Nhà đầu tư tìm kiếm thị trường các bon rừng ngập mặn tại Việt Nam
Hiện nay, số lượng các nhà đầu tư hướng tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường các bon rừng ngập mặn ngày càng tăng.
Ngày 13/6, Trường ĐH Nông lâm TPHCM, Tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu tại Paris (AVSE), phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế, chủ đề "Khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ các bon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam".
Hội thảo có sự tham gia của các bộ ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài chính, cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước của các tổ chức về lâm nghiệp trên thế giới.
Theo báo cáo của TS Phạm Thu Thủy, Trưởng nhóm nghiên cứu toàn cầu về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển các bon thấp (CIFOR) và TS Tăng Thị Kim Hồng, Trưởng khoa Lâm nghiệp ĐH Nông lâm TPHCM, năm 2021, Việt Nam có 612 triệu tấn các bon lưu giữ trong rừng, trong đó 80% từ rừng tự nhiên. Tây Nguyên là vùng có trữ lượng các bon rừng cao.
Các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung đều có tiềm năng phát triển và hưởng lợi từ thị trường các bon rừng.
Hiện số lượng các nhà đầu tư hướng tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường các bon rừng ngập mặn ngày càng tăng.
Tuy nhiên, đang có những rào cản về hành lang pháp lý, năng lực kỹ thuật, kết nối thị trường, giá thành các bon rừng...
Mặc dù đã có những điều kiện ban đầu để phát triển thị trường các bon rừng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa tầm nhìn, chiến lược và các chính sách hiện hành trong vấn đề này.
Nguyên nhân do kiến thức và hiểu biết của các bên có liên quan về thị trường các bon rừng còn hạn chế, trong khi các quy định pháp lí và thủ tục hành chính đang ở giai đoạn đầu và thí điểm.
Các sức ép và áp lực chuyển đổi rừng sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội còn cao trong khi chưa có các cơ chế khuyến khích tài chính hấp dẫn để khuyến khích người dân trồng rừng và cung cấp dịch vụ các bon rừng.
Các nghiên cứu khoa học tính toán toàn diện các chi phí và lợi ích cho các bên có liên quan còn thiếu, dẫn đến những khó khăn trong việc các bên xác định giá bán phù hợp và công bằng.
Các chính sách hiện nay tại Việt Nam mới chỉ tập trung vào nâng cao diện tích và trữ lượng các bon rừng mà chưa tính tới 2 yếu tố là đa dạng sinh học và các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều vấn đề như khung pháp lý quốc tế, hướng dẫn kỹ thuật và thị trường các bon từ rừng ngập mặn; đề án thành lập thị trường các bon tại Việt Nam; cập nhật về thị trường các bon rừng Việt Nam.
Các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi các vấn đề còn vướng mắc để nâng cao hơn nữa khả năng khai thác tiềm năng, chất lượng từ rừng ngập mặn tại Việt Nam.