Nhà đầu tư BOT làm đường ngang, đơn vị đường sắt thực hiện bảo trì
Kinh phí duy tu thường xuyên sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị chuyên ngành đường sắt vận hành chịu trách nhiệm.
Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp về một số nội dung liên quan đến kinh phí quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang Km39+615 tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng tại dự án BOT QL38 đoạn nối QL1 với QL5.
Thông báo kết luận cho biết, về bảo trì đường ngang, gác chắn, việc dự án BOT triển khai nâng cấp đường ngang Km39 đã phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường sắt trong thời gian vừa qua.
Để bảo đảm đồng bộ với các tuyến đường ngang khác trên hệ thống đường sắt toàn quốc, giảm áp lực về thiếu hụt doanh thu theo phương án tài chính của dự án BOT (phương án tài chính không bao gồm kinh phí duy tu thường xuyên đường ngang, gác chắn đường sắt), việc sử dụng kinh phí duy tu thường xuyên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giao đơn vị chuyên ngành đường sắt vận hành, quản lý duy tu nhằm bảo đảm an toàn khai thác phù hợp.
Bộ GTVT giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, đề xuất kế hoạch vốn hàng năm thực hiện quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang Km39 từ ngày 1/1/2023 và các năm tiếp theo.
Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam và cơ quan liên quan thẩm định, tham mưu phê duyệt kinh phí quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang Km39 từ ngày 1/1/2023 và các năm tiếp theo để thực hiện.
Đối với kinh phí quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang Km39 đã thực hiện từ 1/10/2018 đến 31/12/2022 được tính toán vào phương án tài chính của hợp đồng Dự án BOT.
Đồng thời, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam rà soát, thông qua kinh phí này đảm bảo phù hợp, tính đúng, tính đủ theo quy định hiện hành; giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung, cập nhật chi phí này vào chi phí duy tu của Dự án BOT.
Thông báo kết luận cũng cho biết, Vụ Đối tác công - tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan cập nhật vào phương án tài chính khi ký Phụ lục hợp đồng, cập nhật phương án tài chính dự án BOT. Đồng thời chỉ đạo nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thanh toán chi phí đã thực hiện theo các hợp đồng đã ký kết giữa doanh nghiệp dự án và đơn vị quản lý, bảo trì, tổ chức phòng vệ đường ngang Km39.
Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm rà soát tổng thể điểm giao cắt, vị trí đường ngang đường sắt tại các dự án BOT trên toàn quốc để xử lý chung; rà soát lại các đường ngang đường sắt địa phương đầu tư để xử lý với nguyên tắc nhất quán, thống nhất chung. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp xử lý bất cập, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (nếu có).