cường
Nguyễn Viết Toại còn được biết đến với tên gọi Lãnh Toại. Ông là người làng Trị Cụ (làng Gũ) xã Hà Phú nay thuộc xã Lĩnh Toại (Hà Trung), 18 tuổi đã đi lính cho triều đình nhà Nguyễn. Theo truyền ngôn, Nguyễn Viết Toại có sức khỏe hơn người, lại giỏi võ nghệ, khi vào lính ông thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, không ngại hiểm nguy nên sớm được trọng dụng. “... Cuối đời vua Tự Đức, ông được thăng phó đội trưởng rồi chánh đội trưởng vệ Tinh binh. Khi vua Hàm Nghi ra Quảng Trị để xây dựng chiến khu chống Pháp, phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết thăng Viết Toại làm chánh đội vệ Cấm binh”.
Trước đó, khi vua Tự Đức qua đời, triều đình nhà Nguyễn phân hóa, chia rẽ ngày càng sâu sắc. Phe chủ hòa chấp nhận quy thuận và “hợp tác” với chính quyền thực dân Pháp. Còn phe chủ chiến do quan đại thần Tôn Thất Thuyết đứng đầu không chấp nhận thỏa hiệp, sẵn sàng chiến đấu với quân xâm lược. Nắm giữ quân đội trong tay, Tôn Thất Thuyết cho củng cố lực lượng để bảo vệ kinh thành Huế. Cùng với đó, ông còn cho xây dựng hệ thống sơn phòng để sẵn sàng chiến đấu với kẻ địch.

Mộ phần Lãnh binh Nguyễn Viết Toại.
Đứng trong hàng ngũ quân đội triều đình, với trí dũng và võ nghệ cao cường, Nguyễn Viết Toại được quan đại thần Tôn Thất Thuyết đặc biệt coi trọng. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết buộc phải đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Cũng tại đây, vua Hàm Nghi đã ra chiếu Cần Vương. Bấy giờ, Nguyễn Viết Toại đã được thăng lên Lãnh binh, ông được phái trở về Thanh Hóa xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến chống thực dân Pháp.
"Chỉ sợ đánh không được mà chết thì vô ích"
Trở ra Thanh Hóa, với sự am hiểu và thông thạo địa hình, Nguyễn Viết Toại đã chọn vùng đất Kim Âu - Thạch Bằng (được cho là khu vực Hà Trung giáp Vĩnh Lộc ngày nay) để lập căn cứ. Tại đây, ông chiêu mộ binh sĩ, rèn luyện khí giới, tích trữ lương thực... sẵn sàng cho phong trào Cần Vương.
Nguyễn Viết Toại cũng đồng thời trở về quê nhà để tranh thủ sự ủng hộ của người dân. “Từ Huế về quê, Nguyễn Viết Toại đã gặp gỡ những người bạn thân quen cũ như ông Nhật Thể - người có ý chí, có uy tín trong làng, tổng; ông Ngô Tá đang giữ chức chánh tổng, tổng Đông Yên; ông Nguyễn Văn Khai đương giữ chức lý trưởng làng Gũ và số văn thân, sĩ phu trong làng sẵn sàng ủng hộ phong trào Cần Vương” (sách “Lịch sử Đảng bộ xã Hà Phú”).
Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Viết Toại, căn cứ Kim Âu - Thạch Bằng nhanh chóng lớn mạnh cả về thế và lực khiến các quan lại cai trị hết sức lo lắng, nhiều lần phái quân đi đánh nhưng đều thất bại.
Đầu năm 1886, nhận lệnh của Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn về Thanh Hóa phát động phong trào Cần Vương trên diện rộng. Trần Xuân Soạn tổ chức hội nghị Bồng Trung để thống nhất lực lượng nghĩa quân và lên kế hoạch tác chiến. “Tống Duy Tân chủ dựa vào núi rừng. Đinh Công Tráng mưu xây chiến khu tại đồng bằng. Ý kiến Đinh Công Tráng được nhiều người tán thành. Qua thời gian khảo sát, họ tìm được ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê ở liền nhau giữa vùng chiêm trũng, gọi tên chung là Ba Đình để xây dựng chiến khu” (sách “Địa chí huyện Hà Trung”). Dù muốn xây dựng căn cứ dựa vào núi rừng, song vì cái chung, Nguyễn Viết Toại vẫn đồng ý dẫn quân gia nhập căn cứ đánh Pháp ở Ba Đình, ông được giao chỉ huy đồn Thượng Thọ.
Trước thế và lực của căn cứ Ba Đình, thực dân Pháp thực sự lo sợ. Trong đợt tấn công lần thứ nhất, kẻ thù cho 500 quân có trang bị súng ống hiện đại tiến đánh. Sau khi chiếm được đồn tiền tiêu - cách đồn Thượng Thọ chỉ một quãng ngắn, kẻ địch tỏ ra tự mãn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Viết Toại, đồn Thượng Thọ khiến thực dân Pháp phải dừng bước. Tại đây, nhiều giặc Pháp đã phải bỏ mạng. Trước sức mạnh của đồn Thượng Thọ, kẻ địch buộc phải rút quân lên núi Sến chờ viện binh.
Sau đấy, giặc Pháp phải dùng kế phun xăng dầu vào lũy tre để đốt cháy và bắn đạn lửa thiêu cháy nhà cửa của người dân và căn cứ của nghĩa quân ta. Tuy nhiên, Nguyễn Viết Toại vẫn kiên định giữ đồn. Quân Pháp buộc phải xin điều động thêm quân từ Nam Định, Ninh Bình vào. Một trận chiến khốc liệt đã diễn ra ở tiền đồn Thượng Thọ và hạ đồn Mỹ Khê.

Vùng đất Lĩnh Toại nằm bên sông Lèn là quê hương của Lãnh binh Nguyễn Viết Toại.
Trước sức mạnh, sự gan lì của căn cứ và nghĩa quân Ba Đình, thực dân Pháp phải dùng đến kế sách tháo cống để nước đồng chiêm trũng cạn dần, từ đây dễ bề phun dầu, phóng hỏa đốt cháy lũy tre bao bọc căn cứ. Kế sách của kẻ địch khiến căn cứ Ba Đình chìm trong biển lửa, số quân sĩ thương vong ngày càng gia tăng. Tình thế ấy, buộc các thủ lĩnh ở căn cứ Ba Đình phải tính đến việc rút lui. Viết Toại nói: "Không phải vì sợ đánh, sợ chết. Chỉ sợ đánh không được mà chết thì vô ích. Nếu rút quân thì phải rút ngay đêm nay, địch không ngờ, mới có thể bảo toàn lực lượng”. Ý kiến của lãnh binh Nguyễn Viết Toại được các tướng sĩ tại căn cứ Ba Đình cho là phải. Ngay trong đêm, một cuộc rút quân âm thầm “băng qua đồng, bơi qua sông” đã diễn ra. Đến khi giặc Pháp phát hiện thì việc rút quân đã hoàn tất.
Nguyễn Viết Toại rút quân lên căn cứ địa Mã Cao. Khi căn cứ Mã Cao thất thủ, Nguyễn Viết Toại đem quân tham gia khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân lãnh đạo. Tuy nhiên sau đó, trước sự truy lùng và tàn sát của kẻ địch, Nguyễn Viết Toại đã hy sinh.
Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại, cho biết: “Nguyễn Viết Toại là người con ưu tú của quê hương Lĩnh Toại. Với niềm cảm mến dành cho Lãnh Toại (cách gọi thân mật của người dân trong vùng khi nhắc đến Nguyễn Viết Toại), từ nhiều năm trước, mộ phần ông đã được con cháu dòng họ và người dân chung tay tôn tạo”.
Bà Hàn Thị Mai, con dâu dòng họ Nguyễn ở Lĩnh Toại hiện đang thờ cúng tiền nhân Nguyễn Viết Toại, cho biết: “Con cháu trong dòng họ luôn tự hào về những đóng góp của cụ Lãnh Toại cho lịch sử dân tộc. Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của cụ là tấm gương sáng để hậu thế nhắc nhớ...”.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách “Địa chí huyện Hà Trung” và “Lịch sử Đảng bộ xã Hà Phú”).
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguyen-viet-toai-va-phong-trao-can-vuong-36314.htm