Nhà báo Hungary lý giải sức mạnh và sức hút của Việt Nam

Từ Budapest, Hungary, nhà báo Dunai Péter chia sẻ với TG&VN ấn tượng về sự phát triển không ngừng của Việt Nam, bắt nguồn từ tinh thần sẵn sàng hợp tác và những đường lối phát triển đúng đắn, kịp thời.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary Szijjártó Péter, ngày 19/3. (Ảnh: Hải Minh)

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary Szijjártó Péter, ngày 19/3. (Ảnh: Hải Minh)

Có mặt tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hungary (3/2/1950 - 3/2/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) được tổ chức tối 29/4 vừa qua tại thủ đô Budapest, tôi cảm nhận sâu sắc sự phát triển của Việt Nam hiện nay.

Từng bước vươn mình

Vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, tôi đã có gần bốn năm làm phóng viên thường trú cho nhật báo Tự do Nhân dân (Népszabadság) và Hãng Thông tấn Hungary (MTI) tại Việt Nam. Việt Nam - dân tộc kiên cường đã chiến đấu gần cả thế kỷ vì độc lập, tự do, bảo vệ Tổ quốc, chống lại kẻ thù xâm lược.

Thế nhưng, người Việt Nam không giữ mãi hận thù mà sẵn sàng mở rộng hợp tác với tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Pháp hay Mỹ đều đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đất nước đang vận hành mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tôi cũng ấn tượng với người Việt ở Hungary, hiện nay họ đều có cuộc sống khá giả, nhưng đó là thành quả của quá trình lao động thật bền bỉ. Các cửa hàng quần áo, giày dép, thực phẩm của người Việt góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng Hungary, đáp ứng nhu cầu về ăn mặc, sinh hoạt và điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Dân số Việt Nam hiện vượt mốc 100 triệu người. Tốc độ phát triển kinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới, năm ngoái GDP tăng trưởng hơn 7%. Một trong những yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh của đất nước là ngành công nghiệp chế biến hiệu quả. Thêm vào đó, Việt Nam đang tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ cao như chip điện tử.

Ví dụ, hãng Intel đã xây dựng tổ hợp lắp ráp, đóng gói và kiểm định lớn nhất ngoài nước Mỹ tại Việt Nam (APT). Tập đoàn Amkor (trụ sở tại Arizona, Mỹ) đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất vi mạch tại tỉnh Bắc Ninh, sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay.

Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics dự báo rằng trong năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, thậm chí nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Theo nguồn tin trên, xu hướng tăng trưởng đơn hàng được kỳ vọng sẽ lan rộng sang các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực khác như sản xuất máy móc, thiết bị điện gia dụng, dệt may và nông nghiệp.

Đại sứ Bùi Lê Thái trao tặng cho các khách mời danh dự Tập san đặc biệt do Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Tạp chí Eurasia xuất bản nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary)

Đại sứ Bùi Lê Thái trao tặng cho các khách mời danh dự Tập san đặc biệt do Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Tạp chí Eurasia xuất bản nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary)

Tại buổi lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức ở Nhà hát Vigadó tại Budapest, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Bùi Lê Thái đã chia sẻ một điều đáng chú ý rằng: Trong khi kim ngạch thương mại của Hungary trong quý I năm 2025 giảm do khó khăn từ các đối tác lớn ở châu Âu (đặc biệt là Đức), thì kim ngạch song phương với Việt Nam lại tăng hơn 10%, đạt mức 194 triệu USD.

Điều đặc biệt tích cực là hợp tác đang được mở rộng sang các lĩnh vực mới. Việt Nam đã bày tỏ mong muốn mua một phi đội máy bay huấn luyện đa năng L-39NG do nhà máy Aero Vodochody (ở Brno, Czech, nay thuộc sở hữu Hungary) sản xuất.

Theo nguồn tin từ phía Czech, những chiếc máy bay đầu tiên đã được chuyển giao cho Việt Nam.

Tầm nhìn mới từ lãnh đạo Việt Nam

Tôi rất ấn tượng với tầm nhìn mới về phát triển đất nước của lãnh đạo Việt Nam. Gần đây, lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã đưa ra những định hướng tương lai rất rõ ràng.

Trong bài viết chào mừng 50 năm thống nhất đất nước, tôi ấn tượng với ba thông điệp được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học"; "Không thể để đất nước tụt hậu. Không thể để dân tộc đánh mất cơ hội...Vì vậy, phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết"; "Hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên lãng lịch sử hay xóa nhòa sự khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn khác nhau trong tinh thần bao dung và tôn trọng, để cùng hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng mạnh, văn minh, thịnh vượng".

Nhà báo Hungary Dunai Péter (ngoài cùng bên trái) trò chuyện cùng cộng đồng người Việt tại Hungary. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Hungary Dunai Péter (ngoài cùng bên trái) trò chuyện cùng cộng đồng người Việt tại Hungary. (Ảnh: NVCC)

Hợp tác chiến lược giữa những người bạn thân tình

Cách đây 75 năm, Hungary là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Việt Nam. Khi đất nước Đông Nam Á này còn đang chìm trong chiến tranh, lập trường của Budapest luôn xoay quanh khẩu hiệu: "Veled Vagyunk, Vietnám" - "Chúng tôi ở bên bạn, Việt Nam".

Thông điệp ấy đã trở thành lịch sử khi vào ngày 30/4/1975, tròn nửa thế kỷ trước, Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất. Hình ảnh chiếc xe tăng T-55 của quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ở Sài Gòn đã trở thành biểu tượng lịch sử.

Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hungary được đánh dấu bởi sự hợp tác ngày càng mở rộng về chính trị, kinh tế và trên nhiều lĩnh vực. Thời gian qua đã có nhiều sinh viên Việt Nam tốt nghiệp kỹ sư hạt nhân tại Hungary và con số này sẽ còn tăng khi Việt Nam mở rộng chương trình điện hạt nhân. Thêm nữa, tôi cũng kỳ vọng hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Chính sách của Hungary đối với Việt Nam hiện nay hướng đến mở rộng hợp tác chiến lược, ví dụ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hay phát triển công nghiệp quốc phòng. Tháng 3 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary Szijjártó Péter đã có cuộc hội đàm với nhiều kết quả quan trọng cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Nhà báo Dunai Péter (từ Budapest, Hungary)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-bao-hungary-ly-giai-suc-manh-va-suc-hut-cua-viet-nam-313424.html