Nhà đầu tư bán tháo vì lo ngại biến thể Delta, chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều
Cả Dow Jones và S&P 500 cùng đảo chiều đi xuống ở cuối phiên, khi lo ngại về biến thể Delta và tăng trưởng kinh tế chững lại lấn át báo cáo lợi nhuận tích cực của các công ty.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/8, chỉ số Dow Jones mất 97,31 điểm, khoảng 0,28%, về mức 34.831,16 điểm. Dow Jones đã chạm mức cao kỷ lục mới trong phiên trước khi đảo chiều đi xuống về cuối phiên. Chỉ số S&P 500 sụt 0,18% còn 4.387,16 điểm, trong đó phần lớn các mã đều giảm vào cuối phiên giao dịch. Trong khi đó, Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,06% lên mức 14.681,07 điểm.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall diễn biến trái chiều trong phiên đầu tiên của tháng 8, khi cả lợi suất trái phiếu kho bạc và giá dầu đều giảm, cho thấy giới đầu tư đang quan ngại về triển vọng kinh tế dù lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ.
Chuyên gia Tony Dwyer tại ngân hàng Canaccord Genuity nhận xét: "Giới đầu tư đang tỏ ra thận trọng và tìm kiếm dấu hiệu cho hướng đi tiếp theo, dù là tăng hay giảm. Những lo ngại về biến thể Delta lây lan và dấu hiệu cho thấy đà phục hồi kinh tế chậm lại khiến nhà đầu tư bất an. Ngược lại, chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, cùng với tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục giữ cho thanh khoản ở mức cao".
Trong ngày 2/8, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về 1,17%, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7. Lợi suất đi xuống sau khi Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ trong tháng 7, có thể là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đã đạt đỉnh.
Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất do ISM khảo trong tháng 7 đã giảm xuống mức 59,5 từ mức 60,6 vào tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Trước đó, giới chuyên gia dự báo con số này sẽ ở mức 60,9.
Ông Kathy Jones - chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Charles Schwab, nói rằng nỗi lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại và biến thể Delta có thể là lý do khiến lợi suất giảm, song vẫn không thể giải thích mức giá hiện tại của trái phiếu.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Mỹ báo cáo có khoảng 63.000 ca mắc Covid-19 hàng ngày trong 7 ngày qua, gần với mức cao nhất kể từ tháng 4/2021.
Trước tình trạng ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, chính quyền các địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Cụ thể, hãng bán lẻ Target yêu cầu nhân viên ở vùng có nguy cơ cao phải đeo khẩu trang, Equinox yêu cầu nhân viên và khách tập gym phải có chứng nhận đã tiêm vaccine.
Giới chức TP San Francisco đã tái áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong tuần này. Trong khi đó, các quan chức New York hôm 2/8 đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang ngay cả khi đang ở trong nhà và đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Cổ phiếu các công ty lữ hành có thể chịu tác động lớn nhất do các biện pháp hạn chế y tế mới, bao gồm các hãng hàng không lớn, đã quay đầu sụt điểm vào cuối phiên ngày thứ Hai.
Một thông tin tích cực trên sàn Phố Wall trong ngày 2/8 là các Thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã công bố dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô 550 tỷ USD trong vòng 5 năm. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer muốn thông qua dự luật này trước ngày 9/8. Trước đó, một khoản ngân sách khác trị giá 450 tỷ USD đã được phê chuẩn.