Nhà

Bạn từ phố về quê chơi. Suốt đêm đầu tiên, tôi nghe tiếng bạn trở mình, lục đục đi ra, đi vào. Sáng dậy, mắt bạn đỏ kè, ngồi uống cà phê còn ngâm nga câu: 'Thức đêm mới biết đêm dài'.

Hỏi nguyên nhân khó ngủ thì bạn trả lời: Ở quê yên tĩnh quá, yên tĩnh đến độ nghe rõ từng tiếng gió loạt soạt lùa qua vườn cây hay tiếng chim đêm quang quác, tiếng côn trùng kêu rỉ rả, tiếng ếch nhái uôm oam.

Nghe bạn nói tôi mới để ý, thì ra ban đêm ở quê nhiều âm thanh thật. Vậy nhưng sống lâu thành quen. Ngủ thì cứ thế ngủ thôi, đâu ai bận tâm làm gì. Tôi rủ bạn ở chơi lâu rồi sẽ quen nhưng ráng lắm bạn cũng chỉ ở thêm được 2 hôm rồi dứt khoát đòi về.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Đến lượt tôi lên phố thăm bạn. Ông bạn “đại gia” ý tứ chuẩn bị cho tôi riêng một phòng đầy đủ tiện nghi kèm lời cam kết: “Ngủ không ngon sẽ trả tiền”. Tôi hí hửng: “Phen này chắc ngủ ngon”. Nhưng ngay đêm đầu tiên, đến 1 giờ sáng mà mắt tôi cứ mở chong chong. Cái giường nệm bồng bềnh, lạ lẫm, chông chênh; cộng thêm tiếng máy lạnh rì rì… Tôi nhớ những thanh âm quen thuộc: tiếng gió loạt soạt lùa qua cây lá, tiếng chim đêm quang quác, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái uôm oam… Hóa ra, thứ tôi cần lúc này lại chính là những thanh âm đã làm bạn tôi mất ngủ hôm nào. Tôi nhớ nhà!

Vậy mới thấy, mẹ tôi là người có lập trường khá “kiên định”. Con cái ra riêng, có nhà cửa đàng hoàng, nài nỉ mẹ về ở chung để phụng dưỡng sớm hôm nhưng bà thẳng thừng: “Nhà tao, tao ở”. Khổ, mẹ đã ngoài 80, lại thường xuyên ốm đau. Còn nhà? Ngôi nhà cũ 3 gian 2 chái xây từ những năm 50 của thế kỷ trước giờ trông xập xệ, ẩm mốc, tối tăm.

Vậy nhưng, trong mắt mẹ tôi, nhà mình vẫn là nhất! Có lần cô em họ tôi tới nhà chơi, lỡ buột miệng so sánh ngôi nhà mới xây cao ráo thoáng mát của tôi với nhà cũ của mẹ; hàm ý chê nhà cũ thấp, tối! Mẹ tôi vô tình nghe thấy liền “nộ khí xung thiên”, mắng cô cháu một trận tơi bời khiến tôi cũng phát hoảng.

Mãi đến sau này, tôi mới hiểu hết ý nghĩa phong phú, hình tượng của từ “home” trong tiếng Anh. “Home” là “nhà”; mà cũng là “quê nhà”, “quê hương” nhưng không phải cái quê hương thực thể theo kiểu từ “country” (quê hương, xứ sở). Để hiểu trọn vẹn từ “home” phải cần đến con tim; không thể chỉ giản đơn bằng lý trí thông thường.

Tiếng Việt của ta cũng vậy, cũng phong phú không kém. Thay vì nói “vợ tôi”, “chồng tôi”, người Việt nói “nhà tôi”. Rõ ràng, từ “nhà” ở đây không phải chỉ cái nhà với cột kèo, rường mái mà mang ý nghĩa bao hàm một cái gì đó gần gũi nhất, thân thương nhất, gắn bó cùng đại từ nhân xưng “tôi” không thể tách lìa.

Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ: “Nhà là gì?/Nhà chẳng là gì cả/Sao quá buồn khi lên xe hoa”. Những câu thơ mộc mạc mà đầy ám ảnh. Ai ngờ đâu, cái có lúc tưởng chẳng là gì đến khi sắp lìa xa mới biết là tất cả. Nó vô hình đến vĩ đại, vô tướng đến bao la.

Căn nhà của mẹ tôi dẫu không có những tiện nghi như của một lâu đài nhưng chắc chắn mẹ không đời nào chịu đến ở lâu đài; bởi trong tâm tưởng, ngôi nhà của mẹ sánh bằng cả một… thế giới. Mẹ thuộc về thế giới ấy; cũng như bạn tôi thuộc về thế giới máy lạnh, nhà tầng, ồn ào phố xá; còn tôi thuộc về thế giới có tiếng gió loạt soạt lùa qua vườn cây và tiếng chim đêm quang quác, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ếch nhái uôm oam…

Y NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nha-post290509.html