Hiểu hơn về 'Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia' ẩm thực dân tộc Thái
Ẩm thực đồng bào dân tộc Thái là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa vùng đất núi rừng Tây Bắc. Mới đây, Ẩm thực truyền thống cộng đồng này được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025.
Theo đó, một số điểm nổi bật của nền ẩm thực dân tộc Thái là họ thường sử dụng các sản vật núi rừng để chế biến món ăn. Chẳng hạn như cá, rau, măng, tằm, tre cùng cách chế biến đơn giản như luộc, nướng, trộn... nhằm giữ trọn vị thuần túy thực phẩm.
Về hương vị, ẩm thực người Thái thường có vị chua, cay, mặn, ngọt đậm đà, kết hợp hài hòa. Cuối cùng, món ăn của họ không chỉ đơn thuần có mặt trong bữa cơm hằng ngày mà còn là cầu nối cho những nghi lễ văn hóa, tiếp đãi khách quý. Sau đây là một số món ăn đặc trưng trong nền ẩm thực đồng bào dân tộc Thái.

Ảnh minh họa: vietsensetravel
Pa Pỉnh Tộp (còn gọi là cá nướng gập), là món ăn truyền thống trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Đầu tiên, người nấu chọn cá tươi ngon như cá chép, trôi, trắm (trọng lượng khoảng 0,5-1kg). Sau khi sơ chế sạch, ướp cá với hỗn hợp gia vị gồm gừng, sả, rau thơm, ớt, tỏi, hạt mắc khén rừng (một phần gia vị được nhồi vào bụng cá).
Khi nướng gập úp cá lại và kẹp vào thanh tre chẻ đôi, dùng lạt buộc hai đầu thanh tre lại. Cá được nướng trên than hồng, chú ý lửa than đều và giữ khoảng cách vừa đủ bảo đảm nhiệt độ cho cá chín đều.
Khi nướng chín, bên ngoài cá có màu ruộm và tỏa ra hương thơm. Khi thưởng thức, mọi người cảm nhận độ béo ngậy giữa vị ngọt từ thịt cá, vị cay nồng của ớt tỏi, vị thơm của các loại rau thơm, hăng hăng của hạt mắc khén.

Ảnh minh họa: Đoàn Minh Châu
Thịt băm gói lá nướng có nguyên liệu chính là thịt heo sạch do chính đồng bào nuôi chăn thả tự nhiên. Để giúp người ăn không bị ngán, thịt băm được trộn thêm nhiều rau thơm, ớt, hành, thì là, ngò tàu và không thể thiếu mắc khén.
Người Thái thường dùng lá dong hoặc lá chuối để gói, mục đích không chỉ làm giảm độ dai mà còn làm tăng mùi thơm của thịt và hương vị của lá gói, đồng thời giữ cho vị ngon của thịt không bị mất đi. Sự kết hợp giữa thịt và rau tạo nên hương vị tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng đã tạo ra sự đặc biệt cho món ăn mà bất cứ ai khi thưởng thức khó có thể quên.

Ảnh minh họa: Pao Quán
Món nộm da trâu được chế biến theo công thức cổ truyền của người Thái. Cầu kỳ nhất là công đoạn sơ chế, da trâu hơ trên bếp lửa cho sạch lớp lông dày, cứng và diệt khuẩn. Sau đó, cạo bỏ lớp vỏ ngoài cùng cứng và đen, chỉ còn lại miếng da màu vàng trong. Tiếp đến, da trâu đem luộc chín vớt ra ngâm nước lạnh cho thêm giòn rồi đem xắt miếng vừa ăn. Tiếp tục, da trâu được ngâm qua nước nóng với nước cốt chanh cho mềm và thơm. Sau khi sơ chế xong, da trâu đem ướp gia vị.
Người Thái thường ướp da trâu với những gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như trám rừng, tỏi, nước măng chua và mắc khén rồi trộn thêm đậu phộng rang và bày ra đĩa kèm với các loại rau rừng như hoa chuối hay rau dớn...

Ảnh minh họa: Cooky
Một trong những món ăn nổi tiếng của người Thái chính là Nậm Pịa, món ăn lạ từ tên gọi cho đến nguyên liệu chế biến. Trong tiếng Thái, "pịa" có nghĩa là phần chất dịch sền sệt trong ruột non của trâu, bò, dê. Đồng bào dân tộc Thái cho rằng pịa chính là phần ngon nhất và chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Ngoài phân non này, người Thái còn kết hợp với các bộ phận khác như dạ dày, tim, đuôi của trâu, bò, dê để nấu nên món ăn có vị đắng, nước sền sệt và mùi thơm lạ.
Để làm món nậm pịa, người ta lấy xương đem đi hầm cho nhừ, sau đó thêm phần lục phủ ngũ tạng vào và nấu tiếp. Phần pịa thường đem trộn đều với tỏi, ớt, rau thơm, tiêu rừng, mùi tàu… rồi cho vào nồi nấu chín.

Ảnh minh họa: nhahangdonghai
Canh bon là món ăn truyền thống được sử dụng hằng ngày và cũng là món không thể thiếu trong dịp lễ tết của dân tộc Thái. Để có được một tô canh đúng vị Tây Bắc, cần tới rất nhiều nguyên liệu, và nguyên liệu chính cần có trong món ăn này đó chính là loại bon ngọt. Bon ngọt là loại bon có chấm tím ở giữa lá, đây là đặc điểm nhận diện dễ dàng nhất.
Người Thái ở Tây Bắc thường dùng các gia vị như cà rừng, ớt, mắc khén, hành củ, muối, bột ngọt, bí, lá lốt... đặc biệt là da trâu để chế biến. Một thứ nguyên liệu đặc biệt nữa trong món canh bon phải có cà đắng. Thứ quả này đặc biệt, gọi là cà đắng bởi lẽ quả cà này chỉ bé bằng đầu đũa, ăn vào có vị hơi đăng đắng, khi cho cà vào món canh bon tạo nên độ thanh ngọt cho món ăn này. Sau khi thịt và bon trong nồi đã nhừ người nấu cho rau và các gia vị đã chuẩn bị vào nồi canh và nêm cho vừa ăn.

Ảnh minh họa: dulichlaichau
Nộm hoa ban cũng là món ăn ngon của người Thái làm nên đặc trưng cho ẩm thực Lai Châu, Điện Biên. Đặc biệt, món nộm này chỉ có vào mùa hoa ban nở rộ mỗi độ xuân về nên lại càng ngon và đặc sắc.
Để làm nên món nộm này, người Thái hái hoa ban về, sơ chế sạch và cho vào nồi nước sôi trên bếp lửa to, nấu chín. Hoa ban sau khi nấu chín sơ được vớt ra và trộn đều với các loại gia vị đặc trưng như gừng, giềng, tỏi non, rau mùi và đặc biệt là mắc khén. Tùy địa phương mà người Thái linh hoạt thêm các loại rau như ngọn rau bí, ngọn su su để món nộm có hương vị đặc sắc hơn.

Ảnh minh họa: dacsantaybac
Rêu đá là một trong những món đặc sản dùng để đãi khách quý. Rêu mọc thành từng mảng ở khu vực ven sông, khe suối, nơi có nguồn nước chảy, chúng thường mọc từ tháng 9, tháng 10 đến hết tháng 5 Âm lịch. Để lấy được rêu đá, người lấy rêu phải đi dọc các khe suối lổm nhổm đá, trơn trượt. Sau khi mang rêu về, trải qua nhiều công đoạn chế biến rêu mới trở thành món ăn.
Rêu đá có thể chế biến ra nhiều món như rêu nướng, rêu xào, canh rêu… Trước khi chế biến rêu được làm sạch, lấy chày gỗ đập nát rêu cho hết tạp chất bám, rồi rửa sạch, cắt rêu thành từng đoạn nhỏ, sau đó có thể cho vào nồi canh hoặc có thể đồ lên để làm món rêu nộm. Khi làm sạch, đồ chín, đem trộn với các loại gia vị, muối, bột ngọt, gừng, rau mùi, hạt mắc khén, ớt. Còn đối với món rêu đá nướng, khi đã tẩm với các gia vị dùng lá chuối bọc lại rồi kẹp tre nướng trên than hồng, rêu nướng có mùi vị thơm và ngon.

Ảnh minh họa: phongnhaexplorer
Nhộng tằm, món ăn đặc sản của người dân tộc Thái ở Sơn La, lấy từ những con tằm non sau khi tơ đã được dệt. Sau khi cắt kén, tằm rửa sạch và chế biến. Nhộng tằm được chiên giòn với dầu ăn, tạo nên lớp vỏ vàng giòn đặc sắc. Vị béo ngậy của nhộng hòa quyện cùng vị mặn nhẹ của gia vị tạo nên hương vị đặc trưng.
Tổng hợp