Nhà Khang Điền, Hodeco, Gilimex lấn sân sang bất động sản công nghiệp
Nhà Khang Điền, Hodeco, Gilimex... đang mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, dù triển vọng ngành này đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô.

Gilimex kỳ vọng vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp sau khi mất khách hàng Amazon. Ảnh: Lê Toàn
Lấn sân lĩnh vực mới đầy tiềm năng
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt là bất động sản công nghiệp, lĩnh vực có dòng tiền cho thuê ổn định hàng năm.
Bên cạnh bất động sản thương mại, Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH) đang mở rộng sang bất động sản công nghiệp. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Nhà Khang Điền cho biết, dự án khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân mở rộng dự kiến đưa vào kinh doanh năm 2027, hiện Công ty đang xây dựng hạ tầng.
Dự án có quy mô 109,9 ha, trong đó 89 ha đã có quyết định thuê đất. Nhà Khang Điền đã được cấp giấy phép xây dựng hạ tầng, dự kiến khởi công năm 2025. Tính đến cuối quý I/2025, Công ty đã ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1.034,1 tỷ đồng. Đây là bước tiến mới sau hàng loạt dự án bất động sản thương mại thành công.
Tương tự, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã HDC) đã thông qua việc triển khai đầu tư các cụm công nghiệp Châu Đức, Tân Hội 3 và 4. Các cụm này sẽ do các pháp nhân mới thành lập quản lý và vận hành. Tại Đại hội đồng cổ đông 2025, ông Lê Viết Liên, Tổng giám đốc Hodeco cho biết, Công ty đã tăng sở hữu lên 43,55% tại CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (mã HUB), đơn vị phát triển KCN Phú Bài 1 & 2. Hodeco dự kiến đầu tư 400-500 tỷ đồng cùng HUB phát triển một số cụm công nghiệp tại Tây Ninh, Châu Đức (TP.HCM), sau đó sẽ mở rộng ra các KCN lớn.
Với CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL), khi hoạt động bị ảnh hưởng bởi vụ kiện với Amazon, Công ty đã tìm kiếm đối tác mới, đặc biệt trong ngành thú nhồi bông để thay thế nguồn thu xuất khẩu bị mất.
Ngoài sản xuất, Gilimex đang đẩy mạnh các dự án bất động sản công nghiệp: KCN Gilimex (Thừa Thiên Huế): 460,85 ha, vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất bán hàng 100% vào năm 2028. KCN Gilimex Vĩnh Long: 400 ha, đang trong quá trình đầu tư. KCN Nghĩa Hưng (Bắc Giang), đang giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Trong đó, KCN Phú Bài là dự án tồn kho lớn nhất, đã đầu tư 556,3 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2025, đã cho thuê đất từ năm 2024, nhưng kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng.
Theo Chứng khoán DSC, các dự án tại miền Trung như Phú Bài chưa thực sự hấp dẫn do hạn chế về vị trí, dù giá thuê thấp hơn các khu vực lân cận.
Từng ghi nhận lãi trên 300 tỷ đồng/năm giai đoạn 2020-2022, Gilimex chỉ lãi 29 tỷ đồng năm 2023, 28 tỷ đồng năm 2024 và quý I/2025 tiếp tục giảm 70,9%, chỉ còn 2,1 tỷ đồng.
Dù bất động sản công nghiệp còn nhiều tiềm năng, nhưng tiến độ thu hút khách thuê tại KCN Phú Bài đang chậm, khiến hiệu quả kinh doanh của Gilimex chưa đạt kỳ vọng.
Thị trường đang thận trọng với nhóm bất động sản khu công nghiệp
Thực tế, dù lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng, nhưng liên quan tới bất ổn bên ngoài về thuế quan đối ứng của Mỹ, các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản công nghiệp trong năm 2025 cùng nhìn nhận sự thận trọng, lo ngại việc thuê mới/mở rộng nhà máy bị trì hoãn của các doanh nghiệp/tập đoàn trên thế giới. Vì vậy, điều này ảnh hưởng tới khả năng thu hút đầu tư mới vào các KCN.
Nhiều doanh nghiệp lấn sân bất động sản công nghiệp
Khang Điền, Hodeco, Gilimex... đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp để tìm kiếm dòng tiền ổn định. Tuy nhiên, triển vọng ngành đang chịu ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Tiến độ cho thuê chậm, lợi nhuận sụt giảm, cổ phiếu nhóm này bị bán mạnh, nhiều kế hoạch gọi vốn gặp khó khăn.
Trong đó, dù thị trường chứng khoán phục hồi sau đợt bán mạnh đầu tháng 4, cổ phiếu nhóm bất động sản công nghiệp vẫn đang giảm mạnh. Cụ thể, nếu tính từ ngày 28/3 đến ngày 27/6, các cổ phiếu như CTCP KCN Nam Tân Uyên (mã NTC) vẫn giảm 29,6%, về 164.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) giảm 24,7%, về 68.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã BCM) giảm 18,8%, về 63.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) giảm 11,5%, về 26.450 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CTCP Sonadezi Châu Đức (mã SZC) giảm 10,4%, về 37.500 đồng/cổ phiếu…
Việc thị trường phục hồi và vượt vùng trước đợt bán mạnh đầu tháng 4, nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản KCN vẫn suy giảm cho thấy điều này đã và đang ảnh hưởng tới khả năng gọi vốn của doanh nghiệp.
Cụ thể, Becamex IDC đã hoãn đợt chào bán 300 triệu cổ phiếu khi cổ phiếu liên tục giảm mạnh trước thềm chào bán, buộc phải giảm lượng chào bán dự kiến còn 150 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, Kinh Bắc chỉ chào bán được 102,9 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán 250 triệu cổ phiếu; còn lại 147,1 triệu cổ phiếu không bán hết và doanh nghiệp phải tiếp tục tìm cách chào bán số cổ phần nhà đầu tư không mua.
Như vậy, khi triển vọng ngành gặp thách thức, các cổ phiếu của “ông lớn” trong ngành đã chịu áp lực bán mạnh trên sàn, và đặc biệt, kế hoạch gọi vốn bị gián đoạn khi nhiều nhà đầu tư trì hoãn kế hoạch đầu tư vào doanh nghiệp.