Nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề: Những tranh luận chưa dứt

Liên quan đến nội dung sẽ có chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo đưa ra trong dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra.

Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Luật Nhà giáo để xin ý kiến góp ý của dư luận. Đáng chú ý có nội dung mới về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Theo dự thảo, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác.

Theo Bộ GD-ĐT, để có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng về người có “tư cách” nhà giáo, xứng đáng với danh xưng “nhà giáo”; đảm bảo nhà giáo là người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục và có khả năng hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả và làm tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với những người được gọi là “nhà giáo”, dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Nhà chức trách cho biết, quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với nghề giáo. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Nhà chức trách cho biết, quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với nghề giáo. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Sau khi đăng tải bài viết về vấn đề này, VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận với những luồng quan điểm trái chiều.

Một số người bày tỏ hoàn toàn đồng thuận, ủng hộ cần có chứng chỉ hành nghề nhà giáo để nâng cao chất lượng giáo dục, khiến nghề giáo trở nên chuyên nghiệp hơn.

Độc giả Thanh Hằng bình luận: “Cũng như ngành Y, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề, quan trọng là tiêu chí ra sao và cần được soạn thảo một cách kĩ lưỡng và khoa học. Ngành “trồng người” không thể vừa làm vừa sửa, cải cách liên tục được, bởi sẽ hỏng một, thậm chí nhiều thế hệ”.

Độc giả Nguyễn Trọng Đào chia sẻ, hoàn toàn nhất trí với phương án giáo viên cần có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Vì để trở thành người thầy đúng nghĩa phải có giấy chứng nhận, được hội đồng chuyên ngành thẩm định và ít nhất phải có thời gian thực tập về nghề”.

Độc giả Lương Thành cũng cho rằng, cần áp dụng chứng chỉ hành nghề với nhà giáo để tạo nên sự chuyên nghiệp, chứ không phải cứ tốt nghiệp Sư phạm là nghiễm nhiên trở thành nhà giáo và được đi dạy.

“Ngành Y cũng vậy, các sinh viên tốt nghiệp cử nhân, sau một thời gian làm việc thực tế đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Thiết nghĩ những gì liên quan trực tiếp đến con người, chúng ta cần phải làm chặt chẽ”.

Độc giả Khanh Nguyễn bình luận: “Tôi rất đồng ý. Kể từ cấp nhà trẻ, khi trẻ mới 2-3 tháng tuổi trở đi đến khi đủ 18 tuổi, người chăm sóc hoặc dạy đều phải có bằng đào tạo về Sư phạm cùng cấp và chứng chỉ hành nghề”.

Độc giả Đan Bổng còn cho rằng, cũng như với nghề Y, nghề giáo nên theo chu kỳ sau 5 năm thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. “Bởi điều này sẽ buộc những người thầy phải tự học tập, tự rèn luyện, tự tu dưỡng suốt đời”, độc giả này nêu quan điểm.

Song cũng rất nhiều người tỏ ý không đồng thuận, bởi đội ngũ giáo viên “đã mệt mỏi với các loại giấy tờ chứng chỉ”.

Một độc giả bày tỏ: “Giáo viên đã thiếu, lương thấp, giờ lại thêm chứng chỉ. Chúng ta cần xem xét thật kỹ vì điều này có thể ảnh hưởng rất lớn”.

Độc giả Nguyễn Văn Đức cũng bình luận: “Thêm chứng chỉ sẽ gây lãng phí, liệu ai đảm bảo có chứng chỉ hành nghề rồi, nhà giáo sẽ trở nên tốt hết không?”.

Độc giả Minh Phong cho rằng, điều cần nhất là chúng ta phải siết chặt đầu vào cũng như chất lượng giảng dạy ở các bậc đào tạo. “Nếu cấp giấy phép lại sinh ra thủ tục hành chính và hàng triệu giáo viên sẽ phải đi học thêm rồi thi sát hạch chứng chỉ để đủ điều kiện hành nghề, trong khi các trường sư phạm đã đào tạo đủ chuẩn để các sinh viên ra trường có thể dạy học”, độc giả này chia sẻ.

Độc giả Trần Đình Anh cho rằng, không nên có chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Bởi vốn nhà giáo phải được đào tạo và cấp bằng Sư phạm. “Bằng tốt nghiệp của nhà giáo do cơ sở đào tạo nghề giáo đạt chuẩn cấp bằng. Tấm bằng đó là cơ sở để người được cấp có thể hành nghề Sư phạm.

Độc giả Long Giang cho hay, thời gian qua, bao nhiêu lĩnh vực đã bãi bỏ chứng chỉ, nay ngành giáo dục lại muốn thêm. “Nên nhớ rằng, chất lượng của nhà giáo hay bất kỳ một sản phẩm nào đều không phụ thuộc bất kỳ một thủ tục quản lý hành chính nào cả. Chúng ta đừng nghĩ cách để cấp phép, thay vào đó, hãy nghĩ cách đào tạo có chất lượng để có sản phẩm chất lượng”.

Độc giả Lam Giang nêu quan điểm: “Theo tôi, bác sĩ cần chứng chỉ hành nghề để mở phòng khám tư, tự khám bệnh, được quyền quyết định điều trị bệnh. Nên tôi nghĩ chỉ khi nào nhà giáo muốn tự mở trường dạy học, mở lớp dạy thêm mới cần phải có chứng chỉ hành nghề”.

Độc giả Lê Dinh viết: “Hệ thống trường ĐH Sư phạm đào tạo cử nhân ngành Sư phạm mà không đủ điều kiện để trở thành nhà giáo và phải nhờ đến một tổ chức khác cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện giảng dạy, có lẽ cần xem lại tính hợp lý. Liệu đội ngũ cán bộ đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề có chuyên môn và học thuật, kỹ năng hơn các trường ĐH không. Vậy tại sao không đào tạo luôn trong chương trình của trường đại học?”.

Độc giả Thiện Phạm cũng đồng quan điểm rằng, tại sao không lồng ghép vào chương trình đào tạo sinh viên Sư phạm để khi họ tốt nghiệp là đồng nghĩa có chứng chỉ hành nghề.

Đồng quan điểm, độc giả Dương Hoài Linh chia sẻ: “Việc phải có thêm 1 chứng chỉ là sẽ tốn nhiều thời gian, công sức tiền bạc của những người đã tốt nghiệp ngành Sư phạm. Tôi nghĩ chứng chỉ chỉ áp dụng cho những người không học chuyên ngành Sư phạm nhưng muốn đi dạy học”.

Độc giả Tô Trung Nghĩa cho rằng, chỉ cần có bằng do trường sư phạm cấp là đủ. “Tôi nghĩ việc sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chỉ áp dụng cho những ai tốt nghiệp các ngành/trường không phải sư phạm nhưng làm công tác giảng dạy. Chứng chỉ hành nghề cũng nên có hiệu lực suốt đời, để tránh những phí tổn về thời gian, tiền bạc khi xin cấp lại, trừ khi phạm sai lầm phải tước chứng chỉ”.

Bên cạnh đó, cũng nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. “Các chuyên gia, các nhà quản lý cấp cao thỉnh thoảng được mời đến dạy, truyền giảng kinh nghiệm cho một trường học hay đơn vị nào đó thì họ có cần phải có chứng chỉ hành nghề hay không? Quy định chứng chỉ hành nghề liệu có làm khó cho việc truyền giảng kiến thức?”, một độc giả thắc mắc.

Độc giả Minh Phạm cũng băn khoăn: “Những người tốt nghiệp trong các trường Sư phạm nhưng do đào tạo vượt quá nhu cầu tuyển dụng và hiện nay chưa xin được việc làm hoặc có nơi công tác chính thức, nên đi dạy gia sư hoặc mở lớp dạy thêm tại nhà có được tham gia thi sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên không?”.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-giao-phai-co-chung-chi-hanh-nghe-nhung-tranh-luan-chua-dut-2284731.html