Nhà giáo Bùi Quang Tuyển: Cả đời vì sự học ở vùng đất nghèo
Hơn 40 năm công tác trong ngành giáo dục, đến khi về hưu, nhà giáo Bùi Quang Tuyển - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang vẫn say sưa khuyến học – khuyến tài với mong muốn phong trào học tập ở nơi này sẽ ngày càng phát triển.
Học là con đường thoát nghèo bền vững nhất
Nhà giáo Bùi Quang Tuyển sinh năm 1956 ở vùng quê Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình, theo gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới miền núi tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang) từ lúc mới 7 tuổi.
Bởi yêu nghề giáo, sau khi học xong trung học cơ sở, thầy giáo Quang Tuyển đã theo học Trung cấp Sư phạm; ra trường về dạy ở Trường Phổ thông cơ sở xã Hùng Mỹ, Chiêm Hóa, Hà Tuyên (nay là huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Đến năm 1991 tách tỉnh, thầy đến dạy học tại xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năm 1994-1998, thầy giáo Tuyển tiếp tục theo học Đại học Tiểu học tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Với sự nhiệt tình, năng động và thành tích đạt được, năm 2000, thầy Tuyển được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở xã Yên Thành, sau đó trở thành hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Rịa. Từ tháng 9/2012, thầy làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Đến năm 2015, nhà giáo Bùi Quang Tuyển về hưu theo chế độ, được mọi người tín nhiệm, bầu là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình.
Với niềm tin rằng, học là con đường thoát nghèo bền vững nhất và duy nhất, thầy giáo Tuyển luôn trăn trở làm sao đưa phong trào học tập của huyện phát triển.
Huyện Quang Bình có 15 xã, thị trấn thì 7 xã thuộc diện 135, điều kiện đặc biệt khó khăn, dân cư sống thưa thớt, tập quán lạc hậu còn ăn sâu trong nếp nghĩ của bà con như kết hôn sớm, ma chay kéo dài ngày, cúng bái, mê tín dị đoan...
Có những gia đình theo tập quán di cư, mỗi lần chuyển nhà là dừng hẳn việc học của con. Điều đó ảnh hưởng đến công tác huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp, duy trì sĩ số học sinh; tỉ lệ học sinh giỏi, thi đỗ các trường cao đẳng, đại học quá ít.
Tâm lý tuổi học trò hiếu động, thích hoạt động tập thể, thích khen, muốn thưởng. Song, muốn động viên kịp thời phải có quỹ, trong khi đó người dân còn nghèo. Hiểu rõ điều này nên ngay khi trở thành Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình, nhà giáo Quang Tuyển quyết thực hiện ngay việc xây dựng quỹ khuyến học.
"Cây chuối khuyến học", "Cây gừng khuyến học" – mô hình gây quỹ khuyến học hiệu quả tại huyện Quang Bình
Ban đầu, thầy Tuyển kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp từ khắp nơi ủng hộ quỹ khuyến học địa phương. Những đồng nghiệp, thầy cô giáo mà kêu gọi được tài trợ, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình cũng đều có hình thức tuyên dương, ghi nhận kịp thời.
Nhà giáo Bùi Quang Tuyển đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân huyện Quang Bình có bảng vàng khen ngợi những đoàn đến thăm, giúp đỡ học sinh, giáo viên trong huyện.
Các quỹ khuyến học cấp xã, cấp huyện đều được thông qua Hội đồng nhân dân, đảm bảo sự minh bạch. Qua đó, tạo nên phong trào xây dựng quỹ khuyến học trên toàn huyện Quang Bình diễn ra sôi nổi.
Khi hoạt động này đi vào nền nếp, thầy Tuyển đã tìm tòi trên internet và học hỏi kinh nghiệm về việc gây quỹ từ các tỉnh bạn với nhiều cách như "Con gà khuyến học", "Con lợn đất khuyến học", "Hòm phiếu khuyến học"...
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế huyện Quang Bình thì đều không hiệu quả. Vì người dân còn nghèo, nhận thức hạn chế, mỗi khi nhà có khách, thiếu tiền, lại làm thịt con gà, đập con lợn đất, việc xây dựng quỹ như vậy sẽ không thực hiện được.
Quang Bình đất rộng, con em các dân tộc làm nghề nông nghiệp, trồng và chăm sóc cây là việc làm thường xuyên của các em. Nếu tận dụng được điều này, trước hết làm đẹp cảnh quan môi trường, hoạt động tập thể ngoài giờ, hướng nghiệp, vệ sinh môi trường rất tốt, vừa hiệu quả kinh tế.
Từ ý tưởng đó, thầy giáo Tuyển đã tuyên truyền, vận động các trường học tại huyện Quang Bình thực hiện trồng "Cây chuối khuyến học", "Cây gừng khuyến học" và đạt kết quả tích cực.
Bằng nhiều hình thức huy động khác nhau, mỗi năm, quỹ khuyến học trên toàn huyện Quang Bình đã kêu gọi được hàng chục tỉ đồng. Từ đó có kinh phí xây dựng trường học, hỗ trợ học sinh quần áo, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để đến trường, tuyên dương học sinh học tốt, có thành tích xuất sắc, khen thưởng giáo viên dạy giỏi…
Muốn tuyên truyền hiệu quả, bản thân phải nêu gương
Cùng với việc huy động quỹ khuyến học, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền. Nhà giáo Bùi Quang Tuyển ý thức được rằng, muốn thuyết phục người dân tham gia khuyến học, thấy được lợi ích của sự học thì gia đình mình phải nêu gương. Vì thế trong gia đình, dòng họ, thầy Tuyển luôn khuyến khích con cháu học tập không ngừng, học tập suốt đời.
Về phía mình, để làm tốt những công việc khuyến học được giao, thầy Tuyển vẫn thường xuyên tìm hiểu những phương pháp tuyên truyền tốt, những cách triển khai mô hình học tập hay ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh Hà Giang.
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo huyện Quang Bình, việc phối hợp về công tác khuyến học – khuyến tài giữa hội khuyến học với các ban, ngành cũng thuận lợi hơn.
"Với 5 mô hình học tập, phong trào học tập suốt đời, chúng tôi quán triệt thông tin đến từng cơ sở, từng thôn bản. Đồng thời phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác khuyến học.
Khi nghe báo cáo từ cơ sở rằng có gia đình học sinh gặp thiên tai, bão lũ hay nhà bị cháy, chúng tôi phối hợp với các đơn vị, theo nhiệm vụ, chức năng của mình để giúp đỡ kịp thời. Với Hội Khuyến học huyện Quang Bình, đó là những hỗ trợ các suất học bổng, quần áo, sách vở cho các em. Có những trường hợp, chúng tôi đã vận động để xây dựng sổ tiết kiệm cho các học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", thầy giáo Quang Tuyển chia sẻ.
Ngoài vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình, nhà giáo Bùi Quang Tuyển còn giữ vị trí Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Quang Bình; Trưởng Ban Liên lạc Hội Hưu trí huyện; Thành viên Mặt trận Tổ quốc huyện, Hội Văn học Nghệ thuật huyện...
Dù ở bất kỳ tổ chức nào, ông cũng lồng ghép công tác khuyến học – khuyến tài để tuyên truyền với các thành viên, giúp họ hiểu và thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập của huyện thêm phát triển.
Với việc học của người lớn, Hội Khuyến học huyện Quang Bình còn phối hợp chặt chẽ với các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức các lớp xóa mù chữ, các khóa dạy nghề cho người lớn.
Năm 2022, Trung tâm học tập cộng đồng huyện Quang Bình đã phối hơp với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Quang Bình tổ chức 136 lớp với tổng số 14.219 lượt học viên tham gia.
Một số chuyên đề được đưa vào tập huấn như phương pháp chăm sóc cây lúa nước; gieo cấy đúng thời vụ; phương pháp chăn nuôi trâu, bò, lợn; phương pháp trồng trọt cây ăn quả, cây dược liệu; phòng chống dịch bệnh theo mùa, đan lát, thêu thùa; phổ biến pháp luật; mở 2 lớp xóa mù chữ với 56 học viên.
Chăm lo cuộc sống cho học sinh vùng khó
Không phải chỉ khi về hưu, nhà giáo Bùi Quang Tuyển mới tâm huyết với công tác khuyến học. Lớn lên ở vùng đất Quang Bình, tỉnh Hà Giang, chứng kiến đầy đủ những cơ cực trong cuộc sống của người dân và cả những chênh vênh, trắc trở trên hành trình đến với tri thức của học sinh nơi đây, mỗi khi có khả năng, thầy Tuyển đều cố gắng chăm lo cho cuộc sống của học trò, để các em yên tâm con đường đến trường, đến lớp.
Dù đã là sinh viên năm thứ 5, ngành Dược, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, nhưng Hoàng Thị Kim Thúy vẫn nhớ như in những hình ảnh đầy thân thiết, gần gũi của thầy giáo Bùi Quang Tuyển hơn 10 năm trước.
Hoàn cảnh gia đình Thúy khi ấy rất khó khăn, gạo không đủ ăn, bố mẹ thường xuyên ốm đau, chị gái bị tàn tật bẩm sinh ở chân, bản thân Thúy hay gặp bệnh, thân hình còi cọc.
Nữ sinh cho biết, ngày thầy giáo Bùi Quang Tuyển còn công tác Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Rịa, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, nơi Kim Thúy theo học, thầy Bùi Quang Tuyển thường xuyên đến nhà thăm hai chị em, tặng gia đình lương thực, thực phẩm.
"Có lần bố mẹ tôi ốm phải xuống huyện khám. Đường sá xa xôi, chỗ thì dốc đá, chỗ thì toàn bùn đất lầy lội, nếu tay lái yếu sẽ rất dễ trượt ngã, thật may là có thầy Tuyển đã chở bố mẹ tôi xuống khám bệnh kịp thời", Thúy xúc động nhớ lại.
Dưới sự dạy dỗ, kèm cặp của thầy Tuyển, Kim Thúy học hành ngày càng tiến bộ. Kỷ niệm Thúy nhớ nhất là lần đi thi học sinh giỏi cùng các bạn trong trường. Vẫn trên những cung đường sình lầy tiềm ẩn nhiều bất trắc ấy, thầy giáo Tuyển đã lái xe đón từng học sinh xuống huyện để tham gia kỳ thi.
Không có tiền ở trọ, nhà thầy Tuyển trở thành nơi đi về đầy an tâm cho các học trò nhỏ xa nhà trong những ngày thi đầy căng thẳng. "Lúc chúng tôi thi xong, thầy còn cho thêm nhiều bộ quần áo và cả gạo mang về nhà nữa. Đến tận bây giờ, những ký ức đó còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi", Kim Thúy kể.
Kim Thúy chỉ là một trong nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhà giáo Bùi Quang Tuyển giúp đỡ trong những năm giảng dạy, khi còn làm hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Rịa.
Bước sang tuổi 68, thầy giáo Tuyển vẫn hăng say với công việc thúc đẩy sự học ở địa phương với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình suốt 8 năm nay.
Làm khuyến học là thực hiện trách nhiệm của bản thân với đất nước
Mọi người hay nói về người làm công tác khuyến học là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Nhưng nhà giáo Bùi Quang Tuyển hiểu rằng, tạo nên một xã hội tri thức cần có sự chung sức của từng cá nhân. Xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh là trách nhiệm của mỗi công dân. Và trong bối cảnh hiện nay, tri thức là con đường ngắn nhất để giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững nhất.
Giờ đây, học sinh của huyện Quang Bình đã được đi học nhiều hơn. Số lượng học sinh đỗ vào các trường đại học của huyện Quang Bình mỗi năm một tăng. Người dân ngày càng quan tâm đến sự học của con em mình và của chính mình.
Huyện Quang Bình, dẫu vẫn có hoàn cảnh khó khăn, đói nghèo, hủ tục nhưng đã giảm đi trông thấy. Nhiều câu lạc bộ, hội thi văn hóa, văn nghệ giúp người dân vui hơn. Qua đó, công tác giáo dục được lồng ghép đạt kết quả tốt. Cuộc sống người dân đổi thay từng ngày với những tri thức, hiểu biết có được từ sự học.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quang Bình hằng mong, quê hương sớm theo được sự phát triển của các tỉnh bạn miền xuôi, sớm hoàn thành tiêu chí về các mô hình học tập. Bản thân nhà giáo Bùi Quang Tuyển tâm niệm sẽ luôn hết mình góp sức phấn đấu cho mục tiêu đó.