Nhà đầu tư ngoại muốn thành lập trung tâm tài chính tại TP.HCM
Để tăng cường hiện diện tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thành lập trung tâm tài chính tại TP.HCM.
Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm về "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam" bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên năm 2024 tại Davos (Thụy Sĩ), đại diện các tập đoàn tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, có tiềm năng trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm cũng như mong muốn hiện diện thương mại tại Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu, các nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thành lập trung tâm tài chính tại TP.HCM.
Theo các nhà đầu tư, TP.HCM có tiềm năng và các điều kiện cần và đủ để trở thành trung tâm tài chính như kinh tế vĩ mô ổn định, quy mô kinh tế lớn, hoạt động kinh tế phát triển, vị trí địa lý thuận lới (nằm tại múi giờ khác với 21 trung tâm tài chính trên thế giới), có nguồn nhân lực có kỹ năng, hướng tới mục tiêu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các chuyên gia, các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Thụy Sĩ nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam".
Thủ tướng đã trích dẫn các con số "biết nói" tại thị trường Việt Nam như minh chứng cho sự ổn định và hấp dẫn của thị trường đầu tư trong nước. Cụ thể, lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 468 tỉ USD, giải ngân khoảng 300 tỉ USD. Năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân, các nhà đầu tư gia tăng đáng kể.
Trước sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về quy định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, quản lý nguồn vốn đầu tư vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam; tỷ lệ này với một tổ chức nước ngoài là 15%; đối với một nhà đầu tư chiến lược là không quá 20% và tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30%.
Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng, Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém.
Đối với quy định về quản lý ngoại hối hiện hành, Thống đốc Hồng cho biết tại Việt Nam các giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện, các dòng vốn vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp tuân thủ theo các quy định về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Theo đó Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch này.
Đối với việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thứ nhất là cần xác định rõ về phạm vi và hoạt động của các định chế tài chính tại trung tâm tài chính quốc tế để từ đó xây dựng cơ chế, chính sách quản lý phù hợp; thứ hai, các cơ chế chính sách được xây dựng cần đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Thống đốc nhấn mạnh đây là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo và cần có các giải pháp quản lý từ nhiều cơ quan, bộ ngành. Trong thời gian tới, NHNN mong muốn các bên duy trì kênh liên lạc và tiếp tục nghiên cứu toàn diện, tổng thể về các nội dung liên quan; đảm bảo phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của nền kinh tế.
Ông Cho Huyn Sang - Phó chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết rất nhiều công ty Hàn Quốc muốn hiện diện tại Việt Nam. Với doanh thu 25 tỉ USD mỗi năm, tập đoàn này hiện đã đầu tư 3,5 tỉ USD tại Việt Nam và có khoảng 9.000 nhân viên người Việt. Đánh giá khoản đầu tư tại Việt Nam là một trong những khoản đầu tư hợp lý nhất, hiệu quả nhất, Hyosung dự kiến tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 5,5 tỉ USD vào năm 2024.
Ông Don Lam - Tổng giám đốc VinaCapital cho hay Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) đã quyết định ngay sau cuộc tọa đàm với Thủ tướng sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam. Hiện có 200 doanh nghiệp thành viên YPO quan tâm đến Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Ông Claudio Cisullo - đại diện Ngân hàng UBS, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính. Đây cũng là cơ hội đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những "vết xe đổ", những lựa chọn sai của các quốc gia đi trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam. Cùng với đó, các tổ chức có thể nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính.