Nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào FED, chứng khoán châu Á gắng gượng phục hồi
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong ngày 9/7 trong bối cảnh giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của FED trong tháng này.
Chứng khoán châu Á giao dịch thận trọng tronng phiên này khi kỳ vọng về đợt hạ lãi suất lớn vào cuối tháng này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vơi bớt sau báo cáo việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ tăng trưởng mạnh.
Tăng trưởng việc làm đã hồi phục mạnh trong tháng 6/2019, khi nền kinh tế Mỹ tạo thêm 224.000 việc làm giữa lúc xuất hiện lo ngại cả bức tranh việc làm và bức tranh tăng trưởng đang bắt đầu suy yếu. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lại tăng lên 3,7%.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 165.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3,6%.
Chỉ số chứng khoán MSCI tại châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng nhẹ 0,1% trong phiên ngày 9/7 sau khi giảm tới 0,6% ở phiên trước đó. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei nhích 0,5% nhờ chủ yếu vào đà giảm giá của đồng yen Nhật so với đồng USD.
Giới phân tích nhận định rằng báo cáo việc làm lạc quan đã khiến giảm bớt kỳ vọng FED hạ lãi suất trong cuộc họp sắp tới và đập tan tan tranh luận FED giảm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Giới đầu tư cổ phiếu đã chuyển kỳ vọng từ 1 đợt hạ lãi suất 25 hoặc 50 điểm cơ bản sang giảm 25 điểm cơ bản hoặc không giảm.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Naoya Oshikubo tại Trung tâm Quản lý tài sản ủy thác Sumitomo Mitsui nhận xét:
”Dữ liệu việc làm tích cực, nhưng mức tăng tiền lương vẫn thấp, vì vậy việc ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản được nhận định là một động thái tiên quyết và hợp lý”.
Cổ phiếu Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm trong ngày 9/7 sau khi lao dốc trong phiên trước đó. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải hạ 0,16%, trong khi chỉ số chứng khoán Thâm Quyến sụt 0,22% và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 0,33%.
Chỉ số Hang Seng của sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng hạ 0,17%.
Nhà đầu tư tập trung vào phiên điều trần của Chủ tịch FED Jerome Powell vào ngày 10/7 để nhận biết dấu hiệu về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Trên thị trường tiền tệ, kỳ vọng mờ nhạt về việc nới lỏng chính sách tiền tệ của FED đã giúp đồng USD tăng mạnh. So với yen Nhật, đồng USD phục hồi lên tới 108,81 yên, đạt mức cao nhất trong hơn một tháng.
Tỷ giá đồng euro hiện ở mức 1 euro đổi được 1,1215 USD sau khi giảm xuống 1,1207 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 19/6.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính nhuốm sắc đỏ vào ngày 8/7) khi đà sụt giảm của cổ phiếu Apple gây sức ép lên lĩnh vực công nghệ.
Nhà đầu tư cổ phiếu cũng chờ đợi phiên điều trần quan trọng từ Chủ tịch FED vào cuối tuần này.
Cổ phiếu Apple lao dốc hơn 2% sau khi một chuyên gia phân tích tại Rosenblatt Securities hạ bậc cổ phiếu này từ “trung lập” xuống “bán”. Nhà phân tích này cho biết Apple sẽ phải “đối mặt với sự suy giảm cơ bản trong 6 đến 12 tháng tới” khi doanh số bán iPhone gây thất vọng và tăng trưởng trong các sản phẩm khác chậm lại.
Các cổ phiếu công nghệ khác như NetApp và Juniper Networks đều sụt hơn 3%. Cổ phiếu Applied Materials và Lam Research cũng hạ hơn 1%.
Công nghệ là lĩnh vực mạnh mẽ nhất trên Phố Wall trong năm nay. Lĩnh vực này đã leo dốc mạnh tới gần 28% trong năm 2019 và có thành quả vượt trội so với S&P 500 khoảng 10 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích công nghệ Toni Sacconaghi tại AB Bernstein lo ngại lĩnh vực này tiến về phía trước với mức giá cao ngất ngưỡng và bức tranh lợi nhuận đáng thất vọng.
Thị trường Phố Wall cũng đang hướng về phiên điều trần của Chủ tịch Jerome Powell vào ngày 10/7. Phiên điều trần của Chủ tịch Powell diễn ra sau khi báo cáo việc làm mạnh mẽ đã làm gia tăng nghi ngờ về việc liệu FED có hạ lãi suất vào cuối tháng này hay không.
“Dữ liệu việc làm công bố cuối tuần trước đã làm thị trường bất ngờ. Điều đó đã làm giảm triển vọng trong hành động của FED” - Peter Cardillo, Giám đốc kinh tế thị trường tại Spartan Capital Securities, nhận định.
Công cụ FedWatch của CME cho thấy kỳ vọng FEd hạ lãi suất trong tháng 7 đạt 100%. Tuy nhiên, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất mạnh hơn đã dịu bớt bởi dữ liệu việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ vừa được công bố.
Tháng trước, FED cho biết sẽ “hành động thích hợp” để duy trì tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện nay, chuỗi tăng trưởng dài nhất trong lịch sử.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số Dow Jones giảm 115,98 điểm (tương đương 0,4%) xuống 26.806.14 điểm, chỉ số S&P 500 lùi 0,5% xuống 2.975.95 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,8% còn 8.098.38 điểm./.