Nhà đầu tư quốc tế 'tẩy chay' nhiệt điện than
Nhiều nhà đầu tư trên thế giới đã và đang đưa ra cam kết ngừng đổ vốn vào nhiệt điện than, khiến hàng loạt dự án tại các nước đang phát triển đứng trước bờ vực phá sản.
Mới đây, tập đoàn Mitsubishi đã chính thức tuyên bố rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3, một trong những dự án nguồn điện ngoài của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây là lần đầu tiên tập đoàn này rút khỏi một dự án nhiệt điện than.
Động thái của Mitsubishi nhận được sự hoan nghênh của Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi vì “thể hiện quyết tâm kiên định của Nhật Bản trong công cuộc giảm phát thải các bon”.
Mitsubishi không phải là nhà đầu tư Nhật Bản duy nhất đã và đang có kế hoạch thoái vốn khỏi những dự án điện than. Mitsui&Co vừa qua đã thông báo thoái vốn khỏi Paiton Energy, một nhà sản xuất điện than quy mô lớn tại Indonesia. Tập đoàn tài chính Mizuho cũng tạm dừng tất cả các khoản tài trợ cho điện than vào năm ngoái, đồng thời đặt mục tiêu giảm dư nợ tín dụng cho các dự án này xuống 0 vào năm 2040.
Nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa thoái vốn khỏi các dự án nhưng cũng đưa ra cam kết sẽ không tham gia thêm vào những dự án điện than khác.
Quyết định của các nhà đầu như Nhật Bản dự kiến sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đối với ngành nhiệt điện than, bởi dòng vốn đến từ Nhật Bản đóng góp rất lớn vào việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới, theo Nikkei Asia Review.
Thay vào đó, các doanh nghiệp Nhật cho biết tập trung nguồn lực để hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng thêm nhiều cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo cũng như khí thiên nhiên hóa lỏng.
Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản mà nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới cũng đang làm điều tương tự. Viện Phân tích kinh tế và tài chính năng lượng (IEEFA) tiến hành theo dõi và liệt kê các tổ chức tín dụng lớn (có tổng tài sản đang quản lý đạt trên 10 tỷ USD) tuyên bố ngừng, hoãn, hạn chế đầu tư cho điện than cũng như hoạt động hợp tác với các đối tác có tham gia sản xuất điện than. Danh sách này đến nay đã đạt tới con số 132 và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, với những cái tên sừng sỏ đến từ khắp các châu lục.
Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng ANZ, Tập đoàn bảo hiểm Chubb, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng HSBC…
Mặt khác, gần 700 nhà đầu tư trên thế giới cũng đang đề nghị các chính phủ lên kế hoạch loại bỏ dần nhiệt điện than bằng cách chấm dứt hoàn toàn trợ cấp cho nguyên liệu hóa thạch và đánh thuế phát thải.
“Những lo ngại về biến đổi khí hậu cùng với lợi nhuận ngày càng kém là lý do khiến ngành công nghiệp điện than không còn được ưa chuộng”, Bobby Tudor, một lãnh đạo ngân hàng tại Mỹ cho biết.
Động thái của nhà đầu tư trên toàn thế giới đang khiến nhiều dự án nhiệt điện than rơi vào tình trạng điêu đứng và bị hoãn vô thời hạn. Mới đây, Bangladesh tuyên bố hủy bỏ 9 dự án điện than mới do chi phí nhập than tăng cao và các nhà đầu tư nước ngoài cắt đi nguồn đầu tư tài chính.
Các dự án nhiệt điện than tại Ấn Độ cũng đang rơi vào tình trạng điêu đứng do mất đi nguồn tài trợ. Các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cơ hội tốt để Ấn Độ có những hành động mạnh mẽ hơn cho việc chuyển đổi sang điện tái tạo, khi theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Bloomberg, năng lượng than tại quốc gia Nam Á này đã đạt đến điểm tới hạn vào năm 2018.
Tuy nhiên, việc ngừng cấp vốn cho nhiệt điện than của các nhà đầu tư quốc tế không tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với một số quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Indonesia, những quốc gia đã có kế hoạch tập trung phát triển năng lượng tái tạo và chỉ sử dụng nhiệt điện như một biện pháp bổ sung, đảm bảo an ninh năng lượng.