Nhà báo phải xin phép bị cáo, luật sư, bị hại… để ghi âm, ghi hình: Quá phiền phức và rắc rối

Việc xin phép để được ghi âm, ghi hình không chỉ gây khó khăn cho việc tác nghiệp của phóng viên, nhà báo mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề, kéo dài thời gian phiên xử.

Theo nghị trình của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ bấm nút thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vào sáng 24-6, sau khi cho ý kiến tại hội trường vào hôm qua (28-5).

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi là quy định về việc ghi âm, ghi hình tại tòa. Cơ bản các đại biểu đều thống nhất việc quy định chặt chẽ về hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là điều cần thiết.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng nhận định rằng, đối với báo chí thì quy định này cần cởi mở hơn, bởi đây là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin chắc chắn sẽ có sự chuyên nghiệp và tính khách quan hơn. Nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp, sử dụng file ghi âm, ghi hình thì cơ quan báo chí chịu trách nhiệm…

 Các phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa hình sự tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa hình sự tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phát sinh nhiều trường hợp có thể kéo dài phiên xử

Trao đổi với PLO, luật sư (LS) Lê Doãn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) nêu quan điểm: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định việc ghi âm HĐXX thì phải xin phép chủ tọa, còn ghi âm người tiến hành tố tụng khác (như kiểm sát viên), người tham gia phiên tòa (bị cáo, bị hại…), phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp (tức là xin phép 2 lần).

Việc quy định như vậy rõ ràng là tạo nên rào cản khi báo chí thực hiện tác nghiệp. Bởi nếu không cho nhà báo ghi âm thì không đảm bảo 100% được tính đúng sai của thông tin đưa lên mặt báo, cũng như không có căn cứ chứng minh khi rủi ro thông tin xảy ra. Điều này không chỉ gây khó cho báo chí mà còn có thể tạo hệ lụy xấu về mặt thông tin khi truyền tải tới công chúng (trường hợp đưa tin thiếu chính xác).

Đáng chú ý, LS Tuấn nói nếu quy định này của dự thảo được thông qua còn dẫn đến nhiều tình huống rắc rối sẽ phát sinh trên thực tế.

Cụ thể, trường hợp xin phép ghi âm, ghi hình bị cáo, nếu bị cáo đồng ý, chủ tọa không đồng ý và ngược lại thì sao?

Đối với những đại án, những vụ có bị cáo, bị hại, người liên quan… đông (có thể lên tới cả trăm người) và có rất nhiều cơ quan báo chí đến tác nghiệp, nếu bị cáo cho báo A ghi âm, chụp hình còn báo B không cho thì sẽ xử lý như thế nào. Trong 100 bị cáo, chỉ có 50 bị cáo đồng ý cho ghi âm thì việc cho cơ quan báo chí ra vào để ghi âm sẽ thế nào, kiểm soát phần ghi âm giữa bị cáo này và bị cáo khác được thực hiện ra sao?...

"Có thể thấy, việc này sẽ khiến phiên tòa kéo dài thêm rất nhiều thời gian", LS Tuấn nói.

Cạnh đó, theo LS, thủ tục ghi nhận sự đồng ý cho ghi âm, ghi hình cũng chưa được quy định, phải được thể hiện bằng văn bản hay lời nói, ở giai đoạn nào. Vì có thể sẽ xảy ra trường hợp tại tòa bị cáo cho ghi âm, ghi hình nhưng sau này lại phủ nhận.

Đã xử công khai thì thông tin tại tòa cần minh bạch

Còn theo LS Nguyễn Hữu Tiếng (Đoàn LS TP.HCM), Điều 25 của Hiến pháp 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật báo chí 2016 quy định một trong các quyền của nhà báo là được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp…

Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Điều 25) quy định tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Vì vậy, theo LS Tiếng, khi đã xét xử công khai thì thông tin tại phiên tòa bao gồm hình ảnh, lời nói cũng là công khai và báo chí có quyền và nghĩa vụ truyền tải đến công chúng những thông tin này. Tại phiên tòa, việc ghi âm phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Việc dự thảo quy định ghi âm HĐXX thì phải xin phép chủ tọa; ghi âm người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa là không trái với các quy định pháp luật hiện hành khác. Tuy nhiên, quy định này là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Đồng nghĩa, quyền và phạm vi tác nghiệp của nhà báo cũng sẽ bị ảnh hưởng vì không được khai thác thông tin một cách tối đa đến công chúng.

Thực tế tác nghiệp của nhà báo tại các phiên tòa xét xử các vụ đại án hoặc những vụ án có số lượng người tham dự lớn gần đây (phiên tòa hình sự) thì chủ tọa phiên tòa thường chỉ cho nhà báo vào phòng xử chụp hình, ghi hình trong khoảng 10-15 phút đầu giờ.

Sau đó, nhà báo sẽ được bố trí khu vực tác nghiệp riêng để theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình tivi. Việc ghi âm, ghi hình qua màn hình vẫn được thực hiện bình thường. Với cách làm đó, rất nhiều phiên tòa xét xử các vụ đại án đã được thông tin chính xác, đầy đủ.

Từ đây, LS Tiếng cho rằng không nên quy định như dự thảo mà nên giữ nguyên như quy định của các bộ luật tố tụng hiện hành.

Đồng thời nếu nhà báo, các cơ quan báo chí sử dụng bản ghi âm, ghi hình phiên tòa sai mục đích thì cơ quan chức năng, mọi người hoàn toàn có thể yêu cầu xử lý nhà báo, cơ quan báo chí theo quy định. Quyền, nghĩa vụ của nhà báo đã được quy định rất rõ trong Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Luật hiện hành quy định ra sao?

ThS Đinh Văn Đoàn, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết nhà báo được quyền tham dự phiên tòa xét xử công khai để đưa tin về diễn biến phiên tòa. Việc đưa tin của nhà báo trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm cho những người không có mặt tại phiên tòa vẫn có thể theo dõi, nắm bắt về hoạt động xét xử của tòa án, giám sát hoạt động xét xử của tòa án, đồng thời đảm bảo việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân.

Về nguyên tắc, dù là ai, khi đã có mặt tại phiên xử phải tuân theo nội quy phiên tòa, theo sự điều hành của chủ tọa. Tuy nhiên, khác với Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015 đã có quy định cụ thể với nhà báo, thì Điều 327 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (về nội quy phiên tòa) chưa có quy định riêng để điều chỉnh về hoạt động tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa của nhà báo.

Khi tham dự phiên tòa hình sự, việc nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX và của những người tham gia tố tụng có phải xin phép và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, cũng như những người tham gia tố tụng hay không chưa được quy định.

Tuy nhiên, tại điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh xử phạt VPHC đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có quy định xử phạt đối với đối với hành vi “không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.

Nói thêm, LS Lê Doãn Tuấn cho biết quá trình tham gia bào chữa, bảo vệ tại tòa thường hiện nay cho thấy, các nhà báo làm thủ tục tác nghiệp tại tòa thì tại phần khai mạc phiên tòa, giải thích quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, bị hại,… chủ tọa sẽ thông báo nếu không cho nhà báo ghi âm, ghi hình.

Còn nếu nhà báo đã thực hiện thủ tục để tác nghiệp mà chủ tọa không nói gì thì mặc nhiên nhà báo được tác nghiệp, ghi âm, ghi hình bình thường.

CHÂU YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-bao-phai-xin-phep-bi-cao-luat-su-bi-hai-de-ghi-am-ghi-hinh-qua-phien-phuc-va-rac-roi-post793047.html