Nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào thị trường Trung Quốc

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, kết hợp với môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, đã thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của các công ty FDI, khi họ tìm kiếm các cơ hội mới.

Xe ô tô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại cảng Thái Thương, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Xe ô tô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại cảng Thái Thương, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc bằng cách mở các cửa hàng mới, ra mắt các sản phẩm sáng tạo, ký thêm nhiều hợp đồng hợp tác và xây dựng các nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong bốn tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành lập mới tại Trung Quốc đã tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 16.805 doanh nghiệp.

Một cuộc khảo sát của Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc với hơn 600 công ty FDI cho thấy, hơn 70% trong số các công ty lạc quan về triển vọng phát triển của thị trường Trung Quốc trong 5 năm tới và hơn 50% tin rằng thị trường Trung Quốc đã trở nên hấp dẫn hơn.

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, kết hợp với môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, đã thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của các công ty FDI, khi họ tích cực tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới.

Nắm bắt cơ hội trong thị trường thay đổi

Khả năng phục hồi của thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh sự phục hồi toàn cầu chưa thực sự mạnh mẽ.

Động lực tăng trưởng của thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia, giúp họ nắm bắt các cơ hội mới bằng cách thích ứng tốt hơn với những thay đổi của thị trường.

Ông Arjun Purkayastha, Phó chủ tịch cấp cao của Reckitt Greater China, nhận xét ông có thể cảm nhận được sự phục hồi của thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc, đồng thời cho biết doanh thu của công ty tại Trung Quốc đã tăng trong nửa đầu năm 2023 và tất cả các thương hiệu của công ty đều ghi nhận đà tăng trưởng trong các quý vừa qua.

Thị trường du lịch Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng với việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 vào đầu năm 2023, và các công ty FDI đã lên kế hoạch đầy tham vọng.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, tập đoàn khách sạn Marriott International báo cáo doanh thu trung bình trên mỗi phòng (RevPAR) tại Trung Quốc đại lục tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Mao Yibing, Chủ tịch Marriott International tại Trung Quốc, mức tăng này vượt cả mức tăng trung bình toàn cầu của công ty. Ông Mao cho biết thêm, năm 2023, Marriott đã ký gần 100 hợp đồng khách sạn tại Trung Quốc, tăng 55% so với năm 2022.

Ông Frederico Freire Jardim, Chủ tịch khu vực châu Á của nhà sản xuất thực phẩm Kraft Heinz của Mỹ, nhận định Trung Quốc có dân số đông và thị trường rộng lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng và cao cấp đang tăng lên từng ngày.

Nhà bán lẻ Pháp Decathlon gần đây đã ra mắt thương hiệu xe đạp đua chuyên nghiệp của mình để khai thác thị trường xe đạp khổng lồ của Trung Quốc.

Công ty này đã mở rộng dòng sản phẩm sang hơn 80 môn thể thao trong những năm gần đây để hỗ trợ người dân ở các nhóm tuổi khác nhau và có khả năng khác nhau.

Ông Vincent Boinay, Chủ tịch L'Oreal khu vực Bắc Á kiêm Giám đốc điều hành L'Oreal Trung Quốc, cho biết ông rất ấn tượng trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường Trung Quốc.

L'Oreal đã khai trương trung tâm hoàn tất đơn hàng thông minh tự xây dựng đầu tiên trên toàn cầu tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô vào tháng 4/2024 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc.

Trung tâm này có thể xử lý 50 triệu đơn hàng trực tiếp đến người tiêu dùng và 17 triệu đơn hàng cho khách hàng doanh nghiệp mỗi năm.

Bà Patricia Xia, đối tác quản lý trung tâm của Ernst & Young (EY) Trung Quốc cho biết “cơ hội Trung Quốc" vẫn là từ khóa quan trọng đối với các doanh nghiệp FDI, đồng thời nhấn mạnh rằng các công ty này vẫn tin tưởng vào thị trường Trung Quốc và đang khám phá thêm các cơ hội trong các ngành công nghiệp mới nổi và thị trường ngách.

Sự đổi mới của Trung Quốc

Ngày 31/5, Trung Quốc đã thông qua quy định đặc biệt đầu tiên về đầu tư nước ngoài, nêu bật các biện pháp bao gồm thúc đẩy luồng dữ liệu xuyên biên giới an toàn và có trật tự, công nhận bằng cấp nghề nghiệp ở nước ngoài và tiến hành tham vấn thường xuyên giữa chính quyền địa phương và các công ty nước ngoài.

 Người dân mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Điều này cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc mở cửa hơn nữa và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Năm 2024, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, bao gồm triển khai danh sách hạn chế tiêu cực trên toàn quốc và khu vực thí điểm thương mại tự do cho thương mại dịch vụ xuyên biên giới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục xin thị thực cho người nước ngoài.

Bà Xia cho biết một loạt chính sách của Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và dòng người cho thấy quyết tâm của nước này trong việc liên tục mở rộng cửa ra thế giới, tích cực tối ưu hóa môi trường kinh doanh cho đầu tư nước ngoài và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.

Theo bà Xia, thị trường Trung Quốc không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp FDI mà quan trọng hơn, là một trung tâm đổi mới để phát triển các giải pháp và sở hữu trí tuệ mới có lợi cho thị trường toàn cầu.

Thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2021, đầu tư R&D do các doanh nghiệp công nghiệp FDI lớn tại Trung Quốc đã tăng vọt 91,5%, số lượng bằng sáng chế phát minh hợp lệ tăng từ 68.000 lên 241.000./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-do-xo-vao-thi-truong-trung-quoc-post957395.vnp