Nhà hát Kịch CAND giành giải A Giải thưởng Văn học, VHNT, báo chí về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng

Vở kịch 'Đường về miền thương nhớ' của nhà hát Kịch CAND đã giành giải A Giải thưởng Văn học, VHNT, báo chí về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025.

Tối 15/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Trao giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025. Tới dự có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Giải thưởng đã nhận được 3.463 tác phẩm dự thi các thể loại: văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí... Tổng cục Chính trị đã lựa chọn, mời các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ sĩ, nhà báo có uy tín trong và ngoài quân đội tham gia 8 hội đồng chuyên ngành để giúp Ban Chỉ đạo thẩm định, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc đề cử vào giải thưởng.

Ban tổ chức trao tặng giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải A.

Ban tổ chức trao tặng giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải A.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn vừa qua đã thể hiện tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm và tài năng của các tác giả với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao thưởng cho 208 tác phẩm, trong đó có 30 giải A, 43 giải B, 59 giải C, 76 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025.

Nhà hát Kịch CAND đã giành giải A với tác phẩm "Đường về miền thương nhớ", tác giả Vũ Minh, đạo diễn - NSƯT Vũ Hồng Quân.

Tác phẩm được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật xảy ra ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Có một người điên lang thang đến chợ, sống nhờ sự giúp đỡ của người trong chợ, ai nhờ gì cũng giúp. Buổi tối, anh thu dọn sạch sẽ sạp hàng, làm chỗ ngủ qua đêm. Sau đó, anh được một gia đình thương tình, đưa về nuôi.

Qua nếp sinh hoạt, họ đoán người điên lang thang có thể là bộ đội, bị thương và mất trí nhớ, nên đã tìm mọi cách giúp anh tìm về với người thân. Từ những thông tin rời rạc, chắp vá, thu lượm được trong quá trình giao tiếp, những khoảnh khắc tỉnh táo của người thanh niên, họ đã gửi hàng ngàn lá thư về các địa phương, cơ quan. Cuối cùng, họ đã giúp anh tìm được quê hương, trở về trong vòng tay của người thân.

Một cảnh trong vở kịch nói "Đường về miền thương nhớ" do Nhà hát Kịch CAND dàn dựng

Một cảnh trong vở kịch nói "Đường về miền thương nhớ" do Nhà hát Kịch CAND dàn dựng

Trước đây, kịch bản ban đầu có tên là "Người không cô đơn" của tác giả Vũ Minh đã từng được nhiều đơn vị sân khấu chuyên nghiệp chọn dàn dựng dưới nhiều hình thức như kịch nói, chèo, cải lương… Tuy nhiên, trong bản dựng của Nhà hát Kịch CAND, chuyện kịch mở rộng hơn, tập trung xây dựng hình tượng đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ, ngợi ca tình đồng chí, đồng đội, đồng thời phản ánh nhiều vấn đề của xã hội thời hậu chiến. Tác giả đã viết thêm một số cảnh và lấy tên kịch là "Đường về miền nhớ".

Do kịch bản được viết bổ sung và vở kịch được Nhà hát CAND dàn dựng khi biên độ sáng tạo cho các tác phẩm về đề tài chiến tranh, về hậu chiến đã mở hơn rất nhiều so với gần 20 năm trước nên trong "Đường về miền nhớ", những vấn đề của xã hội thời hậu chiến, nhất là những mất mát do chiến tranh lặng sâu trong từng phận người, nhất là người lính và thân nhân của họ, được thể hiện khá rõ.

Vở diễn được ra mắt vào năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Qua 6 lần tổ chức vận động và xét trao giải thưởng (kể từ năm 1998 đến nay), mỗi đợt trao giải thưởng đã trở thành ngày hội ý nghĩa của văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội tham gia.

Đây là dịp để lan tỏa, khẳng định thành công trong việc triển khai tổ chức các hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí quân đội ở từng giai đoạn; đồng thời phản ánh đóng góp của những chiến sĩ-nghệ sĩ quân đội cho sự phát triển văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam sau 50 năm Ngày đất nước thống nhất.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nha-hat-kich-cand-gianh-giai-a-giai-thuong-van-hoc-vhnt-bao-chi-ve-de-tai-llvt-va-chien-tranh-cach-mang-post609075.antd