Nhà báo nổi tiếng nói Mỹ là thủ phạm phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream
Seymour Hersh, nhà báo điều tra từng đoạt giải Pulitzer, vừa tuyên bố rằng các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã bị Mỹ phá hủy vào tháng 9 năm ngoái trong một hoạt động bí mật.
Theo đài RT, phóng viên huyền thoại người Mỹ này đã đưa ra tiết lộ gây chấn động trên trong một bài báo đăng trên blog mới ra mắt của ông trên Substack ngày 8/2.
Ông Hersh trích dẫn một nguồn tin nắm trực tiếp về kế hoạch hoạt động và nói rằng chất nổ đã được các thợ lặn Hải quân Mỹ đặt tại các đường ống dẫn khí đốt vào tháng 6/2022 dưới vỏ bọc của cuộc tập trận BALTOPS 22 của NATO.
Nhà báo này cho biết ông đã đến Nhà Trắng và Cục Tình báo Trung ương Mỹ để đề nghị bình luận, nhưng cả hai đều kiên quyết bác bỏ, nói tuyên bố là “hoàn toàn sai sự thật”.
Ba tháng sau, quả bom được kích nổ vào ngày 26/9/2022 bằng một tín hiệu từ xa do một phao định vị thủy âm gửi. Theo báo cáo, chiếc phao đã được máy bay giám sát P8 của Hải quân Na Uy thả xuống gần đường ống Nord Stream.
Trước đó, ngày 26/9/2022, công ty vận hành Nord Stream 2 AG đã báo cáo về tình trạng sụt giảm áp suất mạnh đột ngột xảy ra tại một đường ống thuộc tuyến Nord Stream 2 dân khí đốt từ Nga sang châu Âu, nơi chứa đầy khí kỹ thuật trong quá trình xây dựng.
Tiếp đến, nhà điều hành Nord Stream 1 cũng phát hiện tình trạng tương tự trên cả hai đường ống thuộc tuyến này. Mặc dù, Nord Stream 1 ngừng hoạt động từ cuối tháng 8, nhưng đã được nạp đầy khí đốt.
Theo người phát ngôn Cơ quan Hàng hải Thụy Điển, ba vị trí xảy ra rò rỉ nói trên rất gần nhau và nằm ở vùng biển phía Đông Bắc của đảo Bornholm thuộc Đan Mạch. Tiếp đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã phát hiện vết rò rỉ thứ 4 trên tuyến đường ống này.
Hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 là công trình do tập đoàn Gazprom của Nga khai thác, vận chuyển khí đốt từ Nga vào Đức.
Xung quanh thời điểm rò rỉ khí đốt, các nhà địa chấn học phát hiện ra hai vụ nổ mạnh vào ngày 26/9. Một vụ nổ trong số đó có độ lớn 2,3 đã được hàng chục trạm giám sát ở miền nam Thụy Điển phát hiện.
Phát hiện này làm dấy lên nghi vấn sự cố rò rỉ Nord Stream là do hành vi phá hoại. Mỹ, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đều coi vụ việc là hành vi phá hoại có chủ đích. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ phá hoại chưa từng có đối với hệ thống đường ống này là “hành động khủng bố quốc tế”. Do các vụ tấn công dưới nước khó phát hiện hơn nên các bên chưa thể xác nhận nghi phạm trong vụ việc.
Mỹ và phương Tây suy luận rằng trong số các nghi phạm đứng sau hành động phá hoại Nord Stream, Nga có khả năng thực hiện nhất, bởi điều này phù hợp với ý định của Điện Kremlin nhằm cho thấy sự mong manh của nguồn cung năng lượng châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã chỉ trích những cáo buộc trên là “ngớ ngẩn”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh vụ rò rỉ đường ống này là vấn đề lớn đối với Nga, đồng thời kêu gọi các bên suy nghĩ trước khi đưa ra tuyên bố và chờ kết quả điều tra.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ là bên hưởng lợi nhất từ vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream, chứ không phải Nga hay EU.
Theo hãng thông tấn TASS, ông Douglas Macgregor - cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump - cho rằng Mỹ và Anh có thể đứng sau các vụ nổ liên quan đến đường ống khí đốt Nord Stream.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phủ nhận Mỹ hay các nước thành viên NATO có hành động phá hoại Nord Stream. Dù vậy, ông thừa nhận sự cố này giúp Mỹ thúc đẩy xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, cũng như là cơ hội để EU chấm dứt phụ thuộc khí đốt Nga.
Hiện chưa rõ bên nào là thủ phạm, nhưng vụ việc đã gây bất an về an ninh năng lượng tại châu Âu ở thời điểm nguồn cung hạn hẹp trước mùa đông.
Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) là một cặp đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ngoài khơi ở châu Âu chạy dưới Biển Baltic từ Nga tới Đức. Hệ thống gồm đường ống Nord Stream 1 chạy từ Vyborg ở tây bắc Nga, gần Phần Lan và đường ống Nord Stream 2 chạy từ Ust-Luga ở tây bắc Nga gần Estonia. Cả hai đường ống đều chạy đến Lubmin ở bang Mecklenburg-Vorpommern, miền đông bắc Đức. Mỗi tuyến gồm hai đường ống, ký hiệu là A và B, mỗi đường ống dài khoảng 1.200 km và có đường kính xấp xỉ 1.220 mm. Tổng công suất kết hợp của bốn đường ống là 110 triệu mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm.
Seymour Myron Hersh sinh ngày 8/4/1937, tại Chicago, bang Illinois, trong một gia đình người Do Thái di cư sang Mỹ. Ông là phóng viên kì cựu chuyên về thể loại phóng sự điều tra, từng làm việc cho các tờ báo, tạp chí tên tuổi như AP, The New York Times, Times…. Hơn 50 năm làm báo, Hersh đã xác lập được phong cách riêng biệt, thường được gọi là nhà báo “đối lập” với chính quyền Mỹ. Ông là nhà báo Mỹ đã lật tẩy vụ thảm sát Mỹ Lai và còn nổi tiếng với các loạt bài phanh phui hoạt động mờ ám của CIA tại Chile (1974), hành vi ngược đãi tù nhân của lính Mỹ tại nhà tù Abu Ghraib (2004), bằng chứng ngụy tạo của Mỹ về “vũ khí hủy diệt hàng loạt” ở Iraq (2007)…