Nhà đầu cơ rút lui, thị trường đồng hồ còn lại gì?

Giới đầu cơ rút lui khỏi thị trường thứ cấp, dẫn đến tình trạng dư thừa hàng tồn kho, khiến giá giảm và gây khó khăn cho các thương hiệu đồng hồ cao cấp.

 Thị trường đồng hồ xa xỉ từng là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư. Ảnh minh họa: Luxury Bazaar.

Thị trường đồng hồ xa xỉ từng là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư. Ảnh minh họa: Luxury Bazaar.

Thị trường đồng hồ xa xỉ đang trải qua giai đoạn ảm đạm, một trong những chỉ báo đáng chú ý nhất là sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường thứ cấp.

Trong quý vừa qua, các công ty xa xỉ hàng đầu châu Âu đều ghi nhận sự sụt giảm doanh số đáng kể trong mảng đồng hồ. Richemont, chủ sở hữu của Cartier và Vacheron Constantin, báo cáo doanh số đồng hồ chuyên dụng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. LVMH và Hermès cũng công bố sự sụt giảm tương ứng là 4% và 4,9% trong cùng kỳ, The Wall Street Journal đưa tin.

Thị trường nguội lạnh

Theo ước tính từ Watch Charts, mỗi năm có khoảng 50 tỷ USD đồng hồ xa xỉ mới được bán ra, và thêm 25 tỷ USD được giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Đối với ngành hàng xa xỉ nói chung, doanh số bán hàng đã qua sử dụng chỉ chiếm 12% so với thị trường sơ cấp trong năm 2023, theo công ty tư vấn Bain & Co.

Đồng hồ có xu hướng giữ giá tốt hơn so với các loại sản phẩm xa xỉ khác, các trang web như Watch Finder đã giúp giao dịch bán lại dễ dàng và minh bạch hơn.

Tuy nhiên, bức tranh thị trường hiện tại không mấy khả quan khi các thương hiệu đồng hồ cao cấp đang đối mặt với sự sụt giảm từ hai nhóm khách hàng chủ chốt.

Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ như đồng hồ, thay vào đó, họ ưu tiên trải nghiệm du lịch và các hoạt động giải trí khác. Giới đầu cơ cũng đang rút lui.

 Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giới đầu cơ rút lui, khiến thị trường thứ cấp ảm đạm. Ảnh minh họa: Swiss Watch expo.

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giới đầu cơ rút lui, khiến thị trường thứ cấp ảm đạm. Ảnh minh họa: Swiss Watch expo.

Trong một thời gian, đồng hồ xa xỉ được coi là một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn. Theo Charles Tian, người sáng lập Watch Charts, nhiều "crypto bros" (những nhà đầu tư tiền điện tử) đã tìm đến đồng hồ xa xỉ như một cách để đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Đặc biệt, những mẫu đồng hồ hiếm có, khan hiếm luôn được giới sưu tập săn đón, sẵn sàng trả mức giá cao để sở hữu ngay lập tức thay vì phải chờ đợi trong danh sách dài của các thương hiệu.

Tháng 3/2022, thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt đồng hồ xa xỉ, chiếc Rolex Daytona từng ghi nhận mức giá bán lại trên thị trường thứ cấp lên tới 47.000 USD, gấp hơn 3 lần so với giá gốc 14.550 USD, theo dữ liệu từ Watch Charts.

Rolex Daytona hiện vẫn có giá bán lại cao hơn giá gốc do thương hiệu kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng lợi nhuận từ việc mua đi bán lại đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 43%.

Khó khăn chồng chất

Giới đầu cơ không còn mặn mà với thị trường này vì lo ngại hàng tồn kho ứ đọng. Thực tế, lượng đồng hồ tồn trên các sàn giao dịch trực tuyến đã tăng mạnh.

Nếu như năm 2021, một chiếc Rolex chỉ mất chưa đầy 3 tuần để tìm được chủ mới, thì nay thời gian chờ đợi đã kéo dài tới hơn 3 tháng. Với những thương hiệu cao cấp như Patek Philippe, tình hình còn ảm đạm hơn khi thời gian bán trung bình lên tới nửa năm.

 Người mua thận trọng hơn, giá bán lại giảm, nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Ảnh minh họa: Watch Collectors.

Người mua thận trọng hơn, giá bán lại giảm, nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Ảnh minh họa: Watch Collectors.

Hiện các tín đồ đồng hồ xa xỉ không còn phải cạnh tranh với giới đầu cơ để sở hữu những cỗ máy thời gian hiếm. Dù vẫn có một số mẫu phải chờ đợi, nhưng thời gian chờ đã được rút ngắn đáng kể.

Các thương hiệu danh tiếng như Patek Philippe, với lượng đơn đặt hàng tồn đọng lớn, có thể tạm thời dựa vào danh sách khách hàng đang chờ mua đồng hồ để duy trì doanh số trong giai đoạn khó khăn này. Trong khi đó, triển vọng đối với các nhà sản xuất đồng hồ ít được ưa chuộng hơn như TAG Heuer và Hublot thuộc sở hữu của LVMH lại không mấy khả quan.

Giới mộ điệu đồng hồ luôn theo sát diễn biến thị trường, đặc biệt là khả năng giữ giá của từng mẫu. Họ thận trọng hơn trong việc chi tiền cho những chiếc đồng hồ đang mất giá trên thị trường thứ cấp.

Việc giá đồng hồ liên tục giảm trong 9 quý liên tiếp trên các sàn giao dịch trực tuyến sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu, đồng thời khiến các thương hiệu cao cấp khó lòng tăng giá bán.

Cho đến khi thị trường bán lại ổn định, các thương hiệu đồng hồ xa xỉ sẽ còn gặp khó khăn.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nha-dau-co-rut-lui-thi-truong-dong-ho-con-lai-gi-post1494950.html