'Nhà báo già', 'Nhà thơ trẻ' Nguyễn Hồng Vinh
Hà Nội những ngày thu dịu dàng, trên con phố Nguyễn Du ngào ngạt hương hoa sữa, NXB Hội Nhà văn do Chủ tịch Hội, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Nguyễn Quang Thiều chủ trì cuộc gặp mặt giới thiệu tập thơ 'Hoa đời mùa sau' của PGS.TS, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.
"Trang sách đời chưa kết/ Thơ vang khúc nhạc đầu/ Hạt ủ thầm trong đất/ Nở hoa đời mùa sau"
Hà Nội những ngày thu dịu dàng, trên con phố Nguyễn Du ngào ngạt hương hoa sữa, NXB Hội Nhà văn do Chủ tịch Hội, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Nguyễn Quang Thiều chủ trì cuộc gặp mặt giới thiệu tập thơ "Hoa đời mùa sau" của PGS.TS, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Đây là tập thơ thứ 12 trong hành trình sáng tạo thơ ca của nhà thơ đất Thành Nam.
Chắc hẳn nhiều người cũng đồng ý với tôi khi gọi ông là một "nhà báo già", "nhà thơ trẻ". Hẳn nhiên là như vậy, ông làm báo đến hơn nửa thế kỷ và mới chỉ chuyên tâm làm thơ được hơn chục năm nay khi đã rời các chức vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Sự "trẻ" trong Nguyễn Hồng Vinh còn thể hiện trong cách ông cư xử đúng mực, thân tình với bạn bè, đồng nghiệp; với những câu thơ bỏng cháy, yêu đời với niềm khát khao và hy vọng.
Với lứa hậu sinh chúng tôi, ông lúc nào cũng chu đáo, tận tình, gần gũi như không hề có khoảng cách nào cả. Ông vẫn gọi tôi là "đồng nghiệp" và thi thoảng gửi bài thơ, bài báo nào đó ông vẫn nhắn kèm với dòng chữ thân thương "đọc rồi góp ý nhé!". Với lứa chúng tôi và nhiều người khác nữa, luôn coi ông là "cây đa", "cây đề" sừng sững tỏa bóng mát để tạo động lực phấn đấu, nỗ lực mỗi ngày.
Trở về sau buổi ra mắt cuốn sách "Hoa đời mùa sau" của Nguyễn Hồng Vinh, trong tôi bộn bề suy nghĩ trước tình cảm và sự yêu mến của các đồng chí lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp dành cho ông. Không gian tầng 2 của số 70 Nguyễn Du chật kín người. Tất cả đều lặng im, đều đồng cảm với những tâm sự "gan ruột" của ông và những vị khách mời. Đặc biệt, trong những vị khách ấy có đoàn đại biểu tỉnh Nam Định.
Trong lời phát biểu của đồng chí Bí thư Huyện ủy Trực Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy thay mặt đoàn cán bộ tỉnh Nam Định đã nêu bật nghĩa tình nặng sâu, tha thiết của ông với quê hương. Ông là người luôn dành tình yêu sâu sắc, trách nhiệm, và đã có nhiều việc làm thiết thực xây dựng quê hương với ý thức đồng hành trong từng bước phát triển của quê nhà. Ông luôn tự hào là người con Nam Định, mảnh đất đã sản sinh ra nhiều tên tuổi lẫy lừng của nền văn học nghệ thuật nước nhà, như Tú Xương, Văn Cao, Nguyễn Bính… Và đó chính là động lực, là nguồn cảm hứng để ông sáng tác những vần thơ dào dạt tình yêu quê hương, đất nước, yêu đời, yêu người, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.
Là cây bút chính luận xuất sắc của Báo Nhân dân, trong thơ của Nguyễn Hồng Vinh luôn nóng hổi tính thời sự, những đắn đo, suy ngẫm về nhân tình thế thái, về đời sống của phận người hôm nay. Ông hướng ngòi bút đến những con người bình dị, nhỏ bé trong xã hội với tiếng lòng đầy yêu thương, với sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc. Ông dùng thơ ca để nói lên tình người, sự nhân văn trong đời sống và mong muốn điều đó sẽ dẹp đi cái xấu, cái ác đang bủa vây cuộc sống của chúng ta. Quen ông, đọc những vần thơ của ông khiến không ít người tò mò xem ông đã làm thế nào để dung hòa hai lĩnh vực tưởng chừng như rất khác biệt trong công việc của mình, đó là viết chính luận và làm thơ.
Trong buổi lễ ra mắt sách, ông đã "giải mã" một cách rành rọt mà ai nghe cũng thấy có lý: "Viết bài chính luận dưới góc nhìn, tâm hồn của một nhà thơ sẽ mềm mại, uyển chuyển hơn, nhất là việc mang những câu thơ, hình tượng thơ để bạn đọc, nhân dân hiểu hơn về đường lối, chủ trương của Đảng. Chúng ta muốn tuyên truyền đến nhân dân thì không thể khô khan, giáo điều, mà phải làm thế nào có sức thuyết phục, dễ hiểu nhất".
Nhan đề tập thơ thứ 12 của Nguyễn Hồng Vinh, hẳn mang đến cho bạn đọc điều suy ngẫm về thông điệp sâu xa của tác giả gửi đến bạn đọc. Thực ra, ông đã đặt theo tên một bài thơ trong tập, có những vần thơ với ngụ ý sâu sắc: "Trang sách đời chưa kết/ Thơ vang khúc nhạc đầu/ Hạt ủ thầm trong đất/ Nở hoa đời mùa sau". Tôi rất thích cách "giải nghĩa" của nhà thơ Bằng Việt trong phần giới thiệu cuốn sách: "Phải chăng, tác giả muốn ngụ ý nói rằng, mình vẫn chỉ là người âm thầm "gieo hạt" ở các tập thơ trước để tới tập này, vẫn cần mẫn vun xới mầm thơ, mong thật sự có vườn "hoa đời" mang sắc hương đa dạng, để người đọc mùa sau vẫn nhớ trong tâm thức?!". Có thể nói chỉ với một câu thơ đã nói lên tư tưởng của toàn tập thơ cũng như quan điểm làm thơ của ông - một con người luôn không bằng lòng với thực tại, không "ngủ quên trên chiến thắng", luôn tận tụy, trách nhiệm để dâng "mật ngọt" cho đời.
Cùng với những tập thơ "Từ những nẻo đường" (NXB Hội Nhà văn, 2010), "Thao thức dòng đời" (NXB Văn học, 2010), "Tiếng quê" (NXB Hội Nhà văn, 2021), "Chồi biếc" (NXB Văn học, 2022), "Vang âm tiếng sóng" (NXB Văn học, 2022)…, "Hoa đời mùa sau" (NXB Hội Nhà văn, 2023) đã giúp ông hiện diện rõ hơn, lấp lánh hơn trong "bầu trời" thi ca Việt. Nói như cách của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì "Nguyễn Hồng Vinh có 2 bản lý lịch, một là nhà báo, nhà lý luận, tư tưởng của Đảng và một là tâm hồn bỏng cháy, dễ rung động, run rẩy trước vẻ đẹp của cuộc sống", "dường như Nguyễn Hồng Vinh đã hút mọi ngọn nguồn của đời sống để sinh ra thi ca", "mỗi tập thơ là một "căn cước công dân" tâm hồn Nguyễn Hồng Vinh".
Có thể nói Nguyễn Hồng Vinh là một trường hợp làm thơ rất đặc biệt. Ông yêu thơ, ham làm thơ từ khá sớm, nhưng vì "dân tin, Đảng cử" với bộn bề công việc, trọng trách nên ông đành gác lại niềm đam mê ấy. Nó cũng giống như việc ông đã từng gác lại niềm đam mê với môn Ngữ văn để chuyển sang học Khoa Lịch sử theo sự phân công của nhà trường. Rồi như cơ duyên đưa đẩy, người học Khoa Lịch sử cùng lứa với nhà sử học Dương Trung Quốc ấy lại lọt vào "mắt xanh" của nhà báo Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân lúc bấy giờ, để rồi sự nghiệp của ông gắn liền với "gốc đa" Hàng Trống. Ở ông, ở lớp người thế hệ ông luôn nhất nhất phục tùng tổ chức, luôn trọn niềm tin với Đảng, luôn làm việc với tinh thần hăng say, trách nhiệm.
Từ khi về hưu, Nguyễn Hồng Vinh viết "khỏe" hơn, sung sức hơn, đa dạng hơn. Dường như ông đang có một "cuộc chạy đua" với tốc độ cao để theo kịp thời gian, tuổi tác, để lấp đầy những "khoảng trống" mà trong những năm tháng còn đảm nhiệm các chức vụ, ông chưa thể thực hiện được. Ông kiên trì, bền bỉ và đã tạo nên "thương hiệu" khi xuất bản đến 4 tập sách chính luận "Giữ lửa" gồm hơn 2.000 trang (và con số này chắc chắn chưa dừng lại) với mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm quý báu về nghiệp vụ làm báo trong đời cầm bút qua các thời kỳ, từ một phóng viên chiến trường đến một nhà quản lý báo chí, một nhà lý luận, tư tưởng của Đảng. Và đứng trên một góc độ nào đó thì có thể nhìn nhận, thơ ca cũng chính là "phương tiện" để ông "giữ lửa", "truyền lửa" cho bạn đọc.
Tinh thần, sức sáng tạo và sự tận hiến cho nền báo chí, cho thơ ca và cho cuộc đời của ông, khiến nhiều người phải bất ngờ, nể trọng mà nói như cách của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí CAND: "Tôi có viết văn hết đời cũng không thể có được một khối lượng tác phẩm mới, một sức làm việc đáng trân quý như ông!".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-bao-gia-nha-tho-tre-nguyen-hong-vinh-i714039/