Nhà đầu tư cần nhiều hơn thông tin nguồn

Tính minh bạch là một trong những chỉ số quan trọng, giúp doanh nghiệp gia tăng sự tin tưởng của các cổ đông cũng như thu hút nhà đầu tư tốt hơn.

 Những doanh nghiệp đề cao tính minh bạch chủ yếu ở nhóm đầu ngành, bluechips.

Những doanh nghiệp đề cao tính minh bạch chủ yếu ở nhóm đầu ngành, bluechips.

Tính chủ động từ doanh nghiệp

Những doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát (mã HPG), Vinamilk (mã VNM), Masan (mã MSN), Vĩnh Hoàn (mã VHC)… luôn được đánh giá cao về hoạt động công bố thông tin. Những công ty đầu ngành, hay nhóm bluechips thường đề cao tính minh bạch, do đó, nhóm doanh nghiệp này thường làm tốt trong công tác công bố thông tin và quan hệ công chúng.

Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại những doanh nghiệp thiếu sự chuyên nghiệp, hay vì lợi ích nhóm mà cố tình che giấu những thông tin cần thiết, việc này thường diễn ra tại nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, công bố thông tin là nghĩa vụ rất quan trọng để doanh nghiệp thể hiện sự minh bạch, công khai hoạt động của công ty đối với thị trường, là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đã nâng cao ý thức công bố thông tin và coi đó là một nghĩa vụ với thị trường. Khi thông tin về doanh nghiệp niêm yết trở nên minh bạch, thị trường sẽ trở nên công bằng và hiệu quả hơn. Nhà đầu tư sẽ có thêm tin cậy để đưa ra quyết định đầu tư và doanh nghiệp cũng sẽ được đánh giá dựa trên năng lực và hiệu suất kinh doanh thực tế.

Tuy vậy, theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ không tránh khỏi những trường hợp các doanh nghiệp vô tình hoặc cố ý vi phạm công bố thông tin. Phần lớn các lỗi vi phạm thường là không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán về báo cáo tài chính, báo cáo thường niên…

Qua thời gian, nhiều công ty niêm yết đã có bước tiến lớn trong công tác truyền thông về chiến lược dài hạn của doanh nghiệp tới cổ đông, nhà đầu tư.

Chẳng hạn, thông qua báo cáo phát triển bền vững, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Vinamilk, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, Tập đoàn Petrolimex, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Tập đoàn FPT… giúp cổ đông, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về giá trị hiện tại cũng như triển vọng trong tương lai của doanh nghiệp mà mình tham gia sở hữu. Từ đó, cổ đông, nhà đầu tư có thêm niềm tin nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp này trong dài hạn cũng như chung vai góp vốn khi cần thiết.

Đối với nhóm thông tin về kết quả kinh doanh ngắn hạn cũng được một số doanh nghiệp chú trọng, như Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Dệt may Thành Công (mã TCM), Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh… Tuy nhiên, phần lớn tốc độ cập nhật và chất lượng thông tin ở nhiều doanh nghiệp khác vẫn ở mức thấp.

Thị trường chứng khoán luôn tồn tại tin đồn, mà nhiều tin đồn sau đó thành thật cho thấy đã có những nguồn tin rò rỉ trước khi công bố chính thức.

Nhà đầu tư cần có thông tin nhanh hơn đối với những thông tin chính như dòng doanh thu, bao gồm khách hàng quan trọng, hợp đồng lớn, doanh thu cập nhật, chi phí, lợi nhuận… Bởi nếu chỉ nhìn vào báo cáo tài chính doanh nghiệp thì chỉ cung cấp những thông tin quá khứ của doanh nghiệp, trong khi đầu tư cổ phiếu dựa trên kỳ vọng tương lai…

Ông Nguyễn Ngọc Minh, một nhà đầu tư trên 15 năm tham gia thị trường chứng khoán cho rằng, một số doanh nghiệp đã làm tốt trong việc công bố thông tin minh bạch nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp thờ ơ.

Nếu doanh nghiệp làm tốt công tác công bố thông tin, truyền thông, nhà đầu tư sẽ có cảm giác có nhiều dữ liệu để phân tích, từ đó yên tâm nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp hơn. Ngược lại, nhà đầu tư sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, nếu doanh nghiệp thờ ơ với việc cung cấp thông tin.

Mong muốn từ nhà đầu tư

Thông tin từ doanh nghiệp luôn là một yếu tố quan trọng để đánh giá về giá trị doanh nghiệp, việc minh bạch thông tin giúp doanh nghiệp tăng giá trị, đồng thời góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

Các thông tin liên quan đến báo cáo tài chính, báo cáo tình hình quản trị, hay các kế hoạch phát hành cổ phiếu, trái phiếu tăng vốn, phương án sử dụng vốn… thường là các thông tin bắt buộc mà các doanh nghiệp phải công bố.

Tuy nhiên, theo ông Minh, nhà đầu tư mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư theo hình thức offline hay online định kỳ 3 tháng/lần với cổ đông. Trước mắt, có thể là các doanh nghiệp trong nhóm VN30 và sau đó lan tỏa ra các doanh nghiệp khác.

“Thực tế, các doanh nghiệp chú trọng đến hoạt động công bố thông tin cũng là gián tiếp thu hút nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Ngược lại, những doanh nghiệp không công bố thông tin đầy đủ, minh bạch… khó có thể xây dựng niềm tin với nhà đầu tư”, ông Minh chia sẻ quan điểm.

Nhà đầu tư Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, lâu nay, nói là tiếp cận thông tin một cách công khai, minh bạch, nhưng sự bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin trên thị trường chứng khoán vẫn tồn tại. Nhà đầu tư thường chỉ biết được thông tin sau khi thị trường đã phản ứng xong. Vì vậy, trên thị trường vẫn truyền nhau kinh nghiệm “tin ra là bán”.

Hơn nữa, việc bảo mật thông tin trước khi công bố cũng là một vấn đề nhức nhối. Một bộ phận nhà đầu tư có thông tin trước khi được công bố chính thức đã thực hiện những giao dịch có lợi khi biết trước thông tin (giao dịch nội gián) và gây thiệt hại cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như gây nên những biến động bất thường trên thị trường…

Do vậy, theo nhà đầu tư này, minh bạch thông tin là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp niêm yết nào. Nó không chỉ là một yêu cầu pháp lý, mà còn là yếu tố tạo niềm tin và tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư, là điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Chưa kể, thị trường chứng khoán luôn tồn tại tin đồn, mà nhiều tin đồn sau đó thành thật cho thấy đã có những nguồn tin rò rỉ trước khi công bố chính thức.

Đặc biệt, các thông tin liên quan đến mua/bán dự án, số liệu backlog, các hợp đồng sắp ký, những cơ hội liên quan đến quy hoạch ngành… lại xuất hiện từ các công ty chứng khoán, chuyên viên môi giới. Có cả những thông tin về kế hoạch phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, giao dịch của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn… bị rò rỉ trước khi được gửi tới cơ quan quản lý, thậm chí là các thông tin nhạy cảm như doanh nghiệp bị thanh tra, lãnh đạo doanh nghiệp sắp bị bắt…

Thực tế này đòi hỏi cần có những chế tài nghiêm khắc hơn và mạnh tay xử lý hơn những trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, thậm chí có thể loại khỏi sàn chứng khoán nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm nhiều lần. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức về minh bạch thông tin, để cung cấp thông tin nguồn chất lượng tới cổ đông, nhà đầu tư.

Đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường chứng khoán, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư là mục tiêu của cơ quản lý. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 624/QĐ-UBCK phê duyệt Chương trình hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Chiến lược đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20 - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu vào năm 2025 và 11 triệu vào năm 2030.

Trong giai đoạn vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình thị trường chứng khoán, chính sách kinh tế vĩ mô, công tác điều hành kinh tế của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, giúp công chúng đầu tư tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các thông tư có liên quan nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn vận hành thị trường chứng khoán, cũng như khắc phục các rào cản đối với yêu cầu nâng hạng thị trường, phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

Bà Tạ Thanh Bình Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dau-tu-can-nhieu-hon-thong-tin-nguon-post347379.html