Nhà báo Duy Nghĩa và hai lần được phỏng vấn Thủ tướng Nga Medvedev
Hơn 10 năm làm việc tại Cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Liên bang Nga, nhà báo Duy Nghĩa đã có may mắn hai lần được phỏng vấn Thủ tướng Nga Medvedev và anh luôn coi đó là một may mắn mà nghề báo đã dành cho mình.
Gặp nhà báo Duy Nghĩa trong cánh gà khi chương trình Quán Thanh xuân số 12 với chủ đề “Đường xa tuyết trắng” chuẩn bị ghi hình trực tiếp, tôi thực sự bất ngờ về sự giản dị, thân thiện của anh.
Nhà báo Duy Nghĩa trong Quán Thanh Xuân tháng 12
Là người được đào tạo đại học tại Nga, sau đó được làm việc hơn một thập niên tại xứ sở Bạch Dương, Duy Nghĩa là gương mặt nhà báo đã quá quen thuộc với khán giả xem truyền hình khi dẫn những bản tin về nước Nga. Giọng nói đầy cương nghị, cách dẫn linh hoạt, anh đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả, hẳn thế anh được mệnh danh là “Người đàn ông nước Nga” trên thời sự VTV.
Tình yêu với nghề báo và nước Nga luôn lấp lánh trong đôi mắt anh. Vừa nhận sổ hưu tại VTV, anh đã nhận lời làm thành viên trong Hội đồng thẩm định của Truyền hình Nhân dân. “Giờ ngồi yên một chỗ thì rất buồn, trong khi mình lại có nhiều trải nghiệm với nghề báo nên cũng mong muốn được truyền lại cho thế hệ sau”, nhà báo Duy Nghĩa trải lòng về công việc hiện tại.
Là người con Quảng Ngãi, sau khi thi đỗ vào Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với kết quả xuất sắc, Duy Nghĩa được chọn đi du học ở Nga với chuyên ngành lịch sử. Sau khi ra trường, anh “đầu quân” cho TTXVN và hơn 10 năm trước anh bén duyên với VTV rồi được cử làm Trưởng đại diện Cơ quan Thường trú VTV tại Liên bang Nga.
Nói về nghề báo trên đất nước Nga, anh thừa nhận mình là người may mắn bởi đã có 2 lần được phỏng vấn Thủ tướng Nga Medvedev trước khi ông sang thăm chính thức Việt Nam, đó là vào các năm 2012 và 2018. Nhà báo Duy nghĩa nhận xét Ngài Thủ tướng Medvedev rất thân thiện, cởi mở và luôn biết cách để tạo không khí buổi phỏng vấn trở lên bớt căng thẳng. Đó là việc ông say sưa nói về chè của Việt Nam. Ông khen chè Việt Nam rất ngon. Ngài Thủ tướng ấn tượng với sự đón tiếp nồng hậu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho ông cũng như cho đoàn cấp cao của Liên bang Nga.
“Nói thật lúc đầu tôi cũng khá run, ngập ngừng, sau đó sự thân thiện của Ngài Thủ tướng làm tôi tự tin làm việc hơn. Hôm ấy, tôi đã hỏi về cảm nhận của Ngài về đất nước Việt Nam cũng như nhận xét về quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tôi hỏi khoảng 3,4 câu gì đó trong thời lượng khoảng 45 phút”, nhà báo Duy Nghĩa nhớ lại.
Chia sẻ nhiều kỷ niệm làm báo trên nước Nga, anh cho biết đáng nhớ nhất là các chuyến công tác đến với cộng đồng người Việt ở vùng chiến sự Donbass, Ukraine. Bị kẹt giữa hai chiến tuyến, bà con ta ở đó thực sự gặp nhiều khó khăn về cuộc sống sinh hoạt lẫn nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Sự có mặt của anh em nhà báo có lẽ là niềm động viên an ủi rất lớn, và đối với chúng tôi cũng có chút an lòng khi đưa được những hình ảnh của bà con lên màn ảnh nhỏ, để gia đình người thân của họ yên tâm nơi quê nhà.
Ngoài ra, cũng có một kỷ niệm nữa là chuyến thăm thành cổ Palmyra của Syria. Một di tích cổ kính thuở nào đã biến thành bãi đổ nát. Xót xa, luyến tiếc là những cảm xúc của anh khi được chứng kiến cảnh hoang tàn của một di tích lịch sử nổi tiếng một thời, và thật sự không hiểu nổi khi được biết những di tích cũng trở thành nạn nhân, trở thành tử tù để những kẻ quá khích đem ra xử án và hành hình.
Nhớ lại thời kỳ đầu khi đặt chân đến nước Nga, anh bảo đến Nga thì điều đầu tiên là phải thích nghi với thời tiết, khí hậu nơi đây vì nước Nga rất lạnh, thường xuyên có tuyết rơi. Sau đó phải khắc phục cái “tật” nói to, cách ngồi…
Hồi sang Nga du học, mỗi tháng anh được cấp cho 70 rúp. Với một thanh niên chưa đầy 20 tuổi khi ấy, thì việc xa nhà và phải tính toán chi tiêu hợp lý là việc không dễ. Anh cho biết, tháng đầu tiên toàn tiêu hết tiền và phải đi vay sau đó rút kinh nghiệm đi chợ về thừa xu nào ném cửa sổ, cuối tháng lấy mua bánh mỳ.
“Đặt chân đến nước Nga điều quan trọng nhất là học tiếng cho giỏi. Tôi rất chịu khó đi chợ nghe các bà bán hàng nói, mới đầu nghe không hiểu, cứ đưa tiền trả bao nhiêu thì trả, sau rồi nghe cũng thành quen. Và tiếng Nga đã giúp tôi có lợi thế hơn khi đi tiếp xúc, phỏng vấn cho công việc làm báo sau này”, nhà báo Duy Nghĩa chia sẻ.
Anh bảo cộng đồng người Việt ở nước Nga chủ yếu là lực lượng xuất khẩu lao động, bù đắp thiếu hụt về nhân công, bù lại người Việt có công ăn việc làm, tiếp cận khoa học kĩ thuật về xây dựng đất nước. Đầu những năm 90, Liên Xô sụp đổ, người Việt không được nương tựa, chủ yếu là ở lại. Khi ấy, người Việt chủ yếu làm công việc buôn bán. Trong một vài năm đầu hình thành mạng lưới vận chuyển hàng hóa từ Trung ương đến địa phương.