Nhà hàng ở Tokyo vẫn khai trương giữa đại dịch
Nhiều nhà hàng ở Tokyo và những thành phố lớn tại Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua.
Ngay cả khi việc giãn cách được chính phủ Nhật nới lỏng trước đây và tình trạng khẩn cấp hiện tại, lượng khách đi ăn nhà hàng đã không còn nhiều như trước. Một số khác không thể trụ vững được. Hơn 700 quán bar, nhà hàng trên toàn quốc đã nộp đơn phá sản.
Tương lai của các cơ sở dịch vụ ăn uống ở Tokyo vẫn rất mờ mịt. Tuy nhiên, vẫn có các nhà hàng mới quyết định khai trương vào thời điểm này.
Sự khác biệt ở Tokyo
James Farrer, giáo sư xã hội học tại ĐH Sophia, đã nhận thấy những cơ hội mới cho các doanh nghiệp là tập trung vào đồ ăn mang đi.
Ông cho biết: “Một số nhà hàng có thể xoay vòng giữa dịch vụ ăn uống tại chỗ hoặc mang đi, điều này tạo ra hoạt động kinh doanh tự do mà không bị cản trở bởi các quy định của Covid-19. Có khoảng 125.000 quán ăn ở Tokyo, gấp 5 lần ở New York.”
Farrer giải thích rằng với số lượng các nhà hàng lớn này, cùng với tỷ lệ sở hữu độc lập cao và quy mô quán ăn nhỏ, đã tạo nên sự khác biệt về ngành ăn uống, giải trí ở Tokyo.
Nhờ có những mặt bằng cho thuê nhỏ, việc mở nhà hàng ở đây tương đối dễ dàng. Ở một khía cạnh khác, Tokyo có nhiều khu dân cư ở xung quanh các nhà ga xe lửa và hầu như khu vực nào ở Tokyo cũng có các cao ốc văn phòng. Sự phân bổ đồng đều giữa các khu dân cư và khu thương mại chính là yếu tố quan trọng nhất khiến nhiều nhà hàng tiếp tục mở cửa.
Farrer cho biết thêm: “Ở những khu vực có mật độ dân cư sinh sống cao đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của các nhà hàng, do tình hình dịch bệnh hiện nay có nhiều người làm việc ở nhà hơn và họ cũng không muốn đi xa để ăn uống.”
Thay đổi để thích nghi
Việc mở cửa trong thời kỳ đại dịch đã khiến các nhà hàng phải thích nghi với nhiều thứ. Các nhà hàng được thiết kế với những ô cửa sổ để đưa đồ ăn mang đi, không gian rộng rãi với các bàn cách xa nhau và có giới hạn giờ mở cửa.
Shinichiro Aoki, quản lý của Barluck, nhà hàng mới ở khu vực ga Gakugei-Daigaku, cho biết cửa hàng được mở cửa với tiêu chí giãn cách và tập trung vào đồ ăn mang đi.
Đây là hai điều mà nhà hàng nào cũng phải nghĩ đến trước khi mở cửa trong tương lai. Ngoài bán đồ ăn, Barluck còn cung cấp các loại mocktail (đồ uống không cồn), do những hạn chế về việc bán rượu trong thời gian giãn cách.
Mọi thứ có vẻ hơi khác đối với Sezanne, nhà hàng kiểu Pháp mới mở tại Four Seasons Hotel Tokyo, khách sạn hạng sang trên phố Marunouchi, Tokyo. Bếp trưởng điều hành, Daniel Calvert, đã thiết kế lại nhà hàng cho phù hợp với thời kỳ dịch bệnh. Toàn bộ quy trình thiết kế của nhà hàng này được thực hiện từ xa trước khi Sezanne khai trương.
Giống như bất kỳ cơ sở kinh doanh nào khác, có những hạn chế do Covid-19 gây ra mà họ cần phải tuân thủ. Phần lớn nhân viên ở đây đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Ông chia sẻ. “Chúng tôi phải đảm bảo rằng nhân viên cũng như khách của chúng tôi phải được bảo vệ.”
Tương lai của ngành dịch vụ ăn uống
Mặc dù nhiều quán cà phê và nhà hàng mới đã mở cửa trong thời gian này, tình hình kinh doanh của họ cũng không kém phần bấp bênh, cũng như không biết tình trạng này sẽ còn kéo dài bao lâu.
“Khi đại dịch kết thúc, mọi người sẽ ăn uống ở ngoài nhiều hơn, giống như trước đây,” Calvert nói. Ông dự đoán một sự bùng nổ lớn trong tương lai khi các hạn chế được dỡ bỏ hoàn toàn.
Tại Barluck, Aoki cũng có cái nhìn tích cực về tương lai. Ông cho biết: “Đi ăn cũng là một thú vui quen thuộc và phổ biến nhất. "Ngay cả khi đại dịch tiếp diễn, việc đi ăn có thể thay đổi hình thức chứ không biến mất."
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-hang-o-tokyo-van-khai-truong-giua-dai-dich-post1271521.html