Nhà hát mới bên cạnh Nhà hát lớn
Nhắc đến Hà Nội, rất nhiều người Việt Nam, thậm chí rất nhiều người nước ngoài sẽ nhớ đến ngay một trong những nét đặc trưng là công trình kiến trúc Nhà hát Lớn.
Nhà hát Lớn Hà Nội từng có tên là Nhà hát Thành phố, được khởi công năm 1901, do kiến trúc sư Broyer, Harley và François Lagisquettheo thiết kế theo phong cách tân cổ điển, dựa trên mẫu Nhà hát Opéra Garnier (Pháp).
Đây là công trình văn hóa tiêu biểu, có giá trị về thẩm mỹ, quy mô xây dựng lớn thời điểm đó (khoảng 900 chỗ ngồi). Nhà hát lúc đó được sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói. Thời thực dân, đây là nơi phục vụ cho tầng lớp quan chức, thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Hiện nay, Nhà hát Lớn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, được nhiều người Việt Nam và khách du lịch quốc tế yêu thích.
Hơn 100 năm nay, Nhà hát Lớn đã đứng vững qua những cuộc chiến, nhiều lần được trùng tu. Hồi tháng 2/2023, Chính phủ giao Bộ VH,TT&DL nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát Các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch, quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Sau đó Bộ VH,TT&DL đã họp bàn, xem xét các phương án, trong đó có việc lựa chọn địa điểm. Rất bất ngờ, mới đây một lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cho rằng: "Chúng tôi đề xuất nghiên cứu phương án xây nhà hát mới ngay sau Nhà hát Lớn Hà Nội hiện nay". Vị này nói và cho rằng dù chưa có ý tưởng cụ thể, công trình mới sẽ “xứng tầm là nhà hát quốc gia”.
Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL thừa nhận vị trí được xem xét xây Nhà hát Các dân tộc Việt Nam sẽ gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng bởi đây là vị trí "đất vàng", trung tâm của Thủ đô. Tuy nhiên, đại diện Bộ VH,TT&DL đưa ra quan điểm địa điểm nêu trên nhằm mở rộng không gian Nhà hát Lớn, tạo thành quần thể mang dấu ấn văn hóa riêng cho Thủ đô. Phía trước là Nhà hát Lớn Hà Nội, sau là Nhà hát Quốc gia với đầy đủ công năng, tiếp đến là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tạo thành hệ thống kết nối với không gian văn hóa Hồ Gươm, trở thành hệ sinh thái văn hóa riêng của Thủ đô, góp phần kích thích du lịch, kinh tế đêm cho TP.
Quan điểm trên có những ý đúng đắn. Xây nhà hát mới ở cạnh Nhà hát Lớn phù hợp ở vấn đề công trình văn hóa cần ở vị trí trung tâm, dễ tiếp cận để từ đó thuận tiện cho việc thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa nghệ thuật, lan tỏa những giá trị chân - thiện - mỹ đến với công chúng. Có điều đây là một vị trí đặc biệt về kiến trúc, mật độ cư dân, điều kiện lịch sử nên luôn đòi hỏi cần có những công trình phù hợp. Không gian ở đây khá nhỏ, có phù hợp việc xây dựng một công trình văn hóa hiện đại hay không, hay có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, lại không đạt được mục đích. Như vậy, cần phải có đánh giá tác động kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa cụ thể để hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trước khi quyết định xây dựng một công trình quan trọng như Nhà hát Các dân tộc Việt Nam ở bên cạnh Nhà hát Lớn.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nha-hat-moi-ben-canh-nha-hat-lon-post476755.html