Nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro nếu không có khả năng định giá BĐS
Đầu tư BĐS là một trong những hình thức đầu tư hấp dẫn và có khả năng sinh lời cao được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên loại hình đầu tư này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng: "Để tham gia thị trường BĐS, nhà đầu tư cần nắm được những kiến thức pháp lý cơ bản về tài sản định giá, thẩm định giá; trình tự, thủ tục của hoạt động thẩm định giá, định giá và nội dung của pháp luật thuế".
Định giá, thẩm định giá quyền tài sản là hoạt động phức tạp, cần dựa trên những cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học nhất định. Khi định giá, thẩm định giá quyền sử dụng đất cần dựa trên các quy định của Luật Đất đai và các quy định khác liên quan.
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả được hình thành và vận động dưới sự chi phối của các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhưng cũng chính sự vận động tự phát của giá cả thị trường có thể gây tác động tiêu cực tới quá trình mua và bán. Để hạn chế tác động tự phát của quy luật thị trường, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tham gia đầu tư và lợi ích của Nhà nước.
Đất đai là một loại BĐS, do vậy định giá đất cũng phải thực hiện theo những quy định về định giá BĐS nói chung. Song đất đai là một tài sản đặc biệt khác với các bất động sản khác, đòi hỏi khi định giá, thẩm định giá đất phải tuân theo những quy định đặc thù.
Nguyên tắc hoạt động định giá BĐS là những tư tưởng chỉ đạo mà trong quá trình hoạt động định giá BĐS các chủ thể phải tuân theo. Nguyên tắc hoạt động định giá BĐS bao gồm: định giá BĐS phải dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, tính chất, vị trí, quy mô, thực trạng của bất động sản và giá thị trường tại thời điểm định giá; định giá BĐS phải độc lập, khách quan, trung thực và tuân thủ pháp luật.
Trong kinh tế thị trường, hoạt động định giá và thẩm định giá tài sản là những hoạt động khách quan, quan trọng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia quan hệ tài sản của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của người tiêu dùng, bảo đảm trật tự xã hội và lợi ích công cộng, các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động định giá, thẩm định giá luôn được pháp luật điều chỉnh. Chính vì thế, các nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật kiến thức về pháp luật áp dụng trong hoạt động định giá BĐS.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, nhà đầu tư cần nắm chắc những vấn đề lý luận pháp lý cũng như các quy định hiện hành về tài sản, các quyền tài sản, những nội dung cơ bản về pháp luật giá, thẩm định giá, pháp luật về doanh nghiệp nói chung, cũng như doanh nghiệp thẩm định giá nói riêng.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu những kiến thức pháp lý cơ bản về tài sản định giá, thẩm định giá, trình tự, thủ tục của hoạt động thẩm định giá, định giá và một số nội dung của pháp luật thuế. Đây là một nội dung có phạm vi tương đối rộng, phức tạp, cần có sự hướng dẫn của các chuyên gia sâu trong ngành.