Nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên chọn TP. Hồ Chí Minh để đầu tư
Cũng như cả nước, kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2023 diễn ra trong điều kiện phải đương đầu với những khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến thị trường TP. Hồ Chí Minh với niềm tin và kỳ vọng lớn.
Điểm nhấn vượt trội
Đầu năm 2023, những diễn biến bất lợi từ xung đột, lạm phát, tài chính toàn cầu dẫn đến suy giảm sức cầu trên diện rộng đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Khảo sát mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do tình trạng đơn hàng sụt giảm kéo dài từ cuối năm 2022 vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Cụ thể, đơn hàng dệt may, đồ gỗ, vật liệu xây dựng đi các thị trường chủ lực đều giảm từ 30-60% so với trước. Tình trạng tồn kho gia tăng khiến doanh nghiệp bị “chôn” vốn, thiếu dòng tiền, trong khi đó số doanh nghiệp khác không có đơn hàng phải cắt giảm lao động hoặc tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, điểm lại trong quý I/2023, những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có khả năng chuyển đổi số đã thích ứng kịp thời, phù hợp với trạng thái bình thường. Một số ngành chủ lực vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định như: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Một điểm sáng rõ nhất và ấn tượng nhất được ghi nhận trong quý I/2023, khi tại TP. Hồ Chí Minh có số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng 70% về số lượng, tăng 30% về vốn đăng ký.
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2023 - 20/3/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 497,5 triệu USD. Trong đó, có 216 dự án cấp mới với vốn đăng ký 132,2 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 22,4% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, những con số trên chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên lựa chọn đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang bất ổn.
Luôn coi trọng nguồn lực đầu tư ngước ngoài
TP. Hồ Chí Minh luôn xác định thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Dự báo được sớm những khó khăn của tình hình phát triển kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng, ngay từ những tháng đầu năm 2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức các cuộc đối thoại lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của từng nhóm doanh nghiệp, quán triệt việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động.
Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng chục chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chương trình hội thảo và kết nối doanh nghiệp; các hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần sang các tỉnh, thành lân cận và quốc tế.
Cũng trong quý I/2023, thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương (B2B) trực tuyến với hơn 4.000 lượt kết nối trong nhiều lĩnh vực ngành nghề; hỗ trợ doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ kết nối với các đối tác của thị trường Hoa Kỳ.
Đáng chú ý và ấn tượng nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đều bày tỏ quan tâm và đánh giá cao môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố và khu vực phía Nam.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, các cấp lãnh đạo thành phố luôn nhất quán khẳng định: Luôn ghi nhận và nỗ lực giải quyết ngay những vướng mắc của doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh.
Song song với việc cải thiện môi trường đầu tư, thành phố đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong dài hạn, kinh phí dành cho giao thông chiếm khoảng 50% tổng kinh phí đầu tư của thành phố.
Riêng trong năm 2023, kinh phí dành cho giao thông có thể lên đến 70% ngân sách đầu tư. Ngoài ra, thành phố đang đề xuất một số cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để có thể thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách.
Liên quan xây dựng thể chế, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 xin thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực phát huy tiềm năng của Thành phố để Thành phố phát triển. Thành phố đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, ngân sách, đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền để thành phố chủ động hơn trong giải quyết thủ tục nhằm khơi thông hết tiềm năng, nguồn lực, nhất là nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.