Nhà giàn DK1 - Tư Chính, vững vàng giữa trùng khơi

Dù phía trước luôn tiềm ẩn hiểm nguy nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 bãi ngầm Tư Chính luôn đề cao cảnh giác, vững chắc tay súng, hiên ngang canh giữ biển trời. Ngày đêm, các chiến sĩ vẫn theo dõi chặt chẽ các hoạt động vi phạm của tàu nước ngoài. Cánh sóng từ các trạm gác tiền tiêu vẫn bền bỉ, thầm lặng gửi tín hiệu vào đất liền, Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống…

 Nhà giàn DK1/14 – Cụm Tư Chính

Nhà giàn DK1/14 – Cụm Tư Chính

Cách đây 30 năm về trước, năm 1988 trước sự dòm ngó vùng biển Việt Nam của nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng hệ thống nhà giàn trên các bãi ngầm, nơi có nhiều tiềm năng về kinh tế và vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh nhằm xác định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực thềm lục địa.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, vượt qua muôn vàn gian khổ, hi sinh, sau nhiều năm cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã hoàn thiện hệ thống nhà giàn nằm trên thềm lục địa phía nam kéo dài từ Ba Kè đến Phúc Tần, Quế Đường, Huyền Trân, Phúc Nguyên qua Tư Chính đến tận Bãi cạn Cà Mau.

Với mong muốn đem lại hình ảnh chân thực và thân thương về cuộc sống lao động và sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ hải quân trên các nhà giàn DK1, tôi may mắn theo các chiến sĩ Hải quân đến bãi ngầm Tư Chính trong một chuyến hải trình. Cách thành phố biển Vùng Tàu hơn 200 hải lí về phía Đông Nam, cụm nhà giàn DK1 - Tư Chính gồm 3 nhà giàn DK1/11, DK1/12 và DK1/14 nằm trên bãi ngầm san hô, trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Vùng biển xung quanh cụm nhà giàn DK1 - Tư Chính rộng lớn, giàu hải sản là ngư trường đánh bắt truyền thống của bà con ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Xa về phía Bắc chừng 20 hải lí, nhà giàn DK1/15 - Phúc Nguyên lừng lững giữa biển khơi, cùng với cụm Tư Chính tạo thành thế chân vạc vững chãi nơi đầu sóng. Thềm lục địa xung quanh các nhà giàn DK1 - Tư Chính đứng chân có chứa một lượng dầu mỏ và các khoáng sản khác rất phong phú. Chính vì vậy, các thế lực từ bên ngoài luôn dòm ngó vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Tổ quốc Việt Nam.

Trong suốt 30 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 - Tư Chính nói riêng và tiểu đoàn DK1 - Vùng 2 Hải quân nói chung là con em các tỉnh thành trong cả nước xa quê hương, gác lại bao khó khăn của gia đình và tình cảm riêng tư để đến đây làm nhiệm vụ. Họ đã phát huy truyền thống cao đẹp của quân đội anh hùng, đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn thách thức, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Làm nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1 gặp không ít gian nan không chỉ là vấn đề nước ngọt, lương thực thực phẩm thiếu thốn, nỗi nhớ đất liền mà nguy hiểm nhất là luôn phải đối mặt với quân thù và thiên nhiên khắc nghiệt. Những ngày giông bão sóng biển có thể tràn lên mặt sàn cao hơn mực nước biển 25 mét. Sức mạnh của sóng và gió biển tàn phá những gì mà chúng đi qua.

 Bình minh trên nhà giàn

Bình minh trên nhà giàn

Thấu hiểu sự vất vả của lực lượng đóng quân trên các nhà giàn, kể từ ngày thành lập các cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kĩ thuật (gọi tắt là nhà giàn DK1) trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc luôn được Đảng, Nhà nước và các cơ quan Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thiên nhiên khắc nghiệt đã làm đổ, chìm một số nhà giàn vào những năm 1996, 1999, trong đó có nhà giàn trong cụm Tư Chính.

Từ trong gian khổ, thử thách, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn đã tỏ rõ sự trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Nhiều chiến sĩ hải quân đã ngã xuống để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên thềm lục địa Việt Nam. Tấm gương Anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Chuẩn úy Lê Đức, Phạm Tảo, Nguyễn Văn Từ, Lê Tiến Cường, Ngô Sĩ Nga, Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hạnh và nhiều tấm gương khác bất chấp giông bão, kiên quyết không rời nhà giàn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh trực chốt và anh dũng hi sinh tại vùng biển thềm lục địa phía Nam này. Các anh vĩnh viễn hóa thân thành sóng nước, phần mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu vỗ về những nhà giàn, hải đảo khơi xa…

Để hoàn thành nhiệm vụ và trụ vững lâu dài trên những ngôi nhà nổi giữa đại dương, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 tìm mọi cách để tạo nguồn cung thực phẩm tại chỗ và họ đã thành công. Ngày đặt chân lên cụm nhà giàn Tư Chính, ấn tượng nhất với tôi là một màu xanh của các loại cây: rau muống, rau cải, xà lách, tía tô, ớt, tỏi, hành, mồng tơi, khoai lang, đậu đỗ, mướp, bầu, bí, sả, riềng... Thiên nhiên nơi đây khắc nghiệt, nắng như nung, gió biển ào ạt và hơi nước mặn quanh năm là nguy cơ làm chết cây trồng nhưng với sự thông minh sáng tạo và bàn tay của người lính, bất chấp nắng gió, một màu xanh tươi mát phủ xung quanh nhà giàn. Ở những nơi nào có thể đều được đặt khay, thùng, chậu để trồng cây. Bất cứ vật liệu gì dù đó là gỗ, sắt hoặc tre được làm giàn vươn ra phía biển để lấy diện tích trồng rau. Xung quanh các giàn rau, bộ đội còn thưng tôn, gỗ ép để che chắn, hạn chế hơi nước mặn và gió biển. Phía trên các khu vực tăng gia, các chiến sĩ còn thiết kế hệ thống lưới che để giảm nắng gắt và tránh những cơn mưa như trút của đại dương. Dù thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cây xanh vẫn tốt tươi.

 Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại nhà giàn DK1/14 – Tư Chính

Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại nhà giàn DK1/14 – Tư Chính

Đến cụm Tư Chính, chúng tôi gặp Trung úy Phạm Hoàng Bình quê ở Phường 5, TP. Đông Hà đang công tác tại nhà giàn DK1/14. Tổ của anh đảm nhận tăng gia vườn rau mặt nam của nhà giàn này. Sớm chiều chăm bón vườn rau của tổ xanh tốt bốn mùa, góp sức cùng đồng đội vượt chỉ tiêu 1.500 kg/năm của đơn vị. Bình quân hằng năm mỗi nhà giàn tăng gia được 1.500 - 2.000 kg rau xanh, đánh bắt 2.000 kg cá, làm hơn 150 lít nước mắm, chăn nuôi gần trăm con gà, vịt và dăm bảy con lợn. Thực phẩm tự tăng gia, góp phần quan trọng nâng mức sống và sức khỏe cho bộ đội…

Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/11 - cụm Tư Chính cho biết: “ Công tác hậu cần là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Chúng tôi phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất giữa các tổ nên thực phẩm luôn dồi dào. Nếu nguồn cung từ đất liền bị gián đoạn khoảng 6 tháng hoặc dài hơn, chúng tôi vẫn ổn”. Ở giữa biển khơi, đây là một nỗ lực phi thường.

Tháng 7 năm nay, tại bãi ngầm Tư Chính nơi các nhà giàn DK1/11, DK1/12 và DK1/14 đóng quân, Trung Quốc đưa tàu địa chấn Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ vào hoạt động thăm dò trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khu vực phía Nam Biển Đông, đe dọa môi trường hòa bình, ổn định và an ninh Biển Đông. Dù phía trước luôn tiềm ẩn hiểm nguy nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn cụm Tư Chính luôn cảnh giác, vững chắc tay súng, hiên ngang canh giữ biển trời. Ngày đêm, họ vẫn theo dõi chặt chẽ các hoạt động trái phép của tàu nước ngoài. Cánh sóng từ các trạm gác tiền tiêu vẫn bền bỉ, thầm lặng gửi tín hiệu vào đất liền, Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống.

Những ngày này, các nhà giàn DK1 trên bãi ngầm Tư Chính nói riêng và nhiều nhà giàn khác nói chung trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc, được nhân dân cả nước hướng về và gửi trọn tình cảm, sự tin yêu cho các chiến sĩ hải quân. Với tinh thần “Còn người, còn nhà giàn, còn biển”, chắc chắn các anh sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Văn Cần

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=141227