Nhà đất công sản bỏ hoang và 'khuất tất' sau những cuộc đấu giá cần được làm rõ!
Hàng loạt nhà đất công sản đã bỏ hoang nhiều năm trên các mảnh đất vàng của TP Lào Cai, thị xã Sa Pa có dấu hiệu bị mang ra 'bán rẻ' (tức là thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường) khiến dư luận không khỏi nghi ngờ sau mỗi cuộc đấu giá là những 'khuất tất' chưa được làm sáng tỏ.
Trụ sở bề thế của UBND tỉnh Lào Cai.
Sau khi sát nhập thị xã Lào Cao và thị xã Cam Đường để thành lập thành phố Lào Cai (tháng 11/2004); UBND tỉnh Lào Cai đã được Trung ương cho phép đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường. Tại đây, UBND tỉnh Lào Cai đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, công sở để bố trí làm việc cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.
Theo đó, Khu hành chính mới gồm các cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai, được xây dựng mới theo kiểu hợp khối liên cơ quan và nằm hai bên đại lộ Trần Hưng Đạo rộng 58m, dài 9km chạy dọc toàn bộ Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường rộng khoảng 2.350 ha.
Những trụ sở cơ quan nhà nước cũ thuộc cấp tỉnh (nhà công sản – đa phần nằm trên trục đường Hoàng Liên) được rời ra khu làm việc mới. UBND tỉnh Lào Cai sau đó đã giao cho Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính (đơn vị trực thuộc Sở Tài Chính tỉnh Lào Cai – thành lập năm 2006) quản lý, khai thác. Đơn vị này còn kiêm luôn việc quản lý, khai thác hệ thống trụ sở hợp khối Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường và quản lý quỹ đất công đô thị (tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Lào Cai).
Ông Ngô Đức Ảnh – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai thì luôn tỏ ra “hãnh diện” rằng: “Không ở đâu có hẳn một Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính để quản lý đất công, tài sản công như ở Lào Cai”?
Vậy việc quản lý, khai thác những trụ sở cũ được Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính thực hiện ra sao từ năm 2006 đến nay?
Trụ sở của Công ty CP vật tư nông nghiệp tổng hợp Lào Cai cũ bị bỏ hoang là nơi đỗ nhờ ô tô của người dân.
Trái ngược với sự "hãnh diện" của vị Giám đốc Sở Tài chính, khi con người cùng đồ đạc của các sở, ban ngành trong tỉnh Lào Cai rời đi, có những trụ sở cũ thì được cho thuê, có trụ sở đã được đem bán nhưng đa phần đều bị rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp rất nghiêm trọng. Điều này khiến bộ mặt đô thị Lào Cai trở lên nhếch nhác; hơn hết đó là sự lãng phí bởi Lào Cai còn đang là một tỉnh miền núi khó khăn, vẫn sống dựa vào ngân sách Trung ương.
Án ngữ tại số 49, phố Hoàng Liên (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai) là một trụ sở 2 tầng của Công ty CP vật tư nông nghiệp tổng hợp Lào Cai cũ. Nơi đây hiện tại cửa đóng, then cài với những ổ khóa đã rỉ sét. Những mảng sơn bong tróc nham nhở. Bên ngoài là nơi để nhiều người đỗ nhờ xe ô tô.
Chung số phận như trên, trụ sở cũ của Sở Công thương – số 151 phố Hoàng Liên (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai). Đây là một trụ sở được coi là bề thế cao 4 tầng có diện tích khoảng 1.300 m2 với mặt tiền rộng rãi nhưng đang là nơi làm sạp bán bánh trung thu. Bên trong là cảnh hoang tàn, vỡ nát, nhiều tấm biển của trụ sở cơ quan cũ còn chưa được tháo đi.
Trụ sở cũ bề thế của Sở Công thương tỉnh Lào Cai rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng sau bỏ hoang nhiều năm. Hiện trụ sở này đã được bán đấu giá nhưng đơn vị trúng đấu giá lại không hề triển khai dự án dẫn đến tình trạng nhếch nhác tại tuyến phố Hoàng Liên, TP Lào Cai.
Nằm giữa ngã tư phố Hoàng Liên giao với Lý Đạo Thành với hai mặt tiền vô cùng đắc địa là trụ sở của Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh (số 493 phố Hoàng Liên, phường Kim Tân, TP Lào Cai) cũng trong tình trạng cửa đóng then cài, cỏ dại mọc um tùm. Còn cách đó không xa, áp lưng vào tòa nhà của ngân hàng Sacombank là mảnh đất trống đang được quây tôn - trụ sở cũ của Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai (số 116 phố Lê Lai, phường Kim Tân, TP Lào Cai), diện tích khoảng hơn 700 m2.
Anh H – người dân sinh sống tại phường Cốc Lếu ngậm ngùi: “Đất vàng bỏ hoang đấy chú, tiếc thật. Anh nghĩ tỉnh phải có biện pháp gì chứ không để thế này rất bẩn thỉu, nhếch nhác qua nhiều năm rồi. Thấy bảo có vài nơi tỉnh cho bán rồi nhưng ở đây ai mà mua nổi, đất này trị giá cả hơn trăm triệu 1 mét đấy…?”.
Cùng với đó, tại địa chỉ 266 phố Hoàng Liên là trụ sở cũ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, địa chỉ số 186 đường Hoàng Liên là trụ sở cũ của Chi cục bảo vệ Thực vật tỉnh Lào Cai hiện cũng đang trong tình trạng 2 không: không bóng người, không sử dụng; mặc dù là trụ sở rộng rãi, thoáng đẹp, có vị trí đặc địa nhìn ra quảng trường thành phố Lào Cai.
Bên trong trụ sở cũ của Sở Công thương tỉnh Lào Cai là cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu.
Tại một tuyến phố khác của thành phố Lào Cai là phố Thanh Niên – tại địa chỉ số 121 là trụ sở cũ cao 4 tầng rộng hàng nghìn mét vuông của Trường cao đẳng Lào Cai với mặt tiền kéo dài hàng chục mét cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang. Sau cơn mưa, một cây thông bật gốc còn nằm chỏng chơ giữa sân trường.
Còn tại thị xã Sa Pa, khu vực Đài truyền thanh – truyền hình Sa Pa đã được rời đi nhưng trụ sở thì đang được sử dụng làm nhà máy nước. Nhà đất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Sa Pa cũ thì đã được Công ty CP đầu tư Lạc Hồng – Sa Pa mua đứt và đang cho xây dựng khách sạn nhưng cũng đang rơi vào tình cảnh trì trệ, sắt thép hoen rỉ nhiều tháng qua.
Trụ sở cũ của Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai rơi cỏ dại mọc um tùm sau nhiều năm bỏ hoang.
Theo ông Ngô Đức Ảnh – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho biết, hiện có 4 trụ sở cũ đã đấu giá tài sản và quyền thuê đất gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương. Theo đó, các trụ sở này đã thực hiện xong quy trình đấu giá, người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước. Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính thuộc Sở Tài Chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan bàn giao cho người trúng đấu giá quản lý, khai thác.
Vị Giám đốc Sở Tài chính còn “thổ lộ” với phóng viên: Đấu giá những trụ sở này rất khó khăn, chỉ có những đơn vị có tiền như các ngân hàng mới có tiền để mua. Ví như Sở Công thương là do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNN Chi nhánh Lào Cai 2 trúng đấu giá.
Ông Ảnh còn không ngừng “than phiền” về việc có những trụ sở hạ giá đến 3 lần mà vẫn chưa bán được do không có người đấu. Hay như Công ty TNHH TMTH Tiến Thành (chuyên buôn bán ô tô, xe máy) đã trúng đấu giá rồi nay còn đòi Giám đốc Sở Tài Chính cho trả lại nhà đất, xin lại tiền. Nhưng Giám đốc Sở Tài chính lại "nói ngược": Sắp tới lại tiếp tục bán (bán các trụ sở cũ - PV).
Trụ sở cũ của Chi cục bảo vệ Thực vật tỉnh Lào Cai bị bỏ hoang với ổ khóa bị rỉ sét sau nhiều năm mưa nắng.
Vậy những trụ sở cũ – nhà đất công sản được bán ra sao? Giá cả được xác định như thế nào?
Theo ông Ngô Đức Ảnh cho biết, việc bán những trụ sở cũ hay đất công đều được đem ra bán dưới hình thức đấu giá, công khai.
Về việc thẩm định giá: Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính được Hội đồng xác định giá của tỉnh (do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng) thuê làm nhiệm vụ tư vấn xác định giá trị tài sản gắn với giá trị quyền sử dụng đất (hoặc quyền thuê đất). Việc xác định giá trị các trụ sở cũ theo yêu cầu của Hội đồng được thực hiện theo nguyên tắc và phương pháp xác định giá trị tước tính của tài sản: mục đích, thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Ông Ảnh cho biết thêm: Giá đất sẽ được tính bằng 80% giá của thị trường.
Khu đất trống của Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai cũ vấn chưa có bất kỳ động thái triển khai nào từ đơn vị trúng đấu giá.
Qua dư luận phản ánh, việc xác định giá của các trụ sở cũ để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đấu giá lại không phù hợp với giá đất theo thị trường. Cụ thể, theo người dân khu vực tuyến phố Hoàng Liên - một tuyến phố sầm uất bậc nhất thành phố Lào Cai cho biết, đối với giá đất tại đây luôn ở mức cao từ 80 đến 150 triệu đồng/1m2 tùy từng vị trí suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, các nhà đất công sản chỉ được xác định giá vào khoảng 17 triệu đồng/1m2 như trụ sở cũ của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tỉnh diện tích gần 2.000 m2. Cuối năm 2016, UBND Lào Cai đã đem bán lại cho doanh nghiệp là Công ty TNHH TMTH Tiến Thành sử dụng trong 50 năm.
Vào tháng 12/2019, khu đất của Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai cũ cũng được đem bán với giá khoảng 28,5 triệu đồng/m2, sử dụng 50 năm. Sở Công thương Lào Cai cũ được bán khoảng tháng 6/2019 với giá hơn 36 tỉ đồng, sử dụng 50 năm…
Còn khu nhà đất của Đài truyền thanh – truyền hình thị xã Sa Pa cũ đã được đại gia Minh “nhựa” thâu tóm.
Khu đất Đài truyền thanh - truyền hình Sa Pa cũ (bên trái) và khu đất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Sa Pa cũ bị dư luận phản ánh là rơi vào tay tư nhân với giá rẻ mạt.
Với những mức giá thị trường lên tới cả trăm triệu đồng nhưng việc xác định giá lại thấp hơn nhiều lần, liệu rằng có phải Sở Tài Chính tỉnh Lào Cai đang tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai bán với giá “rẻ mạt”? Dư luận cũng đặt câu hỏi những cuộc đấu giá có thật sự công khai, minh bạch hay có nhiều khuất tất cần được làm rõ?
Trong buổi làm việc với Giám đốc Sở Tài chính cùng một số cán bộ của Sở này, phóng viên đề nghị đơn vị này cung cấp các hồ sơ liên quan đến việc xác định giá bán các trụ sở cũ, danh sách các đơn vị trúng đấu giá, hồ sơ đấu giá… nhưng ông Ảnh và cán bộ luôn tìm cách lảng tránh, từ chối.
Tiếp đó, phóng viên cũng đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về sự việc trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.