Nhà giáo, nhà văn Bùi Mạnh Nhị: 'Kéo vạt sao vào chăn ngủ…'

PGS Bùi Mạnh Nhị đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 69. Thương tiếc một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà thơ đã cống hiến cả đời cho ngành giáo dục

PGS-TSKH-NGƯT Bùi Mạnh Nhị công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM từ năm 1977, ngay sau khi anh tốt nghiệp đại học. Bùi Mạnh Nhị là người được đào tạo bài bản, anh bảo vệ luận án tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học ở Nga và trở lại Trường ĐH Sư phạm TP HCM.

Những trang viết cuối cùng

Bùi Mạnh Nhị là giảng viên có những công trình nghiên cứu từ khi còn rất trẻ. Các tác phẩm của anh đã được xuất bản từ những năm đầu của thập niên 1980. Bùi Mạnh Nhị sẽ vẫn còn đó trong những trang sách giáo khoa cách đây gần 1/4 thế kỷ và sách giáo khoa ngữ văn thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (bài số 4, lớp 6, bộ Cánh Diều - "Thánh Gióng - Tượng đài vĩnh cửu về lòng yêu nước"). Tám công trình khoa học đã được in thành sách - đây thật sự là những cống hiến khoa học không nhỏ của một nhà khoa học làm công tác quản lý.

PGS-TS Bùi Mạnh Nhị vẫn miệt mài viết sách và sáng tác dù gặp phải căn bệnh hiểm nghèo Ảnh: TƯ LIỆU

PGS-TS Bùi Mạnh Nhị vẫn miệt mài viết sách và sáng tác dù gặp phải căn bệnh hiểm nghèo Ảnh: TƯ LIỆU

Ngoài các công trình nghiên cứu đã được công bố, Bùi Mạnh Nhị còn làm thơ, viết tản văn… Thơ anh đã được trao giải nhì của Hội Văn nghệ Hà Nội khi đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; giải ba thơ do Hội Văn nghệ TP HCM trao năm 1980. Sau này, Bùi Mạnh Nhị vẫn làm thơ, nhất là thời kỳ anh làm nghiên cứu sinh ở Nga. Nhiều thơ đến vậy, nhưng Bùi Mạnh Nhị chỉ đưa vào "Trang sách, trang đời" cuối năm 2022 có 37 bài thơ.

Tôi đã đọc những bài thơ trong đó nhưng trong tập sách này đã không có những bài thơ rất hay do anh sáng tác mà anh viết trong tập sách cuối đời với lời giải thích "Có những bài thơ đến nay không còn bản thảo, không nhớ lại được" đăng trong Lời đầu sách của cuốn sách nói trên.

Thơ Bùi Mạnh Nhị có nhiều bài mà tôi rất thích trong tập sách cuối đời của anh:

"Kéo vạt sao vào chăn ngủ

Ghẹo ta khúc khích xuân thì…" (trích "Khai bút" trong "Trang sách, trang đời", tr.486).

Bài "Vô đề" cũng là một bài rất hay, có thể trích ra đây những câu sau: "Rót đất trời vào ly nhỏ/ Thiên địa rung rinh lòng ta/ Rót cho đầy vĩnh cửu/ Uống cho cạn thoáng qua/ Sao em nhìn ta bật khóc/ Rượu này có nước mắt pha…".

Tôi biết một số bài thơ rất hay của anh và một trong những bài thơ ấy anh đã chuyển cho tôi. Dù không phải là dân văn nhưng tôi cũng đã viết riêng cho anh một bài từ năm 2018, khi biết anh mang căn bệnh hiểm nghèo. Lúc đó, tôi đã gửi bài viết của mình cho anh, anh xem và sửa, rồi gửi lại cho tôi với lời đề nghị chưa đăng khi anh còn làm việc, tôi hứa và cất bài vào một góc. Cách đây tròn tháng, khi ngồi cà phê cùng anh ở Hội trường Thống Nhất, Bùi Mạnh Nhị đã không khỏe, cuối buổi gặp, anh ghé tai tôi nói nhỏ: "Đừng công bố bài viết của Hồng về mình nhé!". Tôi hỏi sao vậy, anh trả lời "cứ biết vậy đi", tôi gật đầu nhưng anh vẫn dặn lại: "Đừng công bố bài đó ở bất cứ đâu, kể cả Facebook nhé!". Tôi hứa với anh không đăng bài đó dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là buổi gặp sau cùng của chúng tôi.

Còn mãi tình yêu, sự kính trọng

Từ năm 1996 đến 1999, anh Bùi Mạnh Nhị làm phó rồi chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, tháng 12-1999 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Anh là người cho tới thời điểm này, ở cương vị hiệu trưởng lâu dài nhất so với tất cả các vị hiệu trưởng của trường.

Bùi Mạnh Nhị làm quản lý ở Trường ĐH Sư phạm TP HCM vào lúc trường vừa qua một biến động lớn. Khó khăn cho một người quản lý vốn chưa từng một ngày làm ở cấp quản lý trường. Anh vừa làm hiệu trưởng vừa là Bí thư Đảng bộ trường. Những cuộc họp kéo dài dai dẳng để giải quyết những lùng nhùng trước đó cũng như những bất đồng về quản lý trong ban lãnh đạo trường. Có lẽ, nhờ sự khéo léo và tài giao tiếp cùng những nỗ lực không ngừng, Bùi Mạnh Nhị đã đưa trường trở lại quỹ đạo bình thường của nó. Nhiều thầy cô giáo làm công tác quản lý cấp dưới đã tin tưởng người lãnh đạo trẻ của mình, các giảng viên và sinh viên đều yêu quý thầy hiệu trưởng Bùi Mạnh Nhị.

Một trong những dấu ấn của anh trong quản lý nhà trường là đã hoàn thành một văn bản quy định về chi tiêu nội bộ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là một trong những văn bản về quản lý tài chính đầu tiên của các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Sau khi rời cương vị hiệu trưởng nhà trường giữa nhiệm kỳ 2 của mình, Bùi Mạnh Nhị đã được điều động về Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này cũng như nhiệm vụ Chánh Văn phòng Hội đồng Chức danh nhà nước khi được Chính phủ điều chuyển về cơ quan này.

Với những cống hiến trong quá trình làm việc, PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Huân chương Lao động hạng nhất.

Anh rời cõi tạm. Nhiều học trò khoa văn vẫn nhớ mãi người thầy duyên dáng, bạn bè vẫn nhớ mãi anh như một người luôn hết mình vì bạn bè… Tôi chợt nghĩ, Bùi Mạnh Nhị đã chuẩn bị kỹ cho chuyến đi không trở về của mình trong tập sách cuối đời, các bạn có thể đọc được trong đó những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp và của học trò về anh với tình yêu và sự kính trọng: Nhà giáo, nhà văn Bùi Mạnh Nhị.

PGS-TS Bùi Mạnh Nhị sinh năm 1955, tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; hội viên Hội Nhà văn TP HCM. Ông qua đời vào sáng 5-4, hưởng thọ 69 tuổi. Lễ truy điệu diễn ra lúc 6 giờ 30 phút ngày 7-4, tại Nhà Tang lễ quốc gia (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP HCM), sau đó đưa đi hỏa táng tại Công viên Nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9, TP HCM.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nha-giao-nha-van-bui-manh-nhi-keo-vat-sao-vao-chan-ngu-20230406213310557.htm