Nhà khoa học cảnh báo Mỹ có thể đối mặt với mưa axit do bãi bỏ quy định môi trường

Ngày 27/3, theo tờ Guardian, nhà khoa học Gene Likens - người đầu tiên phát hiện hiện tượng mưa axit ở Bắc Mỹ vào những năm 1960 - đã cảnh báo Mỹ có nguy cơ quay trở lại thời kỳ ô nhiễm nghiêm trọng nếu chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục bãi bỏ các quy định về chất lượng không khí và nước.

Khói từ các đám cháy rừng bao trùm bầu không khí tại Hawaii, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Khói từ các đám cháy rừng bao trùm bầu không khí tại Hawaii, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ông Likens cho rằng những hành động gần đây của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) dưới sự điều hành của Giám đốc Lee Zeldin là một bước thụt lùi nghiêm trọng đối với sức khỏe môi trường và cộng đồng.

Theo ông Likens, kế hoạch loại bỏ và làm suy yếu 31 quy định môi trường của EPA có thể khiến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tái diễn, trong đó bao gồm cả nguy cơ mưa axit quay trở lại. Ông cho biết chương trình giám sát độ axit trong nước mưa do ông khởi xướng từ năm 1976, vốn đóng vai trò cảnh báo sớm về biến đổi chất lượng môi trường, đã bị chính quyền Trump cắt giảm kinh phí và làm gia tăng nguy cơ mất kiểm soát dữ liệu giám sát.

Vào năm 1963, trong khi nghiên cứu tại khu rừng Hubbard Brook ở bang New Hampshire, ông Likens phát hiện nước mưa có độ axit cao gấp 100 lần bình thường. Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học xác định nguyên nhân chính là do khí thải từ các nhà máy điện than ở vùng Trung Tây Mỹ, mang theo lưu huỳnh đioxit và nitơ oxit, kết hợp với nước và oxy trong khí quyển để tạo thành axit sunfuric và nitric. Các hợp chất này sau đó rơi xuống đất dưới dạng mưa axit, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các hồ, suối, đất đai, hệ sinh thái và công trình xây dựng.

Đến thập niên 1980, mức độ axit trong lượng mưa tại Mỹ được ghi nhận cao gấp 10 lần mức bình thường, kéo theo làn sóng phản đối dữ dội từ công chúng. Dưới áp lực của dư luận và giới khoa học, Quốc hội Mỹ đã thông qua sửa đổi Đạo luật Không khí Sạch vào năm 1990, với sự ủng hộ từ cả hai đảng. Văn bản này đặt ra yêu cầu giảm mạnh lượng khí thải từ các nhà máy điện, góp phần đưa nồng độ axit trong mưa giảm hơn 85% tại nhiều khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Likens, nếu các quy định khí thải - đặc biệt đối với các nhà máy điện than - bị gỡ bỏ, Mỹ có thể đánh mất thành quả đã đạt được trong hơn ba thập niên qua. Ông cảnh báo rằng các hệ sinh thái vốn đã suy yếu sẽ dễ bị tổn thương hơn nếu mưa axit quay trở lại, nhất là trong bối cảnh giám sát môi trường bị cắt giảm.

Ông William Reilly, cựu Giám đốc EPA dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, cho rằng khả năng mưa axit quay lại ở quy mô như trước là thấp do ngành than đang suy giảm, nhưng nhấn mạnh rằng chính quyền hiện tại đang đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ trước khi EPA được thành lập - khi bầu trời ở các thành phố như New York và Los Angeles từng bị che phủ bởi khói bụi và nhiều dòng sông bốc cháy do ô nhiễm hóa chất.

Các chuyên gia môi trường khác cũng bày tỏ quan ngại. Ông Richard Peltier, nhà khoa học tại Đại học Massachusetts, nhận định rằng nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, hiện tượng mưa axit hoàn toàn có thể tái hiện trong vài năm tới. Ông cảnh báo việc làm suy yếu hệ thống giám sát và nghi ngờ giới khoa học đang làm tổn hại đến những tiến bộ môi trường vốn đã được chứng minh là hiệu quả.

Trong số các quy định bị nhắm đến có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc cắt giảm phát thải lưu huỳnh đioxit - tác nhân chính gây ra mưa axit. Ông Murray McBride, nhà khoa học tại Đại học Cornell, cho rằng nếu giới hạn khí thải bị dỡ bỏ ở mức đáng kể, việc tái xuất hiện lượng lớn lưu huỳnh đioxit là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài việc nới lỏng quy định, chính quyền Tổng thống Trump cũng cắt giảm ngân sách cho các chương trình nghiên cứu độc lập. Trạm giám sát nước mưa do ông Likens vận hành gần khu vực Finger Lakes ở bang New York, tồn tại gần 50 năm qua, hiện không còn nhận được tài trợ từ Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA). Ông cho biết chưa nhận được bất kỳ lý do cụ thể nào về việc cắt giảm kinh phí và không rõ liệu chương trình có thể tiếp tục hay không.

Hiện nay, ông Likens vẫn tích cực giảng dạy về mưa axit và các vấn đề môi trường với các thế hệ sinh viên trẻ, phần lớn chưa từng trải qua thời kỳ ô nhiễm đỉnh điểm ở Mỹ. Ông coi câu chuyện mưa axit là minh chứng điển hình cho việc khoa học có thể dẫn dắt chính sách công hiệu quả, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc khi chứng kiến nguy cơ thành tựu này bị đảo ngược.

Phía EPA từ chối trả lời về khả năng mưa axit quay trở lại hay về các rủi ro sức khỏe cộng đồng có thể phát sinh nếu các quy định tiếp tục bị bãi bỏ. Cơ quan này cho biết Mỹ có thể vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và gọi đây là ngày bãi bỏ quy định quan trọng nhất trong lịch sử, nhằm xóa bỏ những chính sách mà chính quyền trước đây ban hành để hạn chế ngành năng lượng trong nước.

Hoàng Minh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nha-khoa-hoc-canh-bao-my-co-the-doi-mat-voi-mua-axit-do-bai-bo-quy-dinh-moi-truong-20250327214446148.htm