Nhà báo kể chuyện nghề

Từ lâu, Báo Khánh Hòa đã trở thành mái nhà chung của những người yêu thích làm báo. Dưới sự dìu dắt của Ban Biên tập và đồng nghiệp, nhiều cây bút đã trưởng thành, có những bài viết đầy sức nặng được bạn đọc đón nhận… Và dưới mái nhà Báo Khánh Hòa, họ đã có những kỷ niệm nghề nghiệp không thể quên!

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chụp hình lưu niệm với nữ lãnh đạo báo Đảng toàn quốc tại chương trình diễu hành "Tôn vinh áo dài - di sản văn hóa Việt Nam" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chụp hình lưu niệm với nữ lãnh đạo báo Đảng toàn quốc tại chương trình diễu hành "Tôn vinh áo dài - di sản văn hóa Việt Nam" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023.

Kỷ niệm về bài phóng sự điều tra đầu tay

Đầu năm 2007, khi đang là phóng viên tập sự, chưa có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhà báo Thế Anh đã điều tra phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trong nghĩa trang ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh làm sạt lở mồ mả, đất sản xuất, nhà ở của người dân khu vực xung quanh.

Sau khi tìm hiểu nắm địa bàn và quy luật hoạt động của các đối tượng, để chụp được hình khai thác cát mà không bị phát hiện, anh thuê nhà trọ gần đó rồi sáng sớm hôm sau đi bộ ra khu vực nghĩa trang, ẩn mình bên ngôi mộ có cây bụi mọc kín xung quanh để “phục sẵn”. “Ở vị trí này có thể quan sát và chụp hình mọi điểm múc cát, nhưng khổ nỗi có mấy tổ kiến vàng. Vậy là tôi đành phải “cố thủ” đến gần 12 giờ, khi các đối tượng khai thác cát về nghỉ mới thoát khỏi “trận địa” của kiến. Đổi lại, tôi có được rất nhiều ảnh “đắt”. Trưa hôm sau, trong vai một tay chạy vật tư xây dựng cho công trình lớn trên địa bàn, tôi đến nhà ông Hùng - một ông trùm khai thác cát ở khu vực nói trên - để thương thảo mua cát khối lượng lớn. Lúc này trong sân nhà ông Hùng có gần chục thanh niên được ông thuê khai thác cát, đang giờ nghỉ ngơi chờ đến giờ làm việc buổi chiều. Khi đang trao đổi việc mua bán cát thì máy ghi âm (hồi đó còn dùng máy cơ) tôi giấu trong túi quần chạy hết băng, nốt bấm của máy trả về trạng thái tắt nên phát ra tiếng “tách” nghe rất rõ. Ông Hùng đột nhiên dừng lời vì tiếng động lạ. Tim đập rất nhanh, nhưng tôi vẫn giữ được nét mặt điềm tĩnh, giả vờ ngoái nhìn ra sau rồi quay lại hỏi: “Tiếng gì kêu vậy chú?”. Ông Hùng trả lời: “Chú cũng không biết”. Nhẹ hết cả người nhưng tôi chưa vội về ngay mà nán lại tiếp tục trò chuyện cho đến lúc cảm nhận được chắc chắn ông Hùng đã bị đánh lạc hướng mới rời đi một cách an toàn”, phóng viên Thế Anh nhớ lại.

Sau cuộc điều tra đó, phóng viên Thế Anh đã có bài viết “Khai thác cát trái phép ở Vạn Lương: “Ăn cả đất nghĩa trang!”. Đó cũng là bài phóng sự điều tra đầu tiên trong đời làm báo của anh. “Bài viết được Ban Biên tập bình chọn là tác phẩm chất lượng nhất tháng. Sau khi báo đăng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc các đối tượng vi phạm khôi phục lại hiện trạng đất ở khu vực khai thác cát. Đó là những niềm động viên khích lệ lớn lao để tôi tiếp tục với đam mê nghề báo, nhất là với các đề tài điều tra", anh chia sẻ.

Tình cảm bạn đọc đã tiếp lửa nghề

Gắn bó với Báo Khánh Hòa 25 năm, nhà báo Lê Minh có rất nhiều kỷ niệm nhưng anh nhớ nhất kỷ niệm khi mới chập chững vào nghề. Khi ấy, một nhà đầu tư đã lên phương án biến làng chài ấy thành một khu du lịch đẳng cấp của thành phố. Thế nhưng, dự án này khiến người dân ở làng chài không hài lòng vì họ phải bỏ lại tất cả nhưng chỉ được nhận lại số tiền bồi thường ít ỏi và cũng không biết đi đâu, làm gì để sống. Vì vậy, họ đã gửi đơn đến Báo Khánh Hòa. "Được giao xử lý đơn, tôi đã tìm gặp những người dân ở đây, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ, tìm hiểu các quy định của pháp luật về chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, chỉ ra những bất cập… Rất may, sau khi Báo Khánh Hòa có bài phản ánh, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ và mọi việc cũng đã được giải quyết. Người dân được đền bù thỏa đáng, doanh nghiệp cũng có đất để triển khai dự án. Điều đặc biệt là ngày 21-6 năm sau, Báo Khánh Hòa nhận được một lẵng hoa nhỏ của những hộ dân ở làng chài ấy, trên ấy có thêm lời chúc mừng phóng viên Lê Minh. Cho đến giờ, tôi cũng không biết người chúc mừng mình là ai. Tuy nhiên, tôi rất xúc động và trân trọng tình cảm ấy, không gì quý hơn khi được bạn đọc nhớ đến mình với một tình cảm yêu mến chân thành”, nhà báo Lê Minh bày tỏ.

Phóng viên Văn Giang trong một lần tác nghiệp ghi nhận ý kiến công nhân tại thị xã Ninh Hòa đình công đòi quyền lợi.

Phóng viên Văn Giang trong một lần tác nghiệp ghi nhận ý kiến công nhân tại thị xã Ninh Hòa đình công đòi quyền lợi.

15 năm theo nghề, đi nhiều, viết nhiều giúp nhà báo Văn Giang hiểu hơn về hiện thực sinh động của đời sống, “chạm” vào nhiều số phận nhân vật để có được những bài báo được bạn đọc đón nhận, tạo được hiệu ứng xã hội tốt. Mới nhất, anh có loạt bài điều tra “Vụ khiếu nại đất đai ở Vạn Ninh”. Xuất phát từ lá đơn của một người dân ở xã Đại Lãnh đề nghị chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đều bị từ chối vì cho rằng thửa đất này nằm trong 3 thửa đất khác đã được cấp sổ đỏ, anh đã có hơn 3 năm theo đuổi, tiếp cận các nhân chứng để thu thập thông tin, chứng cứ, tư liệu rồi phản ánh rõ qua các bài điều tra việc cấp sổ đỏ cho người dân của chính quyền địa phương theo kiểu ai có đất thì chỉ vào bản đồ địa chính là được cấp sổ mà không cần phải thực địa đo đạc, cắm mốc, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất trước khi cấp sổ... “Từ phản ánh của báo, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra lại toàn bộ việc cấp sổ đỏ cho người dân ở xã Đại Lãnh và phát hiện hàng loạt sai sót. Đến lúc này, địa phương này mới thừa nhận sai sót và phải xử lý trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan…”, nhà báo Văn Giang nhớ lại.

Không lấy được tư liệu vẫn… vui

Một năm trước, chuẩn bị cho bài viết nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2022, nhà báo Thiều Hoa cùng một nữ đồng nghiệp hăm hở về xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) - địa phương mà Báo Khánh Hòa và một số đơn vị đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho nhiều hộ nghèo. Họ dễ dàng tìm đến những căn nhà được báo xây dựng, vui mừng khi thấy đời sống nhiều gia đình đã khấm khá hơn… cho đến khi tìm đến gia đình chị L.T.T (thôn Khánh Thành Bắc). “Căn nhà xây năm 2017 bị tốc mái, bung cửa sau cơn bão khủng khiếp cuối năm. Vợ chồng chị T. kiếm tôn cũ lợp và sửa sang tạm được một thời gian lại dính đợt mưa lụt nặng nề năm tiếp đó. Chưa kịp khắc phục thì chồng chị bệnh nặng, không qua khỏi. Chị T. chằng buộc nhà tạm bợ, chỉ mong kiếm tiền nuôi các con ăn học. Nghe chị T. kể, chúng tôi lòng nặng trĩu, chẳng còn ý định lấy tư liệu viết bài. Nhưng sau đó, chúng tôi báo cáo Ban Biên tập, đề xuất trích một phần quỹ để sửa lại những căn nhà do báo xây dựng đang bị xuống cấp. Đồng chí Tổng Biên tập nhanh chóng đồng ý và chỉ đạo khảo sát toàn bộ nhà đã được Báo Khánh Hòa và mạnh thường quân phối hợp xây dựng, đánh giá hiện trạng, đề xuất kế hoạch sửa chữa, nâng cấp. Chỉ đạo của Tổng Biên tập khiến chúng tôi vui mừng còn hơn thu thập được tư liệu đắt bởi biết một ngày không xa, căn nhà của chị T. và nhiều người nghèo khác sẽ được sửa chữa, nâng cấp, từ đó có thể tập trung làm ăn vươn lên. Chúng tôi cũng chắc chắn, nhiều người dân nghèo sẽ thêm yêu thương, tin tưởng Báo Khánh Hòa”, chị Hoa nói.

Trong câu chuyện nghề, những người làm báo ở Báo Khánh Hòa hôm nay đều tâm sự rằng, những bài báo được công chúng đón đọc, đánh giá cao và sự vào cuộc xử lý rốt ráo của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để bảo đảm sự công bằng lợi ích cho nhân dân, đem lại môi trường sống bình yên cho mọi người là điều họ mong mỏi. Hạnh phúc của người làm báo cũng chỉ cần thế thôi!

Báo Khánh Hòa là người thầy của tôi

Năm 1998, tôi có tin, ảnh đăng đầu tiên trên Báo Khánh Hòa, nhuận bút 20.000 đồng. Viết tin chưa vững, tôi “bạo gan” chuyển sang viết phóng sự dự thi do Báo Khánh Hòa tổ chức. Báo đăng ở mục nhắn tin: “Tòa soạn đã nhận bài dự thi của đồng chí Hải Luận, Đồn Biên phòng 362, huyện Vạn Ninh. Bài viết có nhiều chi tiết hay, nhưng không phù hợp với cuộc thi…”, bởi chủ đề cuộc thi về xây dựng Đảng, tôi lại đi viết về tệ nạn xã hội.

Tuy chưa được học về nghiệp vụ báo chí nhưng bù lại tôi rất “máu” đạp xe đi lấy thông tin viết bài gửi Báo Khánh Hòa nên cũng có nhiều bài đăng. Mỗi lần đến tòa soạn nhận nhuận bút hoặc gửi bài trực tiếp, tôi thường hay cà kê xem mấy anh phóng viên: Viết Thái, Duy Hưng, Phong Nguyên… có ở phòng bạn đọc không để đến “hóng chuyện” làm báo. Một lần tôi “bạo gan” lên thẳng phòng nhà báo Duy Lộc - Thư ký tòa soạn (hiện nay anh đang là Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông) đặt vấn đề học hỏi nghiệp vụ làm báo và được anh chỉ bảo tận tình. Đây là người thầy đầu tiên dạy tôi những gạch đầu dòng về nghiệp vụ báo chí. Sau khi được trang bị nghiệp vụ cấp tốc, tôi chịu khó đi cơ sở viết tin, chụp ảnh. Kết quả trong 1 tháng, hầu hết trên các số báo của Báo Khánh Hòa đều có tin, ảnh của tôi; riêng tiền nhuận bút viết tin là 1,2 triệu đồng...

Năm 2002, tôi về làm phóng viên Báo Biên phòng. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ phóng viên chuyên nghiệp, tôi nhận lệnh lên biên giới Việt - Trung viết bài phân giới cắm mốc tại tỉnh Hà Giang. Từ kinh nghiệm cộng tác Báo Khánh Hòa, tôi đã chọn được chi tiết chủ đạo để viết phóng sự 2 kỳ. Bài này đã đoạt giải thưởng báo chí Bộ Quốc phòng.

Đến hôm nay, tôi đã xuất bản 6 cuốn sách phóng sự, nhận được 38 giải thưởng báo chí các loại, trong lòng tôi vẫn luôn khắc ghi và tự hào Báo Khánh Hòa là thầy dạy, nâng đỡ sự nghiệp báo chí của mình.

Nhà báo Hải Luận

THÀNH NGUYỄN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202306/nha-bao-ke-chuyen-nghe-4801a36/