Nhà đầu tư đứng ngoài trước kỳ nghỉ lễ dài ngày
Những phiên biến động mạnh về điểm số gần đây của thị trường khiến nhà đầu tư trở nên do dự và thận trọng hơn, trong khi kỳ nghỉ lễ dài ngày đến gần càng cho thêm lý do để dòng tiền chọn cách đứng ngoài, chờ đợi tháng giao dịch mới.
Sau phiên sáng giao dịch khá ảm đạm với thanh khoản thấp, các chỉ số gần như cũng chỉ dao động quanh tham chiếu với biên độ hẹp quanh tham chiếu và không xuất hiện điểm nhấn đáng kể nào, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái giao dịch mờ nhạt.
Chỉ số VN-Index trong phiên chiều có hai nhịp bị đẩy về sát ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, nhưng đều bật hồi thành công, thậm chí có lúc đã tăng lên gần 1.210 điểm. Nhưng việc kỳ nghỉ lễ dài ngày đến gần và những diễn biến khó lường gần đây của thị trường thì nhà đầu tư phần lớn đã chọn đứng ngoài, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh và VN-Index cũng chỉ về được gần tham chiếu khi đóng cửa.
Nếu trong phiên ngày mai, thị trường không có quá nhiều biến động thì trong tháng 4 này, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng đâu đó 80 điểm, tương đương mất hơn 6,2%.
Chốt phiên, sàn HOSE có 166 mã tăng và 293 mã giảm, VN-Index giảm 0,64 điểm (-0,05%), xuống 1.204,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 569,6 triệu đơn vị, giá trị 14.173,8 tỷ đồng, giảm hơn 30% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 80,5 triệu đơn vị, giá trị 2.031 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiếp tục phân hóa mạnh và vẫn là hai cái tên từ đầu phiên nổi bật hơn là FPT và MWG. Trong đó, MWG là cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm với mức tăng 2,9% lên 53.800 đồng, khớp lệnh cao nhất và dẫn đầu thanh khoản trên sàn với hơn 19,3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu FPT hạ nhiệt, có thời điểm áp sát mức giá trần, nhưng kết phiên chỉ còn +2,6% lên 123.200 đồng, khớp 5,7 triệu đơn vị.
Phần còn lại chia đôi ngả, với VIC, VNM, SAB, MSN tăng 1% đến 1,8% và ở chiều ngược lại với biên độ giảm tương đương có POW, VIB, MBB và TCB.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ, vẫn là những mã đầu cơ hoạt động mạnh với những cái tên nhận lực cầu tốt như HID và QCG khi đều tăng kịch trần lên 3.070 đồng và 15.900 đồng, khớp lần lượt 1,28 triệu và 0,95 triệu đơn vị.
Tăng đáng kể khác không còn quá nhiều, với PSH +6,2% lên 4.660 đồng, MDG +5,9% lên 11.600 đồng, MIG +3,2% lên 17.700 đồng, SCS +3,2% lên 81.500 đồng, KSB +3,1% lên 21.500 đồng. Các cổ phiếu VTP, HNG, TSC, TLD, HPX, SBG, GEX, TVB, FCN, PHC nhích 2% đến hơn 2,5%.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cũng tiết cung giá thấp giúp phần lớn sắc đỏ trên sàn chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ một vài cái tên đáng kể như QBS giảm sàn -6,7% xuống 1.540 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị; FIR -4% xuống 6.410 đồng, khớp 0,59 triệu đơn vị; AAT -3,7% xuống 4.640 đồng, khớp 0,18 triệu đơn vị; TV2 -3% xuống 35.050 đồng, khớp 0,47 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm thêm đôi chút ngay đầu phiên chiều và nỗ lực hồi phục sau đó, đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 52 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,13%), xuống 227,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55 triệu đơn vị, giá trị 1.061,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,68 triệu đơn vị, giá trị 158,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu AAV giữ vững giá trần +9,5% lên 4.600 đồng, khớp hơn 2,73 triệu đơn vị. Trong khi VHE đánh mất sắc tím và chỉ còn +3,6% lên 2.900 đồng, khớp 1,82 triệu đơn vị.
Ở những mã lớn, cổ phiếu SHS đảo chiều tăng nhẹ 0,5% lên 18.700 đồng, thanh khoản cao nhất sàn khi có hơn 15,2 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã CEO, MBS, HUT, PVC, TNG, VGS giảm trên dưới 1,5%, trong khi PVS về tham chiếu tại 39.300 đồng, khớp từ 0,83 triệu đến hơn 4,7 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã dần thu hẹp đà giảm về cuối phiên và đóng cửa gần như mất điểm không đáng kể.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%), xuống 88,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,4 triệu đơn vị, giá trị 247,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 38,5 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu thanh khoản cao đảo chiều tăng hoặc nới đà đi lên, với VGI +5,2% lên 63.300 đồng, AAH +6,3% lên 3.400 đồng và FOX +8,4% lên 61.900 đồng.
Cổ phiếu BST vươn lên khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có hơn 4,49 triệu đơn vị và giá cổ phiếu về tham chiếu tại 18.200 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ. Trong đó, VN30F2405 giảm 3,5 điểm, tương đương -0,28% xuống 1.227 điểm, khớp lệnh hơn 244.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, với CHPG2333 giảm 1,5% xuống 680 đồng/cq, khớp lệnh dẫn đầu với hơn 3,28 triệu đơn vị. Theo sau là CVPB2315 với 3,08 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 7,1% xuống 260 đồng/cq.