Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Người làm báo cần giữ vững 'tâm sáng, bút sắc, lòng trong'

Không chỉ được biết đến là một cây bút phóng sự nổi tiếng trong thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một nhà văn, giảng viên của nhiều thế hệ sinh viên báo chí tại TP Hồ Chí Minh. Ông từng là Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng là Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng là Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), phóng viên báo Tin tức đã có buổi trò chuyện, trao đổi với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về những vấn đề báo chí trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Trong suốt 40 năm làm nghề, ông cảm nhận như thế nào về sức mạnh của báo chí khi chưa ứng dụng công nghệ và khi ứng dụng công nghệ như hiện nay, thưa ông?

Báo chí thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, có công rất lớn trong vai trò phản biện xã hội và được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, trong thời điểm nào, cũng phải khẳng định, báo chí là một phần của cuộc sống.

Nhìn vào đời sống của báo chí, chúng ta có thể đoán được mức sống của người dân và sự tiến bộ của xã hội. Báo chí thực sự là sức mạnh tri thức, thông tin muôn mặt đời sống đến mọi người dân; phản ánh mọi hoạt động của xã hội ngày càng đầy đủ, cập nhật toàn diện, phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Báo chí trở thành cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, kết nối Trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế.

So với trước đây, báo chí ngày nay có nhiều điều kiện để làm việc tốt hơn, sống tốt hơn. Nhưng chính trên các nền tảng tốt hơn ấy, lại nảy sinh nhiều vấn đề đạo đức, cạnh tranh, cũng như các mâu thuẫn trong mối quan hệ riêng chung, giữa cá nhân và tập thể, muốn vươn lên phải đối đầu với nhiều thử thách mà thời trước không có...

Vì vậy, người làm báo cần phải tự thân nâng cao việc ứng dụng công nghệ để vận dụng nó vào công việc, nghĩa là mỗi người làm báo cần “vừa chạy vừa xếp hàng” để đuổi kịp tốc độ ứng dụng công nghệ. Ngược lại, nếu người làm báo không có sự quan tâm đến công nghệ để nâng cao nghề nghiệp thì chúng ta không thể phát triển, thậm chí còn bị tụt hậu so với thời đại.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (bìa phải) trong một lần đi công tác tại Trường Sa. Ảnh: NVCC

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (bìa phải) trong một lần đi công tác tại Trường Sa. Ảnh: NVCC

Mặt khác, sức mạnh của báo chí chính thống là công luận, không có công luận thì báo chí chính thống không mạnh và nhờ có công luận thì báo chí chính thống mới tồn tại. Công luận ở đây là sự kết nối tiếng nói của người dân và chính quyền. Như vậy, chỉ khi người dân được quan tâm chăm sóc, tiếp cận thông tin… thì mới có những phản hồi tích cực lại đến với báo chí.

Trên thực tiễn, báo chí ngày xưa và ngày nay đều có công luận. Công luận ngày xưa chủ yếu cung cấp các thông tin về chính trị, xã hội… công luận ngày nay hơi khác và nghiêng về giải trí, tò mò, về thị hiếu, hơi thở cuộc sống thường ngày… Vậy cách thức làm báo ngày nay phải điều tiết nhu cầu, thị hiếu để phù hợp với công luận mới có thể tồn tại, phát triển.

Theo ông, báo chí chính thống đang phải đổi mặt với những thách thức nào trong thời đại công nghệ số?

Hiện nay, báo chí truyền thống, báo in ngày càng gặp nhiều khó khăn, thậm chí sẽ dần biến mất do báo điện tử và các nền tảng thông tin số lên ngôi. Điều này cho thấy, xu hướng chuyển đổi số trong báo chí rất rõ rệt. Do vậy, người làm báo ngày càng phải đa năng hơn, nhất là trong thời kỳ công nghệ 4.0, công nghệ AI… đang phát triển quá nhanh và phát triển hơn với tốc độ phát triển của báo chí. Theo đó, người làm báo phải có tâm thế tư duy đi và sống cùng công nghệ.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sau khi nghỉ hưu đã vẽ hàng ngàn bức tranh về những nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sau khi nghỉ hưu đã vẽ hàng ngàn bức tranh về những nhà báo Việt Nam.

Đây là thách thức cho báo chí chính thống ngày nay, bởi không chỉ chạy đua về nội dung, tôn chỉ mục đích mà còn là cuộc chạy đua về kỹ thuật, công nghệ số. Tuy nhiên, công nghệ vẫn chỉ là phần kỹ thuật, còn nội dung báo chí vẫn cần người làm báo thực hiện. Vì vậy, người làm báo cần làm chủ công nghệ để có những tác phẩm chất lượng cao.

Đối với cơ quan báo chí, nếu không chuyển đổi số thì sẽ bị lạc hậu khá nhanh. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số, cơ quan báo chí cần chuẩn bị kỹ càng về hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng ứng dụng công nghệ số, tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Trong thời đại công nghệ số, một số nhà báo do áp lực chạy theo view, chỉ tiêu kinh tế báo chí mà đã biến chất, tha hóa. Vậy chúng ta phải làm gì để giữ được phẩm chất đạo đức trong sáng của người làm báo?

Trong thời đại công nghệ số, đòi hỏi người làm báo phải tăng tốc độ hơn, đa phương tiện hơn, ứng dụng công nghệ nhiều hơn… đặc biệt nhiều tờ báo còn áp view, áp quảng cáo, chỉ tiêu kinh tế báo chí… Có quảng cáo mới có lương, có nhuận bút. Để đáp ứng đủ chỉ tiêu tòa soạn giao, có một bộ phận phóng viên bị sa ngã, tiêu cực… Để giữ cái tâm trong sáng của người làm báo, trước tiên cần nâng cao và bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề báo, xác định làm việc không hổ thẹn với lương tâm.

Đối với các cơ quan báo chí, không nên quá đặt nặng kinh tế báo chí cao hơn nội dung thông tin của tờ báo, nghĩa là không nên áp view, áp đặt kinh tế báo chí, áp đặt đủ quảng cáo mới trả lương… Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần quản lý chặt đội ngũ phóng viên, không để phóng viên đi tống tiền, đe dọa doanh nghiệp, đơn vị… để có quảng cáo.

Đối với các cơ quan quản lý báo chí, cần quản lý chặt việc cấp phép các tờ báo, trả lương đúng với năng lực của từng phóng viên. Có như vậy, phóng viên mới chuyên tâm làm việc, cống hiến vì nghề báo như “tâm sáng, bút sắc, lòng trong”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức (Thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nha-bao-huynh-dung-nhan-nguoi-lam-bao-can-giu-vung-tam-sang-but-sac-long-trong-20240621070441141.htm