Nhà báo Đinh Quang Thành và câu chuyện về những bức ảnh đoàn quân 'thần tốc' tiến vào Sài Gòn

Trải qua biết bao trận chiến, dưới mưa bom bão đạn ở khắp các chiến trường, thời khắc ngày 30/4/1975 mãi mãi là niềm tự hào không thể nào quên với nhà báo Đinh Quang Thành nguyên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), người đã trực tiếp cầm máy ghi lại khoảnh khắc lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Là phóng viên thời sự của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Đinh Quang Thành đã bám sát những bước chân thần tốc của các chiến sỹ, ghi lại hàng nghìn bức ảnh, tư liệu quý về các chiến dịch, trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt là thời khắc của quân đội ta tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch là Dinh Độc lập.

Trong căn nhà rộng rãi ở phố Thạch Cầu, quận Long Biên, TP Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Đinh Quang Thành say sưa giới thiệu với tôi về một phòng đọc sách, nơi lưu giữ những tư liệu hiện vật trong suốt hành trình làm phóng viên của mình. Những giải thưởng báo chí trong nước và quốc tế, các giải thưởng nhiếp ảnh lớn nhỏ. Tuy nhiên thứ ông yêu mến nhất lại là những bức ảnh đen trắng ông đã chụp ở khắp các chiến trường trong những năm tháng chiến tranh cách đây nửa thế kỷ.

Nhà báo Đinh Quang Thành- nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam- giới thiệu cho phóng viên về những kỷ vật trong chiến tranh mà ông còn lưu giữ. Ảnh: Lê Tâm

Nhà báo Đinh Quang Thành- nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam- giới thiệu cho phóng viên về những kỷ vật trong chiến tranh mà ông còn lưu giữ. Ảnh: Lê Tâm

Nhà báo Đinh Quang Thành thuộc lớp phóng viên ảnh thế hệ thứ hai của TTXVN. Sau khi học xong đại học, ông được Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đào tạo trở thành phóng viên ảnh từ đầu những năm 1960. Sau những khóa học, ông được giao chụp ảnh thời sự. Những năm đầu tác nghiệp ông bám trụ tại các trọng điểm giao thông tỉnh Hà Nam, Nam Định để chụp ảnh.

Thời điểm này ở tỉnh Hà Nam, Nam Định, không quân Mỹ đang ngày đêm ném bom, bắn phá nhà ga, bến cảng, đường xá và các phương tiện giao thông vận tải. Đối phó với âm mưu đen tối ấy, quân và dân nơi đây chiến đấu ngoan cường, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện cho miền Nam không một ngày ngừng nghỉ.

Bức ảnh băng qua bom đạn địch trên kênh nhà Lê, các đoàn thuyền chở lương thực từ Hà Nam Ninh vào khu Bốn được chụp đúng lúc địch đang đánh phá, khói xăng dầu bị cháy còn mờ mịt. Ảnh: Nhà báo Đinh Quang Thành

Bức ảnh băng qua bom đạn địch trên kênh nhà Lê, các đoàn thuyền chở lương thực từ Hà Nam Ninh vào khu Bốn được chụp đúng lúc địch đang đánh phá, khói xăng dầu bị cháy còn mờ mịt. Ảnh: Nhà báo Đinh Quang Thành

Chính thời điểm bắn phá ác liệt đó mà mỗi bức ảnh của ông phản ánh được sức chiến đấu kiên cường, sự sáng tạo không ngừng của các lực lượng vũ trang hiệp đồng tác chiến, của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật làm cầu phà, của thanh niên xung phong san lấp hố bom, mở đường cho xe qua. Cũng chính thời gian này đã khơi dậy trong ông ý chí, khát vọng làm việc, chiến đấu cho suốt hành trình về sau.

Suốt trong quá trình đi tác nghiệp tại các trận địa, mặc cho mưa bom bão đạn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành vẫn luôn kề vai sát cánh cùng các chiến sĩ để có thể chụp được những khoảnh khắc quý giá.

Tác phẩm "Bộ đội Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất" nằm trong phóng sự ảnh “Giải phóng Sài Gòn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. Ảnh: Nhà báo Đinh Quang Thành

Tác phẩm "Bộ đội Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất" nằm trong phóng sự ảnh “Giải phóng Sài Gòn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. Ảnh: Nhà báo Đinh Quang Thành

Vào những ngày cuối tháng 3/1975, nhà báo Đinh Quang Thành được lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã phân công tham gia “Tổ mũi nhọn” đi đưa tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 (Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử). Trong khí thế hừng hực hướng về Sài Gòn, ông đi suốt ngày đêm, tới Huế lại tiếp tục hành trình vào Đà Nẵng. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc được giải phóng, ông cùng Sư đoàn 304 tiếp tục hành quân vào Sài Gòn. Trong suốt hành trình đó, mỗi bức ảnh ông chụp đều gắn với những kỷ niệm, câu chuyện đáng nhớ.

Trong đó, phải kể đến tác phẩm “Bộ đội Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất”, được ông ghi lại được ngay thời điểm ngày 30/4/1975. Nhà báo Đinh Quang Thành nhớ lại: “Khi tôi thấy các chiến sĩ của ta đang đuổi theo địch ở trong sân bay, tôi đã lao theo và phản ứng bấm máy nhanh tức thì. Nhờ chụp liên tục bằng máy Rolleicord của Đức, một lúc 12 kiểu nên đã có bức ảnh rất ưng ý”.

Bức ảnh xe tăng 390 và 843 (hai xe tăng vào đầu tiên) trong sân Dinh Độc Lập, trưa ngày 30/04/1975. Ảnh: Nhà báo Đinh Quang Thành

Bức ảnh xe tăng 390 và 843 (hai xe tăng vào đầu tiên) trong sân Dinh Độc Lập, trưa ngày 30/04/1975. Ảnh: Nhà báo Đinh Quang Thành

“Khi chụp tôi luôn nghĩ làm sao để mỗi một người xem ảnh đều cảm thấy có lòng tự hào dân tộc của mình về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Vì thế, tôi không sợ hi sinh gian khổ, chỉ sợ những gì mình chụp chưa thật đắt, chưa chạm vào cảm xúc của người xem mà thôi...”, nhà báo Đinh Quang Thành tâm sự thêm.

Chia sẻ về những tháng năm tác nghiệp đã qua, ông luôn nghĩ mình gặp may mắn, may mắn là được tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, được chứng kiến và ghi lại những giờ phút thiêng liêng của đất nước. Không chỉ có mặt tại trận đánh lớn như ở sân bay Tân Sơn Nhất, thời điểm tiến vào Dinh Độc Lập cùng đoàn xe tăng giải phóng cũng mang lại rất nhiều cảm xúc cho ông.

Nhà báo Đinh Quang Thành của Việt Nam Thông tấn xã gặp gỡ, thu thập thông tin từ người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng, 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Nhà báo Đinh Quang Thành của Việt Nam Thông tấn xã gặp gỡ, thu thập thông tin từ người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng, 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

“Mình không bao giờ nghĩ được, không bao giờ tưởng tượng được có thể vào Dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử này. Trong cuộc đời người làm báo không phải lúc nào cũng có những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc. Người làm báo không chỉ đơn thuần là lấy tin, chụp ảnh gửi về tòa soạn mà ăn cùng bộ đội, sống cùng bộ đội, xung phong vào các trận chiến, cùng gian khổ chịu đựng bom đạn với họ. Có những thời điểm bom đạn nổ ngay cạnh mình, chứng kiến nhiều hi sinh, mất mát”, nhà báo Đinh Quang Thành nhớ lại.

Đã 50 năm trôi qua, kể từ ngày cả nước vang khúc khải hoàn, non sông nối liền một dải, đã có biết bao bài thơ, bản nhạc, bức ảnh đã được ra đời, đồng hành cùng dân tộc, trở thành những tác phẩm đi cùng năm tháng. Mỗi tác phẩm để lại cho ngày hôm nay đó không chỉ là động lực để người làm báo tiếp tục sáng tạo và cống hiến mà qua đây còn bồi đắp thêm niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau. Và câu chuyện của nhà báo Đinh Quang Thành cũng là "viên gạch" quý nối đôi bờ thế hệ hôm qua và hôm nay.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-dinh-quang-thanh-va-cau-chuyen-ve-nhung-buc-anh-doan-quan-than-toc-tien-vao-sai-gon-10288424.html