Nguyện vọng lớn nhất của 'nhà bác học Việt Minh'
'Nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần' - đó là câu trả lời của Phạm Quang Lễ trước câu hỏi của người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Pháp năm 1946.
Bài liên quan
Hồ Chủ tịch và chuyện “dụng nhân” ngày đầu độc lập
Luật sư Phan Anh: Sống là phụng sự quốc gia và dân tộc!
Bởi chính nguyện vọng tha thiết ấy, chàng trai 33 tuổi đã từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord cùng mức lương “khủng” 22 cây vàng để trở về Việt Nam, đem hết tài năng, tâm đức hiến dâng cho Tổ quốc, để rồi trở thành “nhà bác học Việt Minh” Trần Đại Nghĩa.
11 năm chuẩn bị cho ngày trở về
11 năm là quãng thời gian tính từ năm 1935 khi chàng trai mồ côi cha xứ Vĩnh Long bịn rịn tạm biệt mẹ và chị gái để lên đường sang kinh đô ánh sáng, theo học tại trường Đại học Quốc gia Paris. Sự thông minh, trí nhớ khác người cùng nỗi khát khao phải học thật giỏi để không phụ lòng công lao nuôi nấng nhọc nhằn của mẹ, của chị, lời trăn trối còn văng vẳng của cha “con phải chăm lo học hành, sau này mang kiến thức của mình ra để giúp ích cho đời” đã giúp mấy chữ “học nữa, học mãi” cứ sôi sục trong tâm trí cậu sinh viên nghèo.
Cũng nhờ sự sôi sục ấy, hiếm có du học sinh người Việt nào trên đất Pháp ngày đó dành đến gần một chục năm trời miệt mài nghiên cứu tại nhiều trung tâm nghiên cứu lớn như: Trường đại học quốc gia Cầu Cống, Trường đại học Xoocbon, Viện Khí động học, Học viện Thống kê, Trường Cao đẳng kỹ thuật Điện, Trường mỏ, Trường Đại học Bách Khoa, để rồi nhận được hàng loạt tấm bằng danh giá: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện, cử nhân toán học, Kỹ sư hàng không…
Thiếu tướng, Giáo sư Trần Đại Nghĩa (thứ ba, từ phải sang) cùng các cán bộ quân giới xem một số loại vũ khí do một nhà máy quốc phòng sản xuất thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng ở tuổi 35 và là một trong mười vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa chuyển sang lĩnh vực dân sự, trở thành Giám đốc đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên Hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội… Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 và trở thành Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1966.
Bạn bè thời đó kể rằng cũng chỉ bởi mong muốn được trở về đất nước cống hiến, cũng chỉ bởi thấu hiểu rất rõ rằng trong bộn bề cái khó, cái thiếu của nền độc lập non trẻ, cái thiếu, cái khó nhất là vũ khí nên chàng cử nhân dồn hết mọi khoảng thời gian rảnh có thể để nghiên cứu về một đề tài không hề đơn giản. Phạm Quang Lễ lân la tới hiệu sách cũ, tham dự các buổi thực nghiệm, đi tham quan các nhà máy, các viện nghiên cứu, các viện bảo tàng vũ khí rồi nỗ lực học tiếng Đức - một ngôn ngữ không hề dễ học - để có thể đọc các tài liệu vũ khí quân sự của một đất nước có nhiều thành tựu về lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Khánh - vợ ông - sau này kể lại, trong 11 năm học, làm việc tại Pháp và Đức, Phạm Quang Lễ đã sưu tầm được trên 30.000 trang sách viết về việc chế tạo các loại vũ khí.
Cũng bởi muốn lĩnh hội thêm kiến thức về chế tạo vũ khí càng nhiều càng tốt, sau khi ra trường, Phạm Quang Lễ quyết định sang Đức làm trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí, rồi lại trở về Pháp làm việc tại ba công ty chế tạo máy bay của Pháp.
Khi mọi sự đã có phần chín muồi thì năm 1946, Phạm Quang Lễ có cơ hội gặp Hồ Chủ tịch khi Người tới thăm Pháp. Chuyện kể rằng, tại buổi gặp hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi chàng kỹ sư: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”, Lễ trả lời rất nhanh: “Kính thưa Cụ, nguyện vọng cao nhất của tôi là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”. Rồi Người hỏi: “Ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không?” - Phạm Quang Lễ thưa: “Dạ chịu nổi”. Rồi Người lại hỏi thêm: “Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?” - Ông nói: “Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị mười một năm rồi và tôi tin là làm được”.
Từ nguyện vọng ấy, niềm tin ấy, chàng kỹ sư đã không do dự từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord với tiền lương tương đương 22 lạng vàng một tháng lúc ấy để ngày 19/9/1946, cùng Bác Hồ lên chiến hạm Dumont d’Urville từ cảng Toulon, mang theo… 1 tấn tài liệu về nước.
Ngày 5 tháng 12 năm 1946, trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tại Bắc Bộ Phủ, Hồ Chủ tịch gặp Phạm Quang Lễ và nói: “Kháng chiến sắp đến nơi rồi. Hôm nay, Bác quyết định giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho quân đội. Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đổi tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”.
Nhà bác học Việt Minh hay “ông vua” vũ khí
Đã sẵn sàng cho những thử thách phía trước, nhưng quả thực như lời Hồ Chủ tịch “Ở nhà cực khổ lắm” - Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa cũng không thể ngờ nghiên cứu một địa hạt hoàn toàn mới mẻ ở trong nước, trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn về nhiều mặt, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra, lại gian nan đến thế. Nhưng ước vọng “giúp ích cho đời”, trách nhiệm “làm việc đại nghĩa” như Hồ Chủ tịch đã gửi gắm, vốn kiến thức dày dặn tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài, cộng với sự thông minh, trí sáng tạo, đã giúp Trần Đại Nghĩa “vượt khó” thành công.
Phạm Quang Lễ (đeo kính, đứng hàng sau cùng) cùng các trí thức Việt kiều theo Bác trở về Tổ quốc trên chiến hạm Dumont d’Urville tháng 9/1946.
Cuối tháng 2 năm 1947, cuộc thử nghiệm súng Bazooka (B60) thành công. Mức xuyên của đạn đạt 75cm trên tường gạch tương đương với sức nổ xuyên của đạn súng Bazooka do Mỹ chế tạo thời gian Đại chiến thế giới lần II. Đầu tháng 3/1947, súng Bazooka đã lập chiến công đầu tiên khi bắn cháy 2 xe tăng của thực dân Pháp tại chùa Trầm, Quốc Oai (Hà Tây cũ), chặn đứng đường tiến công của quân Pháp khi chúng tấn công Hà Đông. Thời bấy giờ, người ta gọi đó là “tiếng sét Bazooka mừng Xuân Đinh Hợi 1947”. Tháng 4/1947, súng Bazooka được sản xuất hàng loạt, gửi các chiến trường. Cũng chính từ “kỳ tích Bazooka” mà ông được mệnh danh là “Nhà bác học Việt Minh”.
Không hề ngơi nghỉ, những năm 1948 - 1949, Trần Đại Nghĩa và các đồng sự ở Cục Quân giới tiếp tục nghiên cứu với kỳ vọng chế tạo một loại súng mới có sức công phá mạnh hơn, có khả năng tiêu diệt các boong ke, lô cốt kiểu mới của địch. Sau một thời gian thực nghiệm, loại súng mới ấy - có tên gọi súng đại bác hoặc súng không giật SKZ 60 của Việt Nam - đã được chế thử thành công. Năm 1950, tại chiến trường Nam Trung Bộ, trong một đêm, với loại súng không giật này quân ta đã loại bỏ 5 đồn giặc.
Bên cạnh chế tạo súng, Trần Đại Nghĩa còn chỉ đạo anh em Cục Quân giới chế tạo bom bay. Đầu năm 1948, sau gần 3 tháng nghiên cứu thành công, bom bay do Việt Nam chế tạo ra đời. Đầu năm 1949, bom bay chính thức được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt, góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
“Người nghiên cứu phải có một niềm tin mãnh liệt không nản chí trước những thất bại tạm thời, bền bỉ, nhẫn nại đến mức cao nhất” - Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã lý giải giản dị như vậy về những thành công khiến thế giới ngỡ ngàng của mình. Còn Bác Hồ, trong một bài báo ký tên C.B đã viết về ông: “Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến”. Đó thực sự là sự ghi nhận chân xác về một con người đã dám từ bỏ cuộc sống xa hoa ở nước Pháp trở về tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ góp phần giành lại độc lập, tự do cho non sông, đất nước.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguyen-vong-lon-nhat-cua-nha-bac-hoc-viet-minh-post93072.html