Nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt ra sao sau vụ hụt giá thuê hơn 15 tỷ đồng/năm

UBND Đà Lạt cho biết sẽ mời ông Đoàn Hải Hà đến làm việc vào ngày 8/12 để làm rõ việc từ chối đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ.

Mới đây, UBND TP Đà Lạt đã có văn bản trả lời những nội dung đề nghị của ông Đoàn Hải Hà (ngụ ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đồng thời, thành phố mời ông Hà có mặt tại trụ sở UBND vào ngày 8/12 để làm rõ từ chối đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ của ông.

Ông Đoàn Hải Hà là người đã trúng đấu giá cho thuê khu đất nhà hàng Thủy Tạ tọa lạc tại số 1 Yersin cũ, phường 1, TP Đà Lạt với giá thuê 10 năm là 151,5 tỷ đồng. Ông cũng đã đặt cọc hơn 600 triệu đồng để tham gia phiên đấu giá.

Đà Lạt: Ông Hà từng không ý kiến gì trước khi đấu giá

Theo UBND TP Đà Lạt, ngày 25/10, trước thời điểm diễn ra buổi đấu giá, ông Đoàn Hải Hà đã có bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính nêu rõ: "Tôi xin cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nếu được phê duyệt kết quả trúng đấu giá tài sản... Nếu không thực hiện đúng bản cam kết này, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc xử lý kỷ luật theo các quy định hiện hành của Nhà nước".

Sau đó, tại buổi đấu giá ngày 30/10, trước khi cho các khách hàng tham gia trả giá, đấu giá viên đã yêu cầu khách hàng nêu những thắc mắc, vướng mắc trong phương án tổ chức đấu giá hay quy chế đấu giá nhà hàng Thủy Tạ để cơ quan chức năng giải đáp. Thời điểm này, ông Hà không có ý kiến, thắc mắc hay vướng mắc gì. Điều này đã được ghi nhận trong biên bản đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, đến nay, ông Đoàn Hải Hà chưa đóng tiền trúng đấu giá. Đồng thời, ông còn cho rằng trong các văn bản liên quan đến việc đấu giá (thông báo, quy chế...) trước đó của UBND TP Đà Lạt không đề cập đến việc phải giữ nguyên chữ Thủy Tạ.

 Toàn cảnh khu đất vàng có chứa nhà hàng Thủy Tạ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Toàn cảnh khu đất vàng có chứa nhà hàng Thủy Tạ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sau khi rà soát phương án tổ chức đấu giá địa danh nhà hàng Thủy Tạ, UBND TP Đà Lạt cho biết đã quy định rõ tại khoản 3 của phương án tổ chức đấu giá. Trong đó khẳng định rõ tên địa danh nhà hàng Thủy Tạ đã gắn liền với kết cấu công trình của danh lam thắng cảnh cấp quốc gia tại Quyết định 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988.

Do vậy, việc thay đổi địa danh nhà hàng Thủy Tạ phải được cấp Bộ có liên quan xử lý, chấp thuận. UBND TP Đà Lạt không có thẩm quyền nên không thống nhất thay đổi tên nhà hàng Thủy Tạ thành nhà hàng HV theo đề nghị của ông Hà.

Bên cạnh đó, trong thông báo không đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ gửi đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Hải Hà cũng không nêu rõ có tiếp tục thực hiện việc nộp tiền trúng đấu giá còn lại hay không. Vì vậy, UBND TP Đà Lạt gửi văn bản mời ông đến làm rõ việc từ chối đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ.

Nếu ông Đoàn Hải Hà không có mặt xem như không thực hiện việc nộp tiền trúng đấu giá còn lại, từ chối kết quả trúng đấu giá và khoản tiền đặt cọc của ông sẽ được xử lý theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 hiện hành và phương án tổ chức đấu giá đã phê duyệt.

Đồng thời, UBND TP Đà Lạt sẽ xử lý các nghĩa vụ tài chính liên quan theo đúng phương án đấu giá tính đến ngày UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định hủy kết quả đấu giá đã phê duyệt.

Muốn đổi tên để có doanh thu lớn

Trước đó, trong đơn thông báo không đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ gửi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Hải Hà cho biết phương án kinh doanh sơ bộ của ông có nội dung bắt buộc phải đổi tên nhà hàng Thủy Tạ thành nhà hàng HV.

Theo ông Hà, việc đổi tên sẽ giúp ông có khoản doanh thu lớn hàng năm, chưa kể đến quảng cáo cho những thương hiệu khác.

Trên thực tế, mức giá trúng hơn 15 tỷ/năm khi đó đã gây bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng khó kinh doanh có lãi với chi phí thuê mặt bằng cao như vậy.

Trong thời gian chờ đấu giá, nhà hàng Thủy Tạ vẫn đang được khai thác kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong thời gian chờ đấu giá, nhà hàng Thủy Tạ vẫn đang được khai thác kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Lê Quốc Kiên - chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản chuyên nghiệp - do người trúng đấu giá phải thanh toán một lần tiền thuê 10 năm, nên bài toán kinh doanh phải tính đến chi phí cơ hội. Lấy trung bình lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng ở mức khoảng 7%/năm, ông ước tính mỗi năm người trúng đấu giá mất khoảng 20 tỷ đồng tiền thuê đất. Đây là một con số không hề nhỏ.

Giả định chi phí mặt bằng chiếm 15% doanh thu, như vậy mức doanh thu hòa vốn trung bình lên tới 139 tỷ đồng/năm, tức khoảng 385 triệu đồng/ngày.

Rõ ràng, đây không phải con số “không tưởng”, đặc biệt là khi so sánh với các mô hình kinh doanh ở những địa điểm đắc địa tại các thành phố lớn. Nhưng xét trong bối cảnh kinh doanh ở Đà Lạt vốn phụ thuộc chính vào khách du lịch, nhiều người vẫn hoài nghi về tính khả thi.

Về phía cơ quan chức năng, trong đề xuất tổ chức đấu giá cách đây 5 tháng, TP Đà Lạt đã đánh giá khu đất này có mục đích thương mại dịch vụ (kinh doanh nhà hàng, ăn uống) và có vị trí đặc biệt, hiện nay không có khu đất nào tương đồng để làm căn cứ so sánh.

Trước đó, trong giai đoạn 2015-2020, Công ty CP Du lịch Lâm Đồng đã thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng Thủy Tạ với giá 378 triệu đồng/năm. Vì vậy, dựa trên kết quả kinh doanh của đơn vị thuê cũ, TP đề xuất mức giá khởi điểm đấu giá cho thuê khu đất này là 30,4 tỷ đồng cho 10 năm. Với mức giá này, Đà Lạt đánh giá doanh nghiệp có thể chấp nhận và cân đối được trong phương án kinh doanh.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-hang-thuy-ta-da-lat-ra-sao-sau-vu-hut-gia-thue-hon-15-ty-dongnam-post1447155.html