Nhà, đất công không sử dụng - những điều trông thấy mà canh cánh lòng: Bài 1- Nhiều công trình 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

Trong những năm qua, các trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hóa… (nhà, đất công) đã được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng khang trang, hiện đại. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn quản lý, sử dụng nhà, đất công song bước đầu rà soát cho thấy vẫn còn ít nhất 782 cơ sở đang bị bỏ hoang, ít sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí kéo dài.

Lãng phí kéo dài

Khi về xã Thái Đào (Lạng Giang), chúng tôi được người dân phản ánh ngay cạnh trụ sở UBND xã và Trạm Y tế xã có trụ sở cũ của Đội Thuế xã Thái Đào thuộc Chi cục Thuế huyện Lạng Giang trước đây (nay là Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam) đã bỏ hoang, không duy tu, bảo dưỡng từ năm 2003 đến nay. Thoạt nhìn, không ai còn nhận ra nơi đây từng là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước một thời. Cửa ra vào không còn khóa, nhiều cây que, thùng chậu hỏng của người dân chắn ngang lối đi; mái nhà đã sập thủng thành từng mảng lớn, mặc cho mưa nắng xuyên qua. Xung quanh nhà, cây dại mọc um tùm... Nếu cứ đà này, vài năm nữa, căn nhà chắc sẽ chỉ còn là đống gạch ngói đổ nát.

 Trụ sở cũ của Đội Thuế xã Thái Đào, huyện Lạng Giang bỏ không từ năm 2003 đến nay, hiện đã xuống cấp.

Trụ sở cũ của Đội Thuế xã Thái Đào, huyện Lạng Giang bỏ không từ năm 2003 đến nay, hiện đã xuống cấp.

Trụ sở cũ của Đội Thuế xã Thái Đào được xây dựng từ năm 1990, kết cấu nhà cấp 4 tường gạch chắc chắn, khung gỗ 3 gian, mái ngói đất nung, rộng khoảng 40 m2; phía sau có khu đất trống, với tổng diện tích 254,4 m2. Ông Hà Mạnh Quân, quyền Chủ tịch UBND xã Thái Đào cho biết, tháng 7/2021, UBND xã đã có văn bản đề nghị cấp trên xem xét thanh lý tài sản và bàn giao đất tại trụ sở Đội Thuế để UBND xã quản lý sử dụng vào mục đích công cộng (làm vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã). “Không hiểu sao đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản hồi đáp về việc này; hằng ngày nhìn thấy trụ sở bỏ hoang, xuống cấp mà xót ruột”, ông Quân bày tỏ.

Ở huyện Lạng Giang còn có Phòng khám phân viện tại thị trấn Kép thuộc Bệnh viện huyện (nay là Trung tâm Y tế huyện) hiện chỉ còn là bức tường đổ nát; trụ sở Kho bạc Nhà nước huyện Lạng Giang cũ tại trung tâm thị trấn Vôi cũng bỏ hoang nhiều năm nay.

Tại huyện Tân Yên, trụ sở cũ của Tòa án nhân dân huyện ở tổ dân phố Chợ, thị trấn Cao Thượng không còn sử dụng từ năm 1994, khi trụ sở làm việc được chuyển ra vị trí khác. Nhiều người dân địa phương phản ánh, trụ sở này bị bỏ không từ khi còn là những dãy nhà ngói đỏ chắc chắn, sử dụng tốt. Nhưng qua 30 năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” thì đến nay, trụ sở cũ của Tòa án nhân dân huyện Tân Yên đã dần trút mái, nhiều bức tường bị đổ, trông rất xập xệ; cây thân gỗ mọc trên nền gạch nay đã cao hơn nóc nhà. Cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đã nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chủ quản ở T.Ư song nay vẫn chưa giải quyết được. Bà Thân Thị Cõn, một người dân ở thị trấn Cao Thượng bức xúc: “Tài sản công của Nhà nước nhiều năm không dùng vào việc gì, bị hủy hoại dưới mưa nắng dẫn tới lãng phí. Không những vậy, nơi đây còn là địa điểm “lý tưởng” để chuột bọ trú ngụ hoặc các đối tượng xấu tụ tập tiêm chích ma túy, gây mất an ninh trật tự”.

Ở huyện Tân Yên còn nhiều nhà, đất công đã bỏ hoang cách đây trên 10 năm, như trụ sở cũ của UBND xã An Dương; Trường Tiểu học Hợp Đức tại thôn Hòa Mục...

Tại huyện Yên Dũng có Trường Mầm non Chim Phượng, tổ dân phố 4, thị trấn Nham Biền không sử dụng từ năm 2013; tại huyện Yên Thế, trụ sở của UBND và Trạm Y tế thị trấn Cầu Gồ cũ và một số nhà, đất công khác ở thị trấn Bố Hạ cũng đang “ngủ vùi” từ nhiều năm nay.

Trên địa bàn TP Bắc Giang có nhiều công trình bị bỏ không trong thời gian dài như: Trụ sở Hạt Giao thông Bắc Giang cũ tại 165, đường Xương Giang, phường Ngô Quyền; nhà kho của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh tại phường Lê Lợi; Trường Mầm non khu dân cư tổ dân phố Giáp Hải, phường Dĩnh Kế; trụ sở cũ của Đài Phát thanh - Truyền hình, Sở Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh…, tất cả những trụ sở này đều bị xuống cấp nghiêm trọng.

Sử dụng khi chưa được phép của cơ quan chức năng

Theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND tỉnh khóa XIX về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất trên địa bàn tỉnh cho thấy, số lượng cơ sở nhà, đất công không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, ít sử dụng còn khá nhiều, tối thiểu là 782 tài sản/6.145 tài sản công là nhà, đất, chiếm 12,72% (bởi các địa phương, đơn vị chưa thống kê hết- PV). Đặc biệt, một số nhà, đất công hiện cho người dân thuê, mượn để ở và kinh doanh khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

 Trường Mầm non Nghĩa Trung cũ (điểm lẻ thôn Tĩnh Lộc), thị xã Việt Yên không sử dụng từ nhiều năm nay, hiện cho một người dân mượn để ở và làm xưởng sản xuất.

Trường Mầm non Nghĩa Trung cũ (điểm lẻ thôn Tĩnh Lộc), thị xã Việt Yên không sử dụng từ nhiều năm nay, hiện cho một người dân mượn để ở và làm xưởng sản xuất.

Tại xã Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên), Trường Mầm non Nghĩa Trung cũ (điểm trường thôn Tĩnh Lộc) được xây dựng kiên cố 2 tầng từ năm 1997, với 6 lớp học, tổng diện tích cả sân, nhà là 368 m2. Đến năm 2019, giáo viên, học sinh chuyển về địa điểm mới. Khoảng 2 năm sau, một hộ dân trong thôn xin ở nhờ và làm xưởng sản xuất từ đó đến nay. Hộ dân này đã cải tạo, quây tôn kín toàn bộ tường bao, mái che nên nhìn bên ngoài vào không thể nhận ra đây là ngôi trường năm xưa. “Chúng tôi đang có dự định đề xuất UBND thị xã cho chuyển mục đích sử dụng diện tích đất trên sang làm khuôn viên cây xanh, vui chơi, thể dục, thể thao hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất để nộp ngân sách nhà nước”, ông Thân Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung nói.

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh cho thấy, số nhà, đất công không sử dụng khá lớn, đứng đầu là huyện Sơn Động với 206 tài sản; Lục Ngạn: 134 tài sản; Yên Thế: 94 tài sản; Hiệp Hòa: 66 tài sản; Tân Yên: 62 tài sản và Sở Y tế có 20 tài sản… Những nhà đất công này chủ yếu là trụ sở cơ quan cũ, khu tập thể, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, điểm lẻ của các trường học…

Trên địa bàn huyện Lục Nam có trụ sở UBND xã Tiên Hưng cũ cũng cho người dân thuê 12 tháng (thuê một phần làm trung tâm dạy ngoại ngữ và xuất khẩu lao động); dãy nhà tập thể của Hạt Giao thông Bắc Giang cũ ở tổ dân phố Phương Lạn 6, thị trấn Phương Sơn đang cho người dân thuê, mượn vừa để ở, vừa để kinh doanh. Tại huyện Yên Dũng có nhà văn hóa thôn Hấn, xã Hương Gián cho người dân thuê 5 năm làm phòng khám răng; ở huyện Hiệp Hòa có sân vận động huyện đang cho thuê một phần, thời gian thuê 10 năm theo hợp đồng. Một số trung tâm y tế huyện như: Sơn Động, Hiệp Hòa, Lạng Giang, thị xã Việt Yên cho thuê mặt bằng làm dịch vụ trông xe, quầy hàng tạp hóa, nhà thuốc…

Không những vậy, một số cơ sở nhà, đất công được đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng không đạt mục tiêu, gây lãng phí, khiến người dân bức xúc. Cụ thể, chợ thôn Thượng, xã Cẩm Đàn (Sơn Động) được đầu tư 2,8 tỷ đồng, xây dựng xong từ năm 2014 nhưng vẫn chưa hoạt động, nay là chỗ vài hộ dân đỗ xe ô tô, chất củi…; Trung tâm Giống nấm, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng song từ năm 2020 đến nay không hoạt động; trụ sở Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang chi phí xây dựng gần 20 tỷ đồng nhưng làm xong để đấy, hiện đang có dấu hiệu xuống cấp…

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh cho thấy, số nhà, đất công không sử dụng khá lớn, đứng đầu là huyện Sơn Động với 206 tài sản; Lục Ngạn: 134 tài sản; Yên Thế: 94 tài sản; Hiệp Hòa: 66 tài sản; Tân Yên: 62 tài sản và Sở Y tế có 20 tài sản… Những nhà, đất công này chủ yếu là trụ sở cơ quan cũ, khu tập thể, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, các điểm lẻ của các trường học…

(Còn nữa)

Nhóm PV Nội chính

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nha-dat-cong-khong-su-dung-nhung-dieu-trong-thay-ma-canh-canh-long-bai-1-nhieu-cong-trinh-tro-gan-cung-tue-nguyet-075730.bbg