Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng thị trường Việt Nam

Việt Nam đang có cơ hội lớn để nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI, hướng tới tăng trưởng bền vững và hiệu quả cao hơn. Nếu tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua được các thách thức hiện hữu, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến chiến lược hàng đầu cho FDI toàn cầu trong những năm tới.

Đây là nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tại Lễ công bố Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam 2024 với chủ đề "Thu hút FDI vào công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng", ngày 16/4.

Tạo lễ công bố, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, chủ biên của báo cáo đã điểm lại những thành tựu của Việt Nam trong thu hút FDI những năm qua, đặc biệt là trong năm 2024.

Theo nhận định của GS. TSKH Nguyễn Mại, dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thách thức, nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 vẫn khá tích cực. Năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 38,2 tỷ USD vốn FDI, giảm 3% so với năm 2023 nhưng vốn FDI giải ngân lại tăng 9,4%. Khu vực FDI góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP trên 7%. Khu vực này cũng nộp ngân sách Nhà nước khoảng 20,49 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Trong đó, điểm sáng là việc các dự án đang hoạt động đã điều chỉnh vốn đầu tư tăng hơn 50%, chứng tỏ các dự án đầu tư đã hoạt động đang kinh doanh hiệu quả, nhà đầu tư tin tưởng, đánh giá cao môi trường đầu tư và triển vọng kinh doanh rất khả quan trong những năm tới.

Báo cáo FDI cũng cho thấy, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa ra những đánh giá khá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam.

Cụ thể, khảo sát về thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh có lãi tại Việt Nam đạt trên 64%, lần đầu tiên sau 5 năm vượt mức 60%.

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, có 56,1% doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, số lượng này đứng đầu khu vực ASEAN. Làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp Nhật Bản sang các quốc gia ASEAN tăng rõ rệt, trong đó, một số lượng lớn dịch chuyển sang Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tương tự như Nhật Bản, GS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu cũng đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam. Tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu với môi trường đầu tư Việt Nam đã đẩy Chỉ số niềm tin kinh doanh lên mức 61,8%, bất chấp những thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.

Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (75%) tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

"Điều này cho thấy, không chỉ là niềm tin vào triển vọng thị trường Việt Nam mà còn được củng cố nhờ kế hoạch tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy tổ chức của Chính phủ Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn," GS. TSKH Nguyễn Mại nêu.

Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến chiến lược hàng đầu cho FDI toàn cầu

Dự báo về cơ hội thu hút FDI trong năm 2025, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam đứng trước cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ trong việc duy trì đà tăng trưởng FDI.

Nhìn về triển vọng, Tập đoàn Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam, trong khi các đối tác chiến lược như Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn và mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - chính trị quốc tế còn nhiều biến động khó lường. Để tiếp tục thu hút FDI trong giai đoạn mới với sự dẫn dắt của xu thế xanh, công nghệ và số hóa, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy tài chính xanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và dỡ bỏ các rào cản đầu tư.

Đồng thời, để thu hút dòng vốn ngoại, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm yếu tố, bao gồm: Tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp thành lập trung tâm R&D và chuyển giao công nghệ bằng chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính; thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, các ngành nghề tạo ra nhiều giá trị gia tăng.

Việt Nam cũng cần tập trung đầu tư đào tạo công dân thế hệ số, cải cách giáo dục và đào tạo để lớp công dân mới có tri thức, kỹ năng và thích ứng với mô hình tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Có chính sách thu hút chuyên gia người Việt Nam và người nước ngoài có kiến thức và kỹ năng trong các ngành nghề ưu tiên phát triển.

"Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ hiện đại và nhân lực chất lượng cao, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, giảm thiểu thủ tục cấp phép, triển khai các dự án đầu tư, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp khi gặp khó khăn," báo cáo của VAFIE nhấn mạnh.

Báo cáo nhận định, với những chủ trương đổi mới của Đảng, chính sách cởi mở của Nhà nước và cam kết mạnh mẽ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam đang có cơ hội lớn để nâng cao chất lượng FDI, hướng tới tăng trưởng bền vững và hiệu quả cao hơn. Nếu tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua được các thách thức hiện hữu, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến chiến lược hàng đầu cho FDI toàn cầu trong những năm tới.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tin-tuong-vao-trien-vong-thi-truong-viet-nam-40488.html