Nhà đầu tư cá nhân thật sự trở lại hay chỉ là động thái 'quá cảnh'?
Trong khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái bán ròng, thì NĐT nội đã 'lục đục' quay trở lại với thị trường chứng khoán.
Dù chưa thể khẳng định dòng tiền nội có ở lại ổn định hay không, nhưng đây là tín hiệu tốt với thị trường.
CP vừa và nhỏ bứt lên
Trái ngược với lịch sử “sell in may”, VN Index bất ngờ tăng trưởng tốt trong tháng 5 vừa qua với tổng điểm tăng là 26 điểm (tương đương 2,48%). Việc VN Index tăng trong tháng 5 với kỳ vọng được “nhen nhóm” nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp kích thích nền kinh tế. Kế đến là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện ý chí muốn nới lỏng chính sách tiền tệ, khi có lần giảm lãi suất thứ 3 trong năm với mức 25 điểm cơ bản. Ngoài ra, NHNN cũng đã bơm ròng 20.453 tỷ đồng ra thị trường trong tháng 5 nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Theo thống kê, VN Index tăng 2,48% trong tháng 5 và là 1 trong những chỉ số hoạt động tốt nhất trong tháng 5, cùng với Nikkei 225 tăng 7,04%, và KOSPI Index tăng 3,02%. Nhưng điều khá bất ngờ là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại tỏ ra vượt trội, khi đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của VN Index với mức tăng lần lượt là 9,35% và 4,34%. Trong khi đó, nhóm CP có vốn hóa lớn trong rổ VN30 chỉ đóng góp 1,42%.
Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), cho rằng nhóm CP vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng giá tích cực theo chiều diễn tiến chính sách điều hành vĩ mô như phân tích ở trên. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục kém khả quan trong quý II, khiến nhóm CP vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng giá kém hơn.
Không chỉ tăng điểm, thị trường còn đón nhận “làn gió” tích cực về mặt thanh khoản với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE lên mức 10.631 tỷ đồng/phiên (tăng 8,8% so với tháng 4). Đáng chú ý, nhóm vừa và nhỏ là tâm điểm của dòng tiền khi thanh khoản tăng lần lượt 13,6% và 11,2% so với tháng 4. Dòng tiền tiếp tục được đẩy vào trong những phiên giao dịch đầu tháng 6 với nhiều phiên giao dịch bất ngờ tăng vượt mốc 23.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, tương đương mức tăng gấp nhiều lần so với mức trung bình của tháng 4.
Khối ngoại và tổ chức bán ròng
Trong khi TTCK diễn ra sôi động, thì NĐT nước ngoài vẫn “miệt mài” bán ròng trong tháng 5 và những phiên giao dịch của tháng 6. Theo thống kê, khối ngoại bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tháng 5 và khoảng 500 tỷ đồng trong các phiên giao dịch của tháng 6. Việc khối ngoại bán ròng mạnh trong tháng 5 đã xóa sạch toàn bộ dòng vốn ròng tích lũy từ đầu năm đến nay, và nằm trong danh sách rút vốn ngoại dẫn đầu châu Á cùng với Thái Lan (967 triệu USD) và Malaysia (159 triệu USD).
Tình trạng rút ròng cũng xảy ra với các quỹ ETF như Van Eck Vectors Vietnam ETF (rút ròng 4,84 triệu USD), iSharesMSCI Frontier và Select EM ETF (rút ròng 46,85 triệu USD). Đây là 2 nhân tố chính đóng góp vào sự rút ròng của ETF ngoại (rút ròng 49,24 triệu USD). Trong khi đó, SSIAM VNFIN LEAD và DCVFMVN30 EFT bị rút lần lượt 1,39 triệu USD và 16,19 triệu USD, đóng góp nhiều nhất vào khoản bán ròng 17,42 triệu USD của các quỹ ETF nội.
Tương tự, các NĐT tổ chức trong nước đã kéo dài áp lực bán ròng trong tháng 5 với số tiền 4.500 tỷ đồng, và đánh dấu vị thế bán ròng lũy kế từ đầu lên 6.557 tỷ đồng.
NĐT cá nhân sẽ ở lại?
Việc khối ngoại bán ròng, trong khi dòng tiền được đẩy mạnh vào nhóm CP vừa và nhỏ, cho thấy đây thật sự là dòng tiền từ các NĐT cá nhân. Theo thống kê của VDSC, NĐT cá nhân chiếm ưu thế về sức mua với giá trị ròng 7.598 tỷ đồng và đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng đột biến của thanh khoản thị trường khi chiếm 86% thanh khoản toàn thị trường trong tháng 5.
Như vậy, sức mạnh của dòng tiền nội đã giúp TTCK thăng hoa trong năm 2021 đã một lần nữa được chứng tỏ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc dòng tiền từ các NĐT cá nhân có tiếp tục ở lại thị trường vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải.
Song theo VDSC, điểm tích cực cho TTCK trong tháng 6 là dòng tiền vẫn tiếp tục quay trở lại trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm trong 3 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, xét về mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp, do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn các doanh nghiệp này chưa thực sự phục hồi rõ rệt trong quý II dựa trên các chỉ báo dẫn dắt của vĩ mô.
Do vậy, VDSC không kỳ vọng rằng thị trường có thể tiến xa hơn quá nhiều về mặt điểm số trong tháng này. Một thị trường giá lên vẫn đang chờ đợi các “điều kiện đủ”, đến từ các tín hiệu cho thấy nền kinh tế trong nước thực sự “thẩm thấu” các chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính hỗ trợ vừa qua, kết hợp với triển vọng tích cực hơn từ vĩ mô thế giới.
Theo lãnh đạo một CTCK, tình trạng bán ròng của khối ngoại trong vài tuần trở lại đây cũng là yếu tố gây lo ngại. Hiện dòng tiền từ NĐT cá nhân vẫn đủ cân bằng và hấp thụ toàn bộ lực cung, song áp lực sẽ có thể tiếp tục gia tăng sắp tới. Đặc biệt, khi định giá thị trường cũng như giá nhiều CP đã tăng đáng kể từ vùng đáy 11-2022, giai đoạn NĐT ngoại gom ròng kỷ lục.
Tâm lý của NĐT cá nhân chắc chắn bị tác động tiêu cực từ động thái gia tăng bán ròng của khối ngoại. Một khi giá CP không tăng như kỳ vọng, thậm chí điều chỉnh, sẽ tạo nên làn sóng bán tháo từ NĐT cá nhân.
Tuy nhiên, NĐT cũng không quá lo lắng bởi nguy cơ xảy ra tình trạng bán tháo như thời điểm 2022 sẽ không thể quay trở lại khi các yếu tố vĩ mô ổn định và lãi suất tiếp tục được kéo giảm. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường trong thời gian tới cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư CK.
Việc khối ngoại bán ròng, trong khi dòng tiền được đẩy mạnh vào nhóm CP vừa và nhỏ, cho thấy đây thật sự là dòng tiền từ các NĐT cá nhân, chiếm ưu thế về sức mua với giá trị ròng 7.598 tỷ đồng, chiếm 86% thanh khoản toàn thị trường trong tháng 5.