Nhà báo Đăng Huỳnh và 'Dấu xưa Cần Thơ': Một chuyến trở về ký ức đầy yêu thương

Quyển sách đầu tay viết về quê hương của nhà báo Đăng Huỳnh đã tìm được sự đồng cảm của bạn đọc và văn nghệ sĩ

Nhà báo Đăng Huỳnh và tác phẩm đầu tay

Nhà báo Đăng Huỳnh và tác phẩm đầu tay

NSƯT Kiều Mỹ Dung (Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ) nói: "Sách "Dấu xưa Cần Thơ" không chỉ là một cuốn sách. Đó là một hành trình trở về với cội nguồn, là tâm huyết được chưng cất từ tình yêu của một nhà báo đối với vùng đất mà anh không sinh ra, nhưng đã chọn để gắn bó và thương đến tận cùng: Cần Thơ".

Nhà báo Đăng Huỳnh, viết từ đam mê, biên khảo bằng trái tim

"Dấu xưa Cần Thơ" là tác phẩm đầu tay của nhà báo Đăng Huỳnh (tên thật Đặng Duy Khôi, công tác tại Báo Cần Thơ), nhưng lại không mang dáng dấp của một "tay viết mới".

Tác phẩm mang đậm tinh thần khảo cứu công phu, được giới nghiên cứu đánh giá cao và được cộng đồng văn nghệ sĩ đất Tây Đô nồng nhiệt đón nhận.

Họ không chỉ thấy ở Đăng Huỳnh một người làm báo nghiêm túc, mà còn cảm nhận rõ rệt sự nồng nàn yêu thương mà anh dành cho Cần Thơ – nơi anh gửi trọn trái tim, ký ức và ngòi bút.

Nhà báo Đăng Huỳnh gặp gỡ các văn nghệ sĩ TP Cần Thơ

Nhà báo Đăng Huỳnh gặp gỡ các văn nghệ sĩ TP Cần Thơ

Với kết cấu xuyên suốt nhưng linh hoạt, cuốn sách gom góp và tái hiện một cách sinh động các lớp trầm tích văn hóa Cần Thơ: từ di sản kiến trúc (chợ Hàng Dương, đình, chùa, miếu…), đô thị hóa (Tân An, Bình Thủy…), đến di sản văn hóa phi vật thể như hò Cần Thơ, gánh hát Tập Ích Ban, hay huyền tích dân gian (Ông Dựa, Ông Hổ…).

Những nhân vật văn hóa – lịch sử nổi bật như Phan Văn Trị, Đinh Sâm, danh sư đờn tranh, người đưa "Dạ cổ hoài lang" lên sân khấu cải lương… được khắc họa sống động giữa những câu chuyện đời thường giản dị: người Cần Thơ ăn Tết hơn trăm năm trước ra sao, máy cày du nhập thế nào, chợ búa đổi thay ra sao…

Họa sĩ sân khấu Trần Thiện (Nhà hát Tây Đô) nhận xét văn phong của Đăng Huỳnh nhẹ nhàng, mềm mại, mang chất văn học, nhưng không thiếu sức nặng tư liệu.

Những bài viết của anh thường vượt khỏi dạng sưu khảo đơn thuần để vươn đến dạng biên khảo, đạt được yêu cầu "tân" (mới mẻ, có góc nhìn riêng) và "thâm" (sâu sắc, đa chiều).

Nhà báo Vũ Thống Nhất nhận xét: "Nhiều bài trong sách không dừng ở dạng sưu tầm mà nâng tầm lên thành những luận giải chặt chẽ, giàu lập luận, đầy chất suy tư về giá trị văn hóa và tính bản địa của Cần Thơ xưa."

Lấp vào khoảng trống đang bị lãng quên

Trong bối cảnh báo chí khu vực đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây có phần mờ nhạt về mảng văn hóa – đặc biệt là thể loại phóng sự, ký sự đòi hỏi cảm quan văn học – thì sự xuất hiện của "Dấu xưa Cần Thơ" như một cú chạm đầy cảm xúc.

Bởi từ lâu, người đọc mong chờ được thấy nhiều hơn những câu chuyện bình dị, những lát cắt đời thường, những góc khuất chưa kể trong dòng chảy phát triển của Cần Thơ – từ văn hóa ẩm thực, tín ngưỡng dân gian, sinh hoạt đô thị cho đến những nhân vật thầm lặng.

Từ trái sang: NSƯT Kiều Mỹ Dung, nhà báo Đăng Huỳnh và ca sĩ Lệ Hằng

Từ trái sang: NSƯT Kiều Mỹ Dung, nhà báo Đăng Huỳnh và ca sĩ Lệ Hằng

Không nhiều công trình hiện nay phản ánh được sự chuyển biến trong tư duy, lối sống, nếp sinh hoạt của người Cần Thơ từ thời Pháp thuộc đến hiện đại.

Và đây chính là điểm mạnh nổi bật của Đăng Huỳnh: những bài viết như "Trầm tích thời gian", "Rêu phong đình Thạnh Hòa", "Máy cày ở Cần Thơ hơn trăm năm trước" hay "Dấu xưa vườn Thầy Cầu"… không chỉ là miêu tả mà còn là sự chiêm nghiệm, hồi cố và đối thoại với hiện tại.

Tác phẩm, vì thế, vừa mang tính học thuật, vừa có sức truyền cảm. NSƯT Kiều Mỹ Dung đã chia sẻ sau khi đọc: "Đọc tác phẩm của Đăng Huỳnh, càng thêm yêu quê hương mình. Một Cần Thơ xưa được sống lại và gợi nhiều suy nghĩ cho hiện nay."

Nhà báo Đăng Huỳnh vượt qua định kiến "quê người, tình sâu"

Có một điều thú vị: tác giả không sinh ra tại Cần Thơ mà là người Bạc Liêu. Nhưng khi đọc văn của anh, người ta dễ lầm tưởng đây là một người con bản địa, bởi sự tường tận từng chi tiết, sự nhạy cảm trong cảm nhận văn hóa, và đặc biệt là chất tình đậm đặc.

Phải chăng, chính cái "ngoại cuộc" ấy giúp anh có cái nhìn tỉnh táo, khách quan hơn? Hay bởi anh đã quá yêu mảnh đất này đến mức nhập hồn vào từng con chữ?

Nhà báo Đăng Huỳnh vfa nghệ sĩ Lê Duy (Nhà hát Tây Đô)

Nhà báo Đăng Huỳnh vfa nghệ sĩ Lê Duy (Nhà hát Tây Đô)

Từng có thời, đồng nghiệp nghĩ đến việc "lôi kéo" Đăng Huỳnh về TP HCM để viết văn hóa cho các báo trung ương, nhưng rồi lại thôi – không nỡ, không dám.

Anh ở lại Cần Thơ, lặng lẽ viết, miệt mài gieo chữ lên những mảnh đất xưa đang dần bị bê-tông hóa, hiện đại hóa đến lạnh lùng. Anh viết như thể giữ hộ ký ức chung.

"Dấu xưa Cần Thơ" – Ký ức cần được kể lại mãi mãi

Trong thời đại công nghệ số và AI, khi tính địa phương đang dần bị "hòa tan" trong guồng máy thông tin toàn cầu, thì việc xác lập bản sắc, kể lại lịch sử địa phương một cách sống động và hấp dẫn chính là một trong những "vũ khí cạnh tranh mềm" hiệu quả.

Cần Thơ – với chiều sâu văn hóa, lịch sử, con người – có đầy đủ tiềm năng để trở thành một trung tâm văn hóa – du lịch quan trọng, nếu biết kể chuyện đúng cách.

Cuốn sách là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà sâu lắng: đừng để chúng ta quên mất mình là ai, đến từ đâu, và từng đẹp đẽ như thế nào.

"Rau Cần lại với rau Thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều?"

Vâng, đất ấy – Cần Thơ ấy – không chỉ có rau thơm, mà còn có cả hương sắc văn hóa ngàn đời. Và nhờ những người như nhà báo Đăng Huỳnh, hương thơm ấy không bị gió cuốn trôi.

Thanh Hiệp (ảnh NSCC)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nha-bao-dang-huynh-va-dau-xua-can-tho-mot-chuyen-tro-ve-ky-uc-day-yeu-thuong-19625071607125235.htm