Nhà bác học Isaac Newton chơi thua cổ phiếu thế nào?
Ông đã phải thốt lên: 'Tôi có thể tính toán chuyển động của các thiên thể, vậy mà không thể nào lường được sự điên cuồng của đám đông.'
Có rất nhiều công ty bong bóng đã bị lôi ra bêu rếu như vậy song cũng chẳng thể làm nản chí giới đầu cơ. Tuy nhiên, vào tháng 8, một trận đại hồng thủy với lỗ thủng không thể hàn gắn đã ập đến công ty South Sea. Sự kiện này do ban giám đốc và các viên chức cấp cao của công ty gây ra. Khi nhận thấy giá cổ phiếu trên thị trường chẳng hề liên quan gì với triển vọng thực tế của công ty, những người đứng đầu công ty đã vội vàng bán tháo tất cả cổ phiếu vào mùa hè năm đó.
Tin tức bị rò rỉ và cổ phiếu bắt đầu sụt giá. Chỉ trong thời gian ngắn, cổ phiếu trượt giá thảm hại và đám đông rơi vào tình trạng hoảng loạn. Chính phủ đã cố gắng đến mức tuyệt vọng nhằm lấy lại uy tín cũng như kịp ngăn chặn tín dụng nhà nước bị sụp đổ hoàn toàn.
Rơi vào cảnh ngộ tương tự, giá cổ phiếu của công ty Mississippi cũng tụt xuống mức cực thấp khi người ta bắt đầu nhận ra rằng tình trạng dư thừa tiền giấy chẳng đem lại sự giàu có thật sự nào cả, mà chỉ khiến lạm phát gia tăng.
Trong số những người bị thua lỗ nặng trong câu chuyện Bong bóng South Sea có cả nhà bác học Isaac Newton, ông đã phải thốt lên: “Tôi có thể tính toán chuyển động của các thiên thể, vậy mà không thể nào lường được sự điên cuồng của đám đông.” Một cái giá quá đắt cho tòa lâu đài trên cát.
Để bảo vệ người dân không bị lợi dụng như vậy thêm nữa, Quốc hội đã thông qua đạo luật Bubble Act (Luật về giá bong bóng) cấm các công ty không được phát hành chứng chỉ cổ phiếu. Trong hơn một thế kỷ, cho đến khi đạo luật được bãi bỏ năm 1825, có rất ít cổ phiếu được phát hành trên thị trường Anh.
Phố Wall thất bại hoàn toàn
Rõ ràng câu chuyện củ hoa tulip và các bong bóng xảy ra từ thời xa xưa. Liệu rằng một câu chuyện tương tự có thể xảy ra trong thời hiện đại hay không? Hãy thử điểm lại những sự kiện quen thuộc và vừa xảy ra gần đây trong chính thời đại của chúng ta. Câu chuyện về nước Mỹ, miền đất hứa, bắt đầu vào thập niên 1920. Với việc nhấn mạnh quyền tự do và mức tăng trưởng, chúng ta đã tạo ra một trong những giai đoạn thịnh - suy đáng chú ý nhất trong thời đại văn minh.
Các điều kiện lúc bấy giờ hoàn toàn thuận lợi để cơn sốt đầu cơ bùng phát. Nước Mỹ đã trải qua thời kỳ hưng thịnh mà không quốc gia nào có thể sánh kịp và người ta không thể không tin vào các phi vụ làm ăn ở Mỹ. Calvin Coolidge1 từng tuyên bố: “Công việc chính của người Mỹ là kinh doanh.” Các doanh nhân được ví như những nhà truyền giáo và gần như được tôn làm thần thánh. Những so sánh như vậy thậm chí được đưa ra theo hướng hoàn toàn đối lập.
Trong cuốn The Man Nobody Knows (Người đàn ông bí ẩn), Bruce Barton thuộc hãng quảng cáo Batten, Barton, Durstine & Osborn, New York đã viết rằng Chúa Jesus chính là “doanh nhân đầu tiên” và những lời của Người là “bản quảng cáo có sức mạnh nhất mọi thời đại”.
Ngay từ năm 1928, đầu cơ thị trường chứng khoán đã trở thành một trò tiêu khiển phổ biến trên khắp cả nước. Từ đầu tháng 3/1928 đến đầu tháng 9/1929, giá cả thị trường đã tăng tương đương với mức tăng của cả giai đoạn từ 1923 đến đầu 1928 gộp lại. Đôi khi giá cổ phiếu của một vài tập đoàn công nghiệp lớn tăng tới 10 hay 15 điểm một ngày.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-bac-hoc-isaac-newton-choi-thua-co-phieu-the-nao-post1521260.html