Nhà đầu tư Hàn Quốc kêu vướng về thuế, hải quan

Việt Nam hiện đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong vai trò là cứ địa sản xuất toàn cầu, sở hữu chuỗi giá trị chất lượng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số 'rào cản', nhất là về thuế, hải quan, ưu đãi thuế doanh nghiệp… đang ít nhiều ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư đến từ 'xứ sở Kim Chi'.

Về việc truy thu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, câu chuyện về nhà đầu tư Hàn Quốc vào đầu tư tại khu công nghiệp Tiên Sơn và Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng của tỉnh Bắc Ninh là một ví dụ được các doanh nghiệp Hàn Quốc nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF).

Vướng mắc về ưu đãi thuế doanh nghiệp ở địa phương

Theo các doanh nghiệp, từ tháng 6 năm 2003, đã có 117 doanh nghiệp đã chuyển vào khu công nghiệp do tin tưởng vào chính sách thuế doanh nghiệp ưu đãi dành cho các công ty chuyển vào khu liên hợp công nghiệp (70% trong số đó là các công ty Hàn Quốc)

Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Bắc Ninh.

Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Bắc Ninh.

Các công ty FDI đã được Ban Quản lý Cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép đầu tư khi đăng ký đầu tư vào địa bàn. Trên nội dung có ghi rõ “dự án nằm trong khu công nghiệp”.

Đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, theo giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp đã được công nhận là hoạt động trong khu công nghiệp và được xác định là đối tượng hưởng ưu đãi.

Tháng 5/2016, doanh nghiệp đã nhận được công văn của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Công văn này nêu rõ khu vực liên hợp các khu công nghiệp Tiên Sơn mở rộng và khu công nghiệp Quế Võ của tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa được xây dựng xong, do đó yêu cầu truy thu đối với nội dung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà trước đó doanh nghiệp đã được công nhận.

Theo công văn này, Chi cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đang làm thủ tục gửi thông báo đến từng công ty để yêu cầu khai báo bổ sung việc ưu đãi thuế doanh nghiệp trước đây và đôn đốc nộp thuế.

Theo phản ánh, hiện các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lên tới 117 công ty nằm trong Khu công nghiệp Tiên Sơn, Khu liên kết công nghiệp Quế Võ 2 và khu phát triển khu công nghiệp Quế Võ 3 trên khu 2.

Số tiền thiệt hại khoảng 182 tỷ đồng, sau khi đã tính toán trừ phần ưu đãi Thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền chậm nộp thuế doanh nghiệp khoảng 118 tỷ đồng (khoản truy thu). Tổng khoảng 300 tỷ đồng.

“Các doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn, phê duyệt thủ tục thành lập cụm công nghiệp tại các khu vực trên và duyệt cho các công ty đóng trên địa bàn các khu công nghiệp trên được hưởng ưu đãi về thuế doanh nghiệp trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục thành lập cụm công nghiệp” Đại diện doanh nghiệp nói.

Nhiều khó khăn trong vấn đề thuế, hải quan

Một trong những khăn nhất mà các doanh nghiệp Hàn Quốc nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) là khi làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu, việc xác định mã HS và sự khác biệt ý kiến với cơ quan hải quan có thẩm quyền. Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong các trường hợp mã HS phân loại hải quan được xếp vào loại thông tin không được tiết lộ, không được tham chiếu.

“ Đề nghị Chính phủ cho phép KOTRA và Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện fast track để giải quyết những khó khăn liên quan đến mã HS như trên”. Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc nói.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án, tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 74 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng số vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án, tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 74 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng số vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đề cập tới câu chuyện Thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ và hoàn thuế. Theo đó, đối với các sản phẩm có áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu. Nếu không nộp giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu thì sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế tự vệ.

Tuy nhiên, vấn đề là, trong trường hợp doanh nghiệp không nộp được giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu nhưng sau đó đã nộp bổ sung thì vẫn không được hoàn lại số tiền thuế chống bán phá giá hoặc thuế tự vệ đã nộp tại thời điểm nhập khẩu.

Trên thực tế, có một trường hợp đã báo cáo với KOTRA liên quan đến việc thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm sản xuất tại Trung Quốc đã được đánh vào các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc.

“Do đó, chúng tôi kiến nghị xây dựng văn bản luật để có thể hoàn thuế chống bán phá giá hoặc thuế tự vệ đã nộp khi chưa nộp được giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu nhưng sau đó đã nộp bổ sung đối với các sản phẩm có áp dụng biện pháp bảo hộ thương mại”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc nói.

Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói rằng, phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam với mong muốn đạt được mục tiêu hợp tác cùng tăng trưởng thông qua đầu tư vào Việt Nam, và đều có chung nhận định rằng, việc hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp là điều đương nhiên khi chuyển vào kinh doanh trong khu công nghiệp.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục hồi đầu tư trong tương lai, cần phải cung cấp một môi trường đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu để có thể nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi của hoàn cảnh và đặc biệt là để cho các doanh nghiệp có thể đầu tư được một cách thuận lợi.

Gần đây, đã có một số cải thiện về các quy định, chẳng hạn như Luật Quản lý thuế sửa đổi và sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Về vấn đề này, các doanh nghiệp Hàn Quốc mong các cơ quan chức năng sẽ có những hướng dẫn rõ ràng để đảm bảo các nội dung này được áp dụng một cách thống nhất trên toàn quốc. Do đó, Việt Nam cần tạo ra một môi trường như một điểm đến đầu tư ổn định và cần xây dựng nền tảng cho sự phát triển chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

“Nếu trường hợp như trên xảy ra sẽ tác động đến ý định đầu tư vào Việt Nam của các công ty Hàn Quốc đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam, và chính điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xúc tiến đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong tương lai”, người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nói.

Cho đến nay, theo số liệu của các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án, tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 74 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng số vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, đồng thời tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Trà My

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nha-dau-tu-han-quoc-keu-vuong-ve-thue-hai-quan-1083801.html