Nhà báo Trần Mai Hưởng truyền 'lửa nghề' bằng Hồi ký phóng viên chiến trường

Cuốn 'Hồi ký phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình' của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam ghi lại những khoảnh khắc dấn thân đầy nguy hiểm của phóng viên chiến trường thời chiến tranh.

Nhà báo Trần Mai Hưởng truyền ‘lửa nghề’ bằng Hồi ký phóng viên chiến trường

Nhà báo Trần Mai Hưởng truyền ‘lửa nghề’ bằng Hồi ký phóng viên chiến trường

Nghề báo là một nghề thực sự nguy hiểm, đặc biệt là đối với các phóng viên chiến trường, những người phải lăn lộn ở những nơi có tiếng súng, tiếng bom nhằm cung cấp đến cho độc giả những dòng tin, hình ảnh về những gì đang xảy ra ở vùng chiến sự ác liệt. Họ thực sự ở giữa lằn sinh tử trước mũi tên hòn đạn.

Cuốn Hồi ký phóng viên chiến trường dày 468 trang, có 11 phần, được Nhà xuất bản Thông tấn, thương hiệu sách Sống/Công ty Cổ phần Sách Alpha Books phối hợp xuất bản, được phát hành trên toàn quốc.

Cuốn Hồi ký phóng viên chiến trường dày 468 trang, có 11 phần, được Nhà xuất bản Thông tấn, thương hiệu sách Sống/Công ty Cổ phần Sách Alpha Books phối hợp xuất bản, được phát hành trên toàn quốc.

Qua cuốn sách "Hồi ký phóng viên chiến trường" của tác giả, nhà báo Trần Mai Hưởng, có thể nói, hình ảnh chia ly do chiến tranh đã xuất hiện ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách do tác giả phải đi sơ tán từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi, phải sống xa gia đình. Tiếng còi báo động khi máy bay Mỹ đến cũng là ký ức khó quên gắn với tuổi thơ của tác giả.

Trong cuốn sách, độc giả như bị cuốn vào những trải nghiệm của một phóng viên chiến trường trong việc kịp thời đưa tin, bài, ảnh đến với độc giả, hiểu được phần nào cảm giác của một phóng viên đứng giữa sự sống và cái chết. Giữa những hy sinh, gian khổ ấy, hình ảnh chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta được tác giả Trần Mai Hưởng khắc họa rõ nét. Tác giả nằm trong số những phóng viên có mặt ở tuyến đầu khi Quảng Trị vừa được giải phóng trong chiến dịch tổng tiến công 1972, là người tận mắt chứng kiến, ghi chép lại những khoảnh khắc trao trả tù binh giữa hai bên và niềm vui vỡ òa khi những chiến sĩ của ta bị tù đày gặp lại người thân tại Thạch Hãn, Quảng Trị sau khi hiệp định Paris ký kết đầu năm 1973.

Tác giả Trần Mai Hưởng ký tặng độc giả trong buổi lễ ra mắt cuốn sách Hồi ký Phóng Viên chiến trường.

Tác giả Trần Mai Hưởng ký tặng độc giả trong buổi lễ ra mắt cuốn sách Hồi ký Phóng Viên chiến trường.

Mùa Xuân 1975, tác giả là người có mặt ngay trong buổi sáng đầu tiên khi Thừa Thiên - Huế được giải phóng, kịp thời chuyển tải tin bài về không khí ngày hội của thành phố này. Tác giả cũng có mặt ở Đà Nẵng sau khi thành phố này được giải phóng để kịp thời đưa tin trong một hành trình đầy gian nan trên chiếc xe máy. Và điều đáng nhớ nhất là tác giả kịp thời có mặt tại Dinh Độc Lập để kịp thời ghi lại khoảnh khắc "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975". Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà với tác giả "là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo" của mình. Không khí vui tươi, phấn khởi của người dân Sài Gòn khi thành phố được giải phóng hoàn toàn hiện lên thật sinh động, đa dạng dưới ngòi bút của tác giả.

Bằng ngòi bút sắc sảo, sống động và cũng không kém phần lãng mạn "Hồi ký phóng viên chiến trường" không chỉ có giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo chúng ta nói riêng".

Hồng Thủy

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nha-bao-tran-mai-huong-truyen-lua-nghe-bang-hoi-ky-phong-vien-chien-truong-172231207173115085.htm