Nhà đầu tư tháo chạy, USDT và USDC mất 90% giá trị trên mạng Oasis
Token USDT, USDC giảm còn 0,12 USD trên hệ Oasis khi dòng tiền ồ ạt rút khỏi nền tảng.
Giá USDT, USDC trên ValleySwap, sàn giao dịch phi tập trung của hệ sinh thái Oasis (ROSE) bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong ngày 7/6, có thời điểm giá hai đồng stablecoin sụt gần 90% giá trị, còn 0,12 USD/đồng. Theo các chuyên gia, việc hai đồng tiền ổn định trên Oasis bị mất mốc 1 USD bởi giá của chúng bị phụ thuộc vào tiền dự trữ của nền tảng.
Cụ thể, ValleySwap kết nối với các mạng lưới khác thông qua của cầu nối EvoDeFi. Đồng thời, USDT và USDC trên nền tảng thực tế được bảo chứng bằng tài sản trong quỹ của cầu nối nắm giữ. Do đó, khi việc rút tiền xảy ra đột ngột, thanh khoản không đủ cung cấp khiến giá USDT và USDC bị sụt giảm tại mạng lưới.
Trước đó, báo cáo của Chainabuse cho thấy EvoDeFi đúc 126 triệu USDC, USDT ở Oasis, trong khi tổng tài sản đảm bảo trên các mạng lưới chỉ có 21 triệu USD. Do đó, 95 triệu USD stablecoin chênh lệch trên cầu nối, không có tài sản bảo trợ.
Trên Twitter, EvoDeFi cho biết dự án đang đón nhận làn sóng bán tháo tiêu cực bởi thông tin xấu gần đây. Theo đó, chủ yếu lượng tiền rút được đưa về mạng lưới BNB Chain (Binance Smart Chain). Phía EvoDeFi thừa nhận vì lượng tiền rút lớn khiến bể thanh khoản bị ảnh hưởng, gây ra việc chậm trễ. Hệ thống trước đó đã đóng giao dịch ở phía Oasis để giảm áp lực lên nền tảng.
EvoDeFi tự quảng cáo bản thân là cầu nối thế hệ mới, liên kết nhiều mạng lưới như BNB Chain, Polygon, Solana, Fantom… Tin xấu đến với EvoDeFi khi chính mạng Oasis cảnh báo về việc họ phát hiện ra trong hợp đồng thông minh của EvoDeFi có cài cửa sau để quản trị viên rút tiền gửi của người dùng trên cầu. Các sản phẩm có liên kết với EvoDeFi như ValleySwap và RimSwap cũng bị vạ lây.
Ngay sau đó, phía EvoDeFi cho biết đã xóa dòng code cho phép rút tiền khỏi hệ thống. Đồng thời đảm bảo không có tài sản nào của người dùng bị thất thoát trong suốt một năm hoạt động. Tuy nhiên, niềm tin của người dùng cho hệ thống bị giảm sút, tài sản nhanh chóng bị rút khỏi EvoDeFi thời gian qua. Hiện tại, tổng tài sản khóa trên mạng lưới còn khoảng 85 triệu USD.
Sau khi EvoDeFi khóa giao dịch vì cạn kiệt thanh khoản, nhiều người dùng cho biết họ bị kẹt ở bước rút tiền trong nhiều giờ. Các khiếu nại, yêu cầu dự án trả lại tiền xuất hiện số lượng lớn. Giá token GENX của EvoDeFi cũng giảm sâu. Từng lập đỉnh ở mức 182 USD/đồng hồi đầu năm, hiện đồng tiền số này có giá 0,05 USD, chia 3.600 lần.
Sự cố trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến Oasis và ValleySwap. Dữ liệu từ DefiLlama cho thấy tổng lượng tài sản khóa (Total Value Lock, TVL) của Oasis đã giảm từ 214 triệu USD hôm 3/6, còn 67 triệu USD. Sản phẩm nổi bật nhất của Oasis là ValleySwap cũng mất khoảng 140 triệu USD tài sản trong vài ngày qua.
Phía Oasis vừa thông báo trên Twitter chính thức rằng họ không liên quan đến các hoạt động của ValleySwap hay EvoDeFi. “Cả ValleySwap và EvoDeFi đều là những dự án bên thứ 3, xây dựng trên mạng lưới của Oasis. Chúng tôi không hỗ trợ hay có bất kỳ liên hệ nào với các tổ chức nêu trên”, Oasis thông báo.
Ngoài ra, mạng lưới cho rằng việc USDT và USDC mất giá là bởi những lo ngại nằm trên EvoDeFi, không phải tài sản gốc của hệ sinh thái Oasis.
Gần đây, sự cố liên tục xảy ra với các stablecoin, loại tài sản được tin tưởng vì ít biến động trên thị trường tiền số. Đầu tháng 5, UST của mạng Terra mất mốc 1 USD, kích hoạt cú sập của hệ sinh thái LUNA. Sau đó, USDT cũng giảm giá bởi người dùng lo ngại Tether không đủ tiền bảo chứng cho lượng token lưu hành.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.