Nhà hoạt động nổi tiếng từng bị Taliban bắn vào đầu: 'Tôi lo sợ cho các chị em người Afghanistan'
Nhà hoạt động nổi tiếng Malala Yousafzai bày tỏ sự lo lắng cho tương lai của phụ nữ Afghanistan, hai ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này.
Malala Yousafzai, 24 tuổi, là người ủng hộ quyền giáo dục của phụ nữ trong một thời gian dài và bị các tay súng Taliban bắn vào đầu trên xe buýt năm 2012. Cô là người trẻ nhất đạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 nhờ vận động ủng hộ quyền giáo dục của phụ nữ. Năm đó cô mới 17 tuổi.
Sau khi biết thông tin Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan, Malala cho biết cô "hoàn toàn bị sốc". "Tôi vô cùng lo lắng cho phụ nữ, người thiểu số và những người ủng hộ nhân quyền. Các cường quốc trên toàn cầu, khu vực và địa phương phải kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức, cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn và dân thường", nhà hoạt động trẻ tuổi kêu gọi trên Twitter.
Ngày 15/8, Taliban tuyên bố cuộc chiến tranh tại Afghanistan "đã kết thúc" sau khi lực lượng Hồi giáo này giành chính quyền, xông vào đại sứ quán và dinh tổng thống ở Kabul.
Nhìn những bức ảnh dòng người hốt hoảng xen lẫn tuyệt vọng cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan, Malala bình luận đây là "một cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp".
"Chúng ta đang sống trong một thế giới mà thường xuyên nói đến những tiến bộ về bình đẳng, nhất là bình đẳng giới. Chúng ta không thể đứng nhìn một đất nước phải quay ngược lại lịch sử cách đây hàng thập kỷ. Chúng ta phải có lập trường mạnh mẽ để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái và vì một nền hòa bình, ổn định trong khu vực", nhà hoạt động Malala nói.
Dưới đây là những tâm tư xúc động mà Malala bày tỏ về nỗi lắng lo cho tương lai của phụ nữ Afghanistan sau khi nước này bị quân Taliban chiếm đóng. Bài đăng trên The New York Times.
"Trong hai thập kỷ qua, hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan nhận được sự giáo dục. Giờ đây, tương lai đầy hứa hẹn đang gần như vụt mất một cách nguy ngại. Taliban - kẻ không có quyền lực 20 năm trước đã cấm gần như tất cả trẻ em gái và phụ nữ đến trường và đưa ra hình phạt khắc nghiệt cho những người không tuân lệnh - đang trở lại kiểm soát. Giống như nhiều phụ nữ, tôi lo sợ cho các chị em người Afghanistan của mình.
Tôi không thể không nghĩ về tuổi thơ. Khi Taliban chiếm thành phố quê hương tôi ở Thung lũng Swat, Pakistan vào năm 2007 và ngay sau đó họ cấm bé gái đi học, tôi giấu sách dưới chiếc khăn choàng dài và sợ hãi bước đến trường. 5 năm sau, khi tôi 15 tuổi, Taliban cố giết tôi vì tôi dám nói lên quyền được đi học.
Tôi biết ơn cuộc sống của mình lúc này. Sau khi tốt nghiệp đại học năm ngoái và bắt đầu vạch ra con đường sự nghiệp của riêng mình, tôi không thể tưởng tượng nổi mọi thứ sẽ mất hết, sẽ quay trở lại cuộc sống do những gã đàn ông cẩm súng nắm quyền chi phối.
Các bé gái và phụ nữ trẻ Afghanistan một lần nữa đang ở trong tình huống tôi từng trải qua - tuyệt vọng khi nghĩ rằng họ có thể sẽ không bao giờ được phép đi học hoặc cầm sách nữa. Một số thành viên của Taliban nói họ sẽ để phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục và làm việc. Nhưng với lịch sử đàn áp bạo lực của Taliban đối với quyền của phụ nữ, nỗi sợ hãi của phụ nữ Afghanistan là có thật. Hiện tại, chúng tôi có biết về việc các sinh viên nữ bị các trường đại học từ chối nhận, các nữ công nhân phải nghỉ làm.
Những điều trên không lạ lẫm đối với người dân Afghanistan, những người đã bị mắc kẹt nhiều thế hệ trong các cuộc chiến tranh giành giữa các cường quốc toàn cầu và khu vực. Trẻ em đã được sinh ra trong trận chiến. Các gia đình đã sống trong nhiều năm trong các trại tị nạn - hàng nghìn người khác đã phải rời bỏ nhà cửa của họ trong những ngày gần đây.
Những khẩu Kalashnikovs do Taliban mang theo là gánh nặng trên vai của tất cả người dân Afghanistan. Các quốc gia đã sử dụng người Afghanistan làm con tốt trong cuộc chiến ý thức hệ và lòng tham đã khiến họ phải tự gánh sức nặng ấy.
Nhưng vẫn chưa muộn để giúp đỡ người dân Afghanistan - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Trong hai tuần qua, tôi đã nói chuyện với một số người ủng hộ giáo dục ở Afghanistan về tình hình hiện tại của họ và những gì hy vọng sẽ xảy ra. Một phụ nữ điều hành trường học cho trẻ em ở nông thôn nói với tôi rằng cô ấy đã mất liên lạc với giáo viên và học sinh của mình.
“Thông thường chúng tôi giảng dạy, nhưng giờ chúng tôi đang tập trung vào chăm lo cho các trại”, cô ấy nói. "Hàng ngàn người đang chạy trốn và chúng tôi cần viện trợ nhân đạo ngay lập tức để các gia đình không chết vì đói hoặc thiếu nước sạch". Cô ấy lặp lại lời cầu xin mà tôi đã nghe từ những người khác: Các cường quốc trong khu vực nên tích cực hỗ trợ bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Các nước láng giềng - Trung Quốc, Iran, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan - phải mở cửa cho dân thường chạy trốn. Điều đó sẽ cứu sống và giúp ổn định khu vực. Họ cũng cần cho phép trẻ em tị nạn ghi tên vào các trường học địa phương và các tổ chức nhân đạo cần thành lập các trung tâm dạy học tạm thời trong các trại và khu định cư.
Nhìn về tương lai của Afghanistan, một nhà hoạt động khác muốn Taliban nêu cụ thể về những gì họ sẽ cho phép: “Nói một cách mơ hồ rằng 'Nữ giới có thể đi học là chưa đủ'. Chúng tôi cần có những thỏa thuận cụ thể để các em gái có thể hoàn thành chương trình học, nghiên cứu khoa học và toán học, có thể học đại học và được phép tham gia lực lượng lao động và làm những công việc mà họ chọn.
Các nhà hoạt động mà tôi đã nói chuyện lo sợ việc quay trở lại nền giáo dục chỉ dành cho tôn giáo sẽ khiến trẻ em không có kỹ năng cần thiết để đạt được ước mơ, và đất nước của chúng không thể thiếu bác sĩ, kỹ sư và nhà khoa học trong tương lai.
Chúng ta sẽ có thời gian tranh luận xem điều gì đã xảy ra trong cuộc chiến ở Afghanistan, nhưng trong thời điểm quan trọng này, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan. Họ đang yêu cầu sự bảo vệ, cho giáo dục, tự do và tương lai mà họ đã được hứa hẹn. Chúng ta không thể khiến họ thất vọng. Chúng ta không có nhiều thời gian".